Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ

0
2692
image_printIn bài viết
Ngày 14/07/2016 Bộ Y tế đã ký ban hành Kế hoạch số 693/KH-BYT về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 13/TTg).

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU                                                                  

1. Các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc ngành Y tế nghiêm túc quán triệt và xây dựng kế hoạch của đơn vị để triển khai thực hiện Chỉ thị 13/TTg theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quy định.

2. Yêu cầu tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 13/TTg thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; kiểm tra, đánh giá trách nhiệm đơn vị, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Từ nay đến hết năm 2016, ngành Y tế tập trung kiểm soát tạo chuyển biến rõ nét các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng; chấn chỉnh việc kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm; kiểm soát cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học và an toàn thực phẩm tại các lễ hội, sự kiến lớn.

3. Công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian còn lại của năm 2016 theo Chỉ thị 13/TTg thực hiện lồng ghép với Kế hoạch số 1047/KH-BYT ngày 20 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Kế hoạch công tác thanh tra Y tế năm 2016; Kế hoạch số 52/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 22 tháng 01 năm 2016 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm về triển khai công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm năm 2016; Kế hoạch số 102/KH-BYT ngày 16 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Kế hoạch thanh tra, kiểm tra về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bộ Y tế năm 2016.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Rà soát sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cục An toàn thực phẩm chủ trì rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm cần sửa đổi, bổ sung và ban hành mới trình Lãnh đạo Bộ Y tế đưa vào kế hoạch ban hành văn bản quy phạm pháp luật hằng năm. Trong năm 2016 tổ chức triển khai kịp thời văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành (Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế; Thông tư quy định thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế) và khẩn trương hoàn thành trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng; Thông tư quy định mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc thú Y trong thực phẩm; Thông tư về kê khai giá đối với sản phẩm thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi; Tài liệu hướng dẫn thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm chức năng.

2. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bảo đảm an toàn thực phẩm

Ở Trung ương, Cục An toàn thực phẩm làm đầu mối; ở địa phương, Sở Y tế giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm làm đầu mối phối hợp với các cơ quan báo, đài tăng cường công tác truyền thông về an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức, phù hợp với đặc thù của từng địa phương; tuyên truyền các chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm đến người dân, các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cơ quan quản lý. Cung cấp thông tin về cơ sở chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm, cơ sở bán sản phẩm thực phẩm an toàn để người dân biết và lựa chọn. Công bố công khai cá nhân, tổ chức vi phạm về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

3. Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra quý III, IV năm 2016

3.1. Cục An toàn thực phẩm:

– Chủ trì triển khai kiểm tra trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm đối với 06 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm: Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Bình Dương, Nghệ An, Long An (06 tỉnh, thành phố nằm trong Kế hoạch số 1047/KH-BYT và Kế hoạch số 52/KH-BCĐTƯVSATTP thanh tra, kiểm tra chuyên đề nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống), hoàn thành trong quý III năm 2016.

– Triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về an toàn thực phẩm lồng ghép với Kế hoạch số 1047/KH-BYT ngày 20 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Kế hoạch số 52/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 22 tháng 01 năm 2016 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm; Kế hoạch số 102/KH-BYT ngày 16 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế (địa bàn, thời gian triển khai chi tiết tại phụ lục kèm theo). Thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm theo Điểm a Mục 1 Chỉ thị 13/TTg để phát hiện, ngăn chặn kịp thời cá nhân, tổ chức vi phạm về an toàn thực phẩm.

3.2. Thanh tra Bộ Y tế:

– Chủ trì triển khai thanh tra về an toàn thực phẩm theo Mục IV Kế hoạch số 1047/KH-BYT ngày 20 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Kế hoạch công tác thanh tra Y tế năm 2016.

– Phối hợp với Cục An toàn thực phẩm triển khai cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2016 theo Kế hoạch số 52/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 22 tháng 01 năm 2016 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm về triển khai công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm năm 2016.

3.3. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế (quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm). Chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và hướng dẫn Ủy ban nhân dân tuyến huyện (quận, thị xã) và xã (phường, thị trấn) chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học và thức ăn đường phố; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên; dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm.

4. Triển khai có hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng Công an, Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 nhằm kiểm soát ngăn chặn, xử lý nghiêm việc nhập lậu, lưu thông, kinh doanh thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là đối với thực phẩm chức năng và phụ gia thực phẩm.

5. Cục An toàn thực phẩm, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đầu mối tham mưu triển khai Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ và Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ký ngày 30 tháng 3 năm 2016.

Tải Kế hoạch tại đây

VFA

Theo nguồn http://vfa.gov.vn/