BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM CHO GIA ĐÌNH TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN

0
177
image_printIn bài viết

Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm các gia đình sử dụng thực phẩm rất nhiều, nhất là những loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, bánh, mứt, rượu, bia, nước giải khát, …; việc lựa chọn thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe cho gia đình luôn được người nội trợ, người trực tiếp chọn mua, chế biến thực phẩm cho gia đình quan tâm. Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho cả gia đình trong dịp Tết, người nội trợ nên lưu ý những điểm sau khi lựa chọn thực phẩm.

An toàn thực phẩm là vấn đề nóng diễn ra hàng ngày, hàng giờ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Vì vậy, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc hết sức quyết liệt, tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm giảm thiểu nguy cơ về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh trách nhiệm quản lý của Nhà nước, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái khi nói không với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

* Một số nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm:

– Thực phẩm có sẫn độc chất gốc tự nhiên như trong một số thuỷ sản (cá nóc, mực xanh, …), trong một số thực vật (măng, sắn, nấm độc, …) hoặc chất độc sinh ra trong quá trình bảo quản không đúng cách.

– Thực phẩm bị nhiễm vi sinh trong quá trình sơ chế, chế biến, vận chuyển, bảo quản, ….

– Các hoá chất không được phép sử dụng nhưng vẫn được người sản xuất, kinh doanh thực phẩm sử dụng (hàn the, phẩm màu công nghiệp, …) hoặc các hoá chất được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm nhưng lại được sử dụng vượt quá hàm lượng cho phép (chất tạo ngọt tổng hợp, chất bảo quản, chất chống oxy hoá, …).

Để bảo vệ sức khoẻ cho gia đình trong dịp Tết, người nội trợ, người trực tiếp chọn mua, chế biến thực phẩm cho gia đình nên mua thực phẩm tại các nơi bán có uy tín, đại lý, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, … để yên tâm về chất lượng sản phẩm, không mua quá nhiều thực phẩm để dự trữ, không sử dụng thực phẩm đã bị hư hỏng, không sử dụng các loại thực phẩm chưa biết rõ nguồn gốc và cần lựa chọn thực phẩm an toàn như sau:

Thực phẩm có thể chia thành hai nhóm một cách tương đối:

1. Đối với thực phẩm bao gói sẵn (đồ hộp, bánh, kẹo, nước giải khát, …) cần lưu ý:

– Nên lựa chọn thực phẩm có bao bì chứa đựng còn nguyên vẹn; không bị biến dạng như: rách, nứt, móp méo, phồng, thủng, gỉ sét, ….

– Trên bao bì phải có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ nội dung như: tên sản phẩm, tên và địa chỉ của nơi sản xuất, trọng lượng, các thành phần chính, hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, …. Người nội trợ cần đọc kỹ thông tin về thành phần trên nhãn của thực phẩm để hạn chế khả năng dị ứng với một hoặc nhiều thành phần trong thực phẩm của các thành viên trong gia đình.

– Nên chọn mua thực phẩm được bảo quản ở điều kiện phù hợp với yêu cầu của nhà sản xuất (theo hướng dẫn bảo quản mà nhà sản xuất ghi trên nhãn hàng hoá của sản phẩm).

– Ngoài ra đối với những loại đồ hộp khi mở bao bì mà có mùi lạ hay mùi hôi thì nên bỏ đi và không nên tiếp tục sử dụng.

2. Đối với thực phẩm không có bao gói sẵn (rau, củ, quả tươi sống, thịt, cá tươi, trứng, …) cần lưu ý:

– Nếu mua thực phẩm ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị, nên chọn các thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp với từng loại sản phẩm (Rau, củ, quả được bảo quản nơi thoáng mát; thịt, thủy sản được bảo quản lạnh đông hoặc vùi trong nước đá; trứng được bảo quản ở nhiệt độ mát; ….)

– Nếu mua thực phẩm ở chợ truyền thống, nên chọn các nơi bán quen hoặc có uy tín để mua; nên chọn các nơi bán được bố trí riêng biệt các loại rau, củ, quả với các loại thịt, sản phẩm gia cầm và thủy hải sản. Nên tránh các nơi bán gần khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao như cống rãnh, tập kết rác thải, gần nhà vệ sinh.

– Đối với rau, củ, quả: nên chọn các loại rau, củ, quả tươi, không bị dập, không có mùi lạ, không nên chọn các loại có kích thước bất thường như quá mập, quá to, ….

– Đối với các loại thịt tươi nên chọn thịt đã qua kiểm dịch. Nên chọn thịt có màng ngoài khô, mịn, có màu đỏ tươi hoặc đỏ sẩm, mùi bình thường, đặc trưng. Đối với thịt chế biến sẵn như thịt quay, chả lụa, … chỉ nên mua ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, quầy bán hàng phải sạch sẽ, người bán có đầy đủ bảo hộ lao động như tạp dề, găng tay, khẩu trang, ….

– Đối với các loại thủy, hải sản, nếu có thể nên chọn các loại còn sống, hoặc nếu không còn sống thì phải được vùi trong nước đá. Ví dụ: Chọn một số thủy, hải sản tươi như sau: Cá tươi phải có mắt lồi, trong suốt; mang dán chặt, không nhớt, không mùi hôi; vẩy tươi óng, dính chặt, niêm dịch không có hoặc có ít, màu trong, không mùi; bụng bình thường, không phồng chướng. Tôm, tép tươi phài có vỏ, đầu, râu, mắt sáng lóng lánh, màu xanh trơn lánh, cứng dai; thịt chắc; mùi vị tanh bình thường. …

Ngoài ra người nội trợ cần thực hiện giữ vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm; sử dụng đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ; chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ và nấu chín kỹ; ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu chín xong; bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn; giữ vệ sinh cá nhân tốt; sử dụng vật liệu bao gói thực phẩm sạch sẽ, thích hợp; ….

Để gia đình có một mùa Tết trọn vẹn, người nội trợ, người trực tiếp chọn mua, chế biến thực phẩm cho gia đình hãy là người tiêu dùng thông thái khi chọn lựa các loại thực phẩm./.

Phòng Nghiệp vụ – Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm An Giang