Cả nước chưa có nơi bán thịt bò an toàn

0
2114
image_printIn bài viết

Trong danh sách 69 điểm cung cấp thực phẩm an toàn trên, không có bất kỳ cơ sở thịt bò nào được chứng nhận.

Tại cuộc họp báo Tuần lễ giới thiệu Nông sản an toàn và công bố chương trình Địa chỉ xanh – Nông sản sạch sáng ngày 5/5, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã công bố danh sách 69 địa chỉ bán sản phẩm nông lâm thủy sản được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) theo chuỗi.

Đáng chú ý, tại Hà Nội và TP.HCM, hai “điểm nóng” của vấn đề vệ sinh ATTP, số cơ sở được chứng nhận an toàn chỉ… đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, mặc dù bao quanh Hà Nội là các vựa rau VietGAP được Sở NN-PTNT thí điểm tổ chức song địa phương này chỉ có hai địa chỉ bán rau an toàn tại Thái Thịnh (Thịnh Liệt, Đống Đa) và ở Lò Đúc (Đông Mác, Hai Bà Trưng). Ngoài ra, Hà Nội cũng được chứng nhận thêm năm địa điểm bán thịt heo sạch.

Ca nuoc chua co noi ban thit bo an toan
Trong danh sách 69 điểm cung cấp thực phẩm an toàn, không có bất kỳ cơ sở thịt bò nào được chứng nhận – Ảnh minh họa: Internet

“Nhỉnh” hơn Hà Nội, TP.HCM có 11 địa điểm bán thực phẩm an toàn theo chuỗi được xác nhận. Trong đó, có năm điểm bán thịt heo, hai điểm bán rau và bốn cửa hàng cung cấp thịt gà đông lạnh an toàn. Cụ thể, mặt hàng thịt heo tươi tại siêu thị Co.op Mart Văn Thánh (561A Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh); Co.op Mart Bình Triệu (Quốc lộ 13, Q.Thủ Đức); Co.op Mart Nhiêu Lộc (702 Trường Sa, Q.3); Co.op Mart Tuy Lý Vương (40-54 Tuy Lý Vương, Q.8); Co.op Mart Phú Lâm (6 Bà Hom, Q.6). Thịt heo tươi tại những điểm bán này được cung cấp bởi Công ty TNHH Anh Hoàng Thy (Đồng Nai) và được Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai giám sát.

Mặt hàng rau các loại bán tại hệ thống siêu thị Co.op Mart có nguồn gốc từ Hợp tác xã rau an toàn Gò Công (xã Long Hòa, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) hay tại Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (tên cũ là METRO Cash & Carry Việt Nam, trụ sở tại P.An Phú, Q.2). Những sản phẩm này đều được Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang giám sát.

Nhóm hàng thịt gà nguyên con, nửa con đông lạnh từ Hợp tác xã chăn nuôi và thủy sản Gò Công (P.3, thị xã Gò Công, Tiền Giang) cũng được Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang xác nhận và giám sát, bán tại những địa chỉ: Công ty Nam An (21 Thảo Điền, P.Thảo Điền, Q.2); Công ty Deli-Fresh (8 Thảo Điền, P.Thảo Điền, Q.2); Công ty TNHH KS Grand Imperial Saigon (101 Hai Bà Trưng, Q.1); Công ty TNHH San Hà (951 Tạ Quang Bửu, Q.8).

Đáng nói, trong danh sách 69 điểm cung cấp thực phẩm an toàn trên, không có bất kỳ cơ sở thịt bò nào được chứng nhận. Trao đổi với báo Phụ Nữ về số lượng các địa chỉ sạch được Bộ NN-PTNT xác nhận, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) thừa nhận con số trên quá ít ỏi. Tuy nhiên, ông Tiệp cho rằng đây mới chỉ là con số ban đầu, thời gian tới, danh sách các địa điểm bán thực phẩm an toàn được Bộ xác nhận sẽ ngày một dài.

Tổ chức xác nhận địa điểm bán hàng thực phẩm an toàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát phát động từ tháng 11/2015. Theo đó, trong “cơn bão” thực phẩm bẩn, Bộ trưởng Phát nhấn mạnh, các địa phương cần phải chỉ cho người dân đâu là những cửa hàng bán thực phẩm an toàn để an tâm sử dụng.

Huyền Anh – Đăng Thư

Theo nguồn http://phunuonline.com.vn