Cà phê giả tràn lan: Làm sao để không chết vì cà phê ‘rởm’?

0
2936
image_printIn bài viết

(VietQ.vn) – Trước thực trạng cà phê giả tràn lan, khi uống cà phê, việc đầu tiên, bạn hãy nhìn cốc cà phê trên tay bạn, nếu nước cà phê màu đen là có vấn đề.

1/3 cà phê trên thị trường là giả

Nhận xét về thực trạng cà phê bẩn ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn An – Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty CP Tập đoàn Thái Hòa, chủ nhãn hiệu cà phê Thái Hòa đã phải thốt lên: Cà phê bẩn trên thị trường hiện nay đang ở mức báo động nguy hiểm.

Nguy hiểm bởi: Những người không hiểu biết đã bỏ thêm nhiều phụ gia độc hại vào trong quá trình chế biến.

Theo ông An, nguyên nhân của tình trạng cà phê bẩn, giả tràn lan không phải do nhu cầu lợi nhuận, cũng không phải do nguyên liệu cà phê của Việt Nam đắt tới mức phải “độn” thêm ngô, đậu tương, muối,…

Bởi 1 kg cà phê nhân chỉ có giá khoảng 30.000 đồng, tạo ra 7 lạng cà phê rang xay, trong khi 1kg đậu tương cũng có giá gần tương đương, khoảng hơn 20.000 đồng.

“Tôi nghĩ do đặc tính của người tiêu dùng Việt, họ ưa thích dùng cà phê có 4 đặc điểm “đặc, đắng, sánh, bọt” nên các hộ sản xuất thường pha trộn nhằm đáp ứng thị hiếu, “gu” thưởng thức của người dùng, từ đó, cà phê bán chạy, doanh thu tăng” – ông An đánh giá.

 Một số phụ gia độc hại được các hộ kinh doanh bất chính hòa trộn vào cà phê. Ảnh: P.N

Trong tháng 6, 7/2016, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã thực hiện chương trình khảo sát hàm lượng caffeine trong 253 mẫu cà phê đen tại 4 tỉnh, thành phố của Việt Nam gồm: Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương và Sóc Trăng.

Mẫu khảo sát được mua ngẫu nhiên tại các địa điểm kinh doanh cà phê khác nhau gồm: Cà phê quán (cửa hàng lịch sự); quán cà phê nhỏ (quán cóc); căn tin bệnh viện; cà phê vỉa hè và xe đẩy.

Kết quả khảo sát cho thấy, có tới gần 1/3 lượng cà phê được tiêu thụ (chiếm 30,04%) có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/l), đặc biệt đáng báo động trong đó có tới 5 mẫu hoàn toàn không caffeine và có tới 30% cà phê trên thị trường là giả. Các mẫu này đều được tìm thấy từ các điểm bán cà phê nhỏ, vỉa hè, quán cóc và cà phê bệt.

Đặc biệt, số mẫu cà phê không chứa caffeine chiếm đến 48% số mẫu cà phê lấy ngẫu nhiên ở các xe đẩy, căng tin bệnh viện, vỉa hè.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh – Nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, cà phê không có caffeine (hoặc có nhưng hàm lượng thấp) là loại cà phê độn ngũ cốc rang cháy, trộn thêm hương liệu.

Nguyên liệu để làm cà phê giả là cau đắng, ngô và đậu nành, hương liệu hóa chất. Vỏ quả cau vốn đã đắng, nay được nướng cháy thành than nên khiến người tiêu dùng nhầm thành vị đắng cà phê. Hương liệu hóa chất dễ dàng mua tại các cửa hàng hương liệu với nguồn gốc khó đảm bảo sự an toàn. Hạt ngô, đậu nành tạo ra bột tương đối giống cà phê. Đồng thời sau khi rang các loại hạt này cũng tạo nên độ thơm, ngậy.

Không khó để phân biệt cà phê thật và cà phê giả

Theo chuyên gia về cà phê Nguyễn Văn An, người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhận biết dựa vào bọt của ly cà phê.

Theo đó, khi đổ nước sôi 100 độ C vào phin chứa cà phê nguyên chất, lập tức bột cà phê sẽ nở phồng lên, sủi bọt mạnh, thậm chí, tràn ra cả ngoài phin.

Nhưng nếu là cà phê “rởm”, sau khi cho vài muỗng bột cà phê vào phin, đổ nước sôi vào thì thấy bột cà phê này không nở phồng lên, trái lại còn bẹp xuống, lịm dần, nước ngấm vào bột và bốc mùi thơm nồng nặc.

Trong loại bột cà phê này sẽ pha trộn tỷ lệ phần trăm rất nhiều bột của các loại hạt khác được tẩm hương liệu nhân tạo nồng độ cao như bột bắp, bột đậu rang cùng nhiều tạp chất khác.

 Cà phê thật, khi đổ nước sôi vào sẽ nở phình lên, xô chiếc phin nghiêng ngả (ảnh bên phải).

Ông An cho rằng: Người tiêu dùng hoàn toàn có thể phân biệt được cà phê thứ thiệt nhờ 3 giác quan cơ bản của mình, đó là: thị giác, khứu giác và vị giác.

Vị chuyên gia này phân tích: Cà phê thật có màu nâu vàng, khi rang lên đúng tầm, bột cà phê phải có màu nâu sẫm, nâu đậm, nâu cánh rán – nâu hổ phách thì mới đúng là cà phê chuẩn.

Khi lắc nhẹ cốc, cà phê đích thực sẽ không bám, dính trên thành cốc mới, còn cà phê pha trộn, do khi rang, bao giờ cũng phải rang cháy để khử mùi tinh bột, cộng với chất caramen (đường cháy) nên nước pha lúc nào cũng có màu đen kèm theo váng bén vào thành cốc.

Cách phân biệt thứ hai, người tiêu dùng có thể đổ bột cà phê ra để quan sát.

Nhìn theo cảm quan, bột cà phê nguyên chất rất nhẹ, có độ xốp, tơi và rời. Bột cà phê có pha trộn các loại ngũ cốc khác thường vón cục, ẩm ướt, ít tơi bong hơn.

Khi pha vào nước, bột cà phê nguyên chất xốp nhẹ, có khối lượng riêng thấp nên có khuynh hướng nổi lên trên, còn bột của các hạt ngũ cốc khác có khối lượng riêng lớn hơn nên chìm xuống nhanh hơn.

Ngoài ra, hạt cà phê rang rất giòn, có cấu trúc sợi cellulose đồng đều, dễ vỡ và vỡ đều trong cối xay nên bột cà phê xay ra có độ xốp, mịn tương đối đồng đều.

Trái lại, cà phê pha trộn, bột không mịn, không tơi xốp, vỡ không đồng đều và có phần bết dính.

Thứ ba, khi ngửi, bột cà phê pha trộn nhiều hương liệu sẽ bốc lên mùi hương nồng nặc, dữ dội và rất gay gắt. Còn mùi hương của cà phê thật là hương tự nhiên, ngọt ngào, nhẹ nhàng, quyến rũ, tạo cho người ngửi cảm giác dễ chịu.

Đặc biệt, khi hít thật mạnh một thìa nước cà phê đã pha sẵn không đường, cà phê thật sẽ thơm, ngon, dịu nhẹ, thanh tao, dễ nuốt trôi còncà phê “bẩn” hay cà phê pha trộn sẽ có mùi hắc, đậm đặc, lợm giọng rất khó uống.

Dương Phương Ngọc

Theo nguồn http://vietq.vn/