Cần thiết lập một cơ quan quản lý ATTP độc lập

0
2256
image_printIn bài viết
(HQ Online)- Hiện nay, cả nước có tới 3 bộ cùng tham gia quản lý ATTP là Bộ: NN&PTNT, Công Thương và Y tế. Hiệu quả đồng quản lý đến đâu; sự phối hợp giữa các đơn vị này ra sao; tiếp tục củng cố cách làm việc như hiện tại liệu có giải quyết triệt để mối lo mất ATTP…?


Phóng viên Báo Hải quan đã trao đổi với TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam – Bộ NN&PTNT xung quanh những vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về cơ chế quản lý ATTP hiện nay?

Luật ATTP của Việt Nam đã quy định tiếp cận tiên tiến nhất là phải quản lý rủi ro theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. Trước đây, Việt Nam quản lý ATTP theo kiểu liên ngành. Mỗi khi tiến hành kiểm tra, kiểm soát sẽ tổ chức đoàn gồm đại diện nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau cùng tham gia như Công Thương, Y tế, NN&PTNT. Cách làm này cồng kềnh mà hiệu quả không cao vì thiếu người chịu trách nhiệm chính.

Hiện nay, tình hình được cải thiện hơn khi Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP phân công chi tiết cho từng bộ, ngành phụ trách quản lý một phần trong chuỗi. Cụ thể, Bộ NN&PTNT quản lý khâu sản xuất đến chợ đầu mối. Bộ Công Thương quản lý chợ bán lẻ. Bộ Y tế quản lý hàng tiêu dùng, thực phẩm, quán ăn…

Mặc dù đã chuyển từ hình thức quản lý liên ngành sang phân chia mảng phụ trách độc lập, nhưng nhiều ý kiến cho rằng hiệu quả quản lý ATTP chưa có nhiều cải thiện do sự vận hành của các cơ quan trong từng bộ cũng như sự phối hợp giữa các bộ liên quan còn thiếu nhịp nhàng. Điều này có chính xác không, thưa ông?

Theo tôi điều này khá chính xác. Trong quản lý ATTP, muốn đảm bảo sự khách quan, nguyên tắc là phải tách rời được cơ quan thúc đẩy sản xuất với đơn vị thanh kiểm tra ATTP. Suốt thời gian dài, việc này vẫn chưa giải quyết được. Đơn cử như tại Bộ NN&PTNT, Cục Bảo vệ thực vật là đơn vị thúc đẩy sản xuất nhưng sau đó lại chính các đơn vị này tự kiểm tra, đánh giá ATTP. Khi phát hiện ra những vấn đề mất ATTP, ví dụ như dư lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả còn cao, cơ quan chức năng thường có tâm lý “ém” thông tin vì sợ lộ sự yếu kém của ngành. Hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” này rất rõ ở địa phương.

Ngoài những bất cập trong quản lý của nội bộ ngành, công tác phối hợp giữa các bộ cũng thiếu nhịp nhàng, đặc biệt là giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương. Trách nhiệm của Bộ Công Thương phải quản lý tốt ATTP ở hệ thống bán lẻ nhưng hiện bộ này chưa làm được, từ đó không khuyến khích sản xuất an toàn phát triển. Trong nhiều năm, Bộ NN&PTNT đầu tư tiền bạc, công sức đào tạo nông dân sản xuất đảm bảo ATTP. Song do quản lý khâu bán lẻ yếu kém không phân biệt được hàng hóa an toàn và không an toàn, làm mất lòng tin của người tiêu dùng, cho nên sau khi kết thúc dự án, người nông dân lại trở về cách làm cũ không đảm bảo ATTP nhưng chi phí thấp hơn.

Một trong những vấn đề bất cập hiện nay phải kể tới là quản lý ATTP tại các chợ thực phẩm tươi sống rất yếu kém. Hiện, chợ bán lẻ do Bộ Công Thương quản lý nhưng làm chưa đạt yêu cầu. Bộ NN&PTNT được phân công quản lý chợ đầu mối, thiếu kinh nghiệm nên cũng còn lúng túng. Mỗi bộ quản lý một chợ, không thống nhất, khập khiễng khiến tình trạng quản lý ATTP tại chợ gần như bị “bỏ ngỏ” và như vậy việc quản lý theo chuỗi dường như không hoạt động.

Điểm “mấu chốt” dẫn tới tình trạng “lệnh pha” giữa các bộ trong quản lý ATTP hiện nay là gì, thưa ông?

Điều quan trọng nhất dẫn tới việc phối kết hợp thiếu nhịp nhàng ở trên là bởi trong chiến lược quản lý ATTP đang thiếu một lộ trình hành động, về thực hiện chính sách cụ thể, rõ ràng trong khi bản chất của quản lý ATTP là liên ngành. Hiện nay, “mạnh ngành nào ngành ấy chạy”, không quan tâm để ý xem đơn vị khác làm đến đâu, làm như thế nào, công việc điều phối chỉ ở chủ trương chung chứ thiếu hẳn điều phối kỹ thuật cụ thể. Công việc kiểm soát ATTP cũng được phân cấp mạnh theo ngành dọc cho các địa phương . Bộ, ngành, địa phương nào tích cực thì công tác quản lý ATTP khởi sắc và ngược lại. Tuy nhiên, điều đáng bàn là ngay cả đối với những bộ, ngành địa phương thiếu tích cực, chậm chạp cũng không có chế tài xử phạt gì vì nguyên nhân chủ yếu vẫn là bài ca “thiếu người thiếu kinh phí”.

Thiếu lộ trình thực hiện chiến lược ATTP khiến cho hệ thống đầu tư giữa các bộ, ngành địa phương không đồng bộ. Ví dụ như Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế có thể đầu tư hệ thống quản lý ATTP với máy móc, công nghệ hiện đại nhưng Bộ Công Thương lại từ từ… Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở giữa các địa phương với nhau, khi địa phương này chú trọng đầu tư cho quản lý ATTP còn địa phương khác lại lơ là. Khi đã thiếu đồng bộ thì không thể hình thành quản lý ATTP theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. Để giải quyết tình trạng này, cần xây dựng lộ trình quản lý ATTP phù hợp hơn với tiếp cận quản lý rủi ro trong đó có những phân công, tiến độ cụ thể giữa các bộ, ngành như cùng một vấn đề bao giờ phải làm xong, làm đến đâu, không làm được sẽ chịu trách nhiệm như thế nào, ai chịu trách nhiệm?…

Nhiều ý kiến cho rằng để quản lý ATTP hiệu quả cần thành lập ra một cơ quan quản lý độc lập chứ không dàn trải ra ba bộ như hiện nay. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Vấn đề ATTP ngày càng phức tạp. Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, xu hướng là phải lập ra một cơ quan quản lý ATTP độc lập trực thuộc Chính phủ hoặc một số nước là cơ quan đó trực thuộc Bộ Y tế. Việc này sẽ tránh được tình trạng đầu tư dàn trải cả về cơ sở hạ tầng, con người…, đảm bảo độ khách quan, hiệu quả trong quản lý ATTP.

Theo tôi, về lâu dài đây cũng là hướng đi cần thiết, đúng đắn trong quản lý ATTP tại Việt Nam. Thay vì chia ra ba bộ cùng quản lý như hiện nay, có thể lập ra một cơ quan quản lý độc lập theo hướng thuyên chuyển những nhân tố cũ tại các bộ đã tham gia công tác này. Cơ quan này sẽ chuyên nghiệp, được đầu tư khoa học công nghệ bắt kịp với thế giới để có thể phân tích đầy đủ nguyên nhân ngộ độc, phân tích các chất bảo quản… không chỉ đối với thực phẩm trong nước mà cả hàng NK.

Vấn đề có làm hay không phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của Chính phủ, đặt ATTP là trọng tâm và cần phải thay đổi. Cứ để nguyên hiện trạng quản lý hiện nay sẽ khó giải quyết triệt để vấn đề.

Hiện nay, công tác quản lý ATTP chủ yếu làm từ phần “ngọn”, phát hiện ra vấn đề rồi quay lại xử lý, cảnh báo người tiêu dùng. Ông có cho rằng, để quản lý tốt hơn, cơ quan chức năng cần bắt đầu ngay từ phần “gốc”?

Hiện đúng là tồn tại thực tế cơ quan chức năng chủ yếu mới làm được khâu thanh kiểm tra, phát hiện sai phạm thì xử phạt, xử lý hậu quả, chạy theo là chính và thiếu phương án phòng ngừa.

Theo tôi, giải quyết “bài toán” này phải kiểm soát ngay từ nơi sản xuất thông qua việc đẩy mạnh kiểm soát chất lượng hàng hóa ngay từ các địa phương. Cần thiết phải áp dụng việc truy xuất nguồn gốc nông sản, mặc dù đã có chính sách nhưng chưa ai triển khai. Các địa phương cần liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhau, khi phát hiện sản phẩm không đảm bảo ATTP tại nơi này phải chặn luôn không cho lưu thông sang nơi khác. Sản phẩm cần được dừng lưu thông ngay tại nguồn, tuyệt đối tránh vận chuyển tới các chợ đầu mối.

Ông có cho rằng, để quản lý tốt ATTP ngoài trông chờ sự đổi thay từ phía cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần tăng sự chủ động tự bảo vệ quyền lợi cho chính mình?

Đây là một biện pháp rất hay đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Người tiêu dùng phát hiện ra thực phẩm mất an toàn, gây sức ép lên hệ thống bán lẻ để buộc hệ thống này phải tìm nguồn hàng cung cấp an toàn hơn, nếu không người tiêu dùng sẽ “tẩy chay” hệ thống đó. Nếu làm được điều này sẽ tạo ra sức mạnh khá lớn, thúc đẩy quản lý ATTP phát triển. Thậm chí, người tiêu dùng còn tham gia đặt hàng cơ sở sản xuất và hệ thống bán lẻ, đồng thời trực tiếp tham gia giám sát, quản lý chuỗi ATTP.

Ở vùng đô thị Việt Nam, việc thúc đẩy người tiêu dùng lên tiếng hoàn toàn có thể triển khai được, quan trọng là hoạt động này cần mang tính tổ chức.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo nguồn http://www.baomoi.com