Chung tay làm sạch mâm cơm gia đình

0
1730
image_printIn bài viết

(AGO) – Tình trạng thực phẩm bẩn có xu hướng lấn át thực phẩm an toàn trong thời gian qua khiến cả xã hội lo lắng. Chung tay loại trừ thực phẩm bẩn, góp phần làm sạch mâm cơm gia đình là mệnh lệnh của cuộc sống.

Tràn lan thực phẩm bẩn

Một trong những nguyên nhân làm cho thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường là do người sản xuất ham lời. Vì lợi nhuận, chủ các lò giết mổ đã “làm ngơ”, để mặc thương lái bơm nước bẩn vào heo, trâu, bò trước khi mang đi giết mổ, khiến xã hội phải ăn thịt bẩn. “Mỗi con trâu, bò mang đi bơm nước, sau khi giết mổ, tăng trọng được ít nhất 10kg, heo tăng trọng ít nhất 5kg. Các tiệm bán cơm, hủ tiếu rất thích mua thịt heo giá rẻ để bán vì lời nhiều” – ông T.V.N, lái heo ở Châu Thành, chia sẻ.

57-t3.jpg

Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP kiểm tra một cơ sở chế biến patê, chả lụa tại TP. Long Xuyên.

Nguy hại hơn, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã dùng chất Sallutanol phối trộn vào thức ăn để heo mau lớn. Đây là chất có khả năng gây ung thư cho người tiêu dùng mà ngành Nông nghiệp cấm sử dụng. Một nguyên nhân khác khiến thực phẩm bẩn tràn lan, một phần do người sản xuất lẫn tiêu dùng thiếu hiểu biết. Cụ thể, để có được thực phẩm an toàn, thực phẩm đó phải không có tồn dư hoặc không vượt quá giới hạn cho phép về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hóa chất, kháng sinh cấm; không chứa tạp chất (kim loại, thủy tinh, vật cứng …); không chứa tác nhân sinh học gây bệnh (virus, vi sinh vật, ký sinh trùng)… Bên cạnh đó, thực phẩm cần phải có nguồn gốc, xuất xứ đầy đủ, rõ ràng; được cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá chứng nhận an toàn thực phẩm. “Đa phần nông dân trồng rau chỉ biết một cách đơn thuần là phải cách ly phân bón, thuốc trừ sâu từ 7 – 10 ngày trước khi thu hoạch, chứ tiêu chí về nguồn nước, rồi phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (có ghi nguồn gốc, xuất xứ) thì ít ai quan tâm” – ông Phan Hoàng Nam (xã Khánh Hòa, Châu Phú) chia sẻ.

VietGAP là giải pháp

Tác nhân chủ quan dẫn đến thực phẩm bẩn là do con người không tuân thủ quy trình sản xuất an toàn. Yếu tố khách quan có ảnh hưởng rất lớn, gây cho môi trường sinh thái bị ô nhiễm nghiêm trọng, đó là việc cho nhập tràn lan thuốc trừ sâu, nguyên liệu để sản xuất thuốc trừ sâu vào Việt Nam trong thời gian qua. Theo các cơ quan chức năng của Trung ương, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã chi hơn 51 triệu USD (tương đương 1.138 tỷ đồng) để nhập thuốc trừ sâu, nguyên liệu sản xuất thuốc BVTV từ 15 thị trường trên thế giới, trong đó Trung Quốc chiếm gần 50%; số còn lại được nhập từ Malaysia, Đài Loan, Bỉ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Hiện, cả nước có 93 nhà máy sản xuất, gia công, đóng gói, đóng chai với hơn 32.000 đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV. Với lượng thuốc đổ xuống đồng ruộng hàng chục ngàn tấn mỗi năm, thử hỏi, môi trường làm sao không bị ô nhiễm. “Trước thực tế này, để sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn thì việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là một giải pháp quan trọng. Liên minh Hợp tác xã (HTX) đang vận động các HTX nông nghiệp thành viên sản xuất sản phẩm từ lúa, nếp đến rau màu theo quy trình VietGAP” – ông Lý Sở Tăng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang, chia sẻ.

VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, hướng đến 4 nhóm tiêu chí trong quá trình tạo ra sản phẩm, gồm: Đảm bảo an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; bảo đảm sức khỏe cho người lao động và phúc lợi xã hội; bảo đảm chất lượng sản phẩm. Nếu rau, thịt, trái cây… được sản xuất theo quy trình VietGAP thì sản phẩm làm ra được xem như “sạch từ vùng nuôi, trồng đến bàn ăn”. “Rau, thịt là thực phẩm chủ lực trong bữa ăn hàng ngày. Sử dụng rau, thịt không an toàn dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe. Do vậy, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất- kinh doanh rau, thịt cần tuân thủ các quy định của pháp luật; áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Tuyệt đối không sử dụng chất cấm, thuốc thú y, kháng sinh, thức ăn chăn nuôi, thuốc BVTV ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc vượt ngưỡng cho phép” – bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Chí Công, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, khuyến cáo.

“Có thể nói, lý do khiến sản phẩm rau an toàn trên địa bàn tỉnh khó tiêu thụ là do chủng loại chưa đa dạng, giá cao, chưa có đầu mối tiêu thụ với số lượng lớn. Trong khi đó, cách nhận biết, cách chứng minh chưa tương thích, lòng tin gói gọn; hoạt động kiểm định và ngăn chặn các sản phẩm không an toàn còn rất kém. Đa phần các cam kết tiêu thụ mang nặng tính hình thức; đạo đức sản xuất – kinh doanh chưa được đề cao; thực trạng là mạnh ai nấy làm. Muốn tổ chức lại công việc này một cách bài bản thì chưa biết phải bắt đầu từ đâu” – ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng Tổ sản xuất rau dưa Kiến An (Chợ Mới), chia sẻ

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Theo nguồn http://baoangiang.com.vn