Cơn sốt mỳ cay cấp độ và hệ lụy khôn lường

0
2341
image_printIn bài viết

(VietQ.vn) – Mỳ cay cấp độ đang trở thành món ăn hot “bỏng lưỡi” của giới trẻ thành phố, tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo món ăn này cũng có tác hại khôn lường.

Mỳ cay cấp độ ảnh hưởng không nhỏ đến dạ dày. Ảnh minh họa

Nhiều người “kéo nhau” đi ăn mỳ cay cấp độ để chinh phục cấp độ cao nhất mà không hề biết rằng những nguy hiểm đang rình rập xung quanh việc ăn cay quá mức này. Nhiều cửa hàng mỳ cay với đủ loại cấp độ mọc lên, nhưng chinh phục được mới chỉ ở cấp độ 7 trong 10 cấp độ cay của mỳ.

Theo Nguyễn Ngọc Ánh sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Do thích cay nên mình dùng thẳng bát mỳ cấp 2 luôn. Khi ăn xong một miếng thì đã ho sặc sụa, nước mắt cứ ròng ròng, lắm lúc như đơ người. Cuối cùng, vật lộn hơn một tiếng đồng hồ, mới xong. Khi ăn xong, đầu óc quay cuồng, nóng bừng người như kiểu phê thuốc”.

Cũng đã thử 1 lần, bạn Trần Văn Long ở Cầu Giấy cho biết, đi ăn một lần chắc là không bao giờ ăn nữa, vì quá cay và sợ hại dạ dày.

Mỳ cay được phỏng theo mỳ cay từ Hàn Quốc, với 7 cấp độ khác nhau, mỳ có mức 0,5 là có mức độ cay vừa phải nhất. Ở các mức sau, độ cay sẽ tăng dần đến đỉnh điểm là cấp 7. Có giá từ 35 – 100 nghìn đồng một bát, tùy vào mức độ và loại mỳ.

Gần đây, trên mạng xã hội Facebook đoạn clip về anh chàng đỏ cả mặt, mồ hôi nhễ nhại sau khi chinh phục cấp độ 7 của món mì cay đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Trên diễn đàn mạng xã hội, bên cạnh bình luận tỏ ra thích thú, nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo lắng cho việc tác hại của mày cay đối với sức khỏe.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chất cay giúp tạo vị giác ăn ngon hơn ở lượng vừa phải, nhưng khi sử dụng quá nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới dạ dày và sức khỏe. Bên cạnh những tác dụng như diệt vi trùng, làm thông sự bế tắc mạch máu, diệt các tế bào ung thư, khi đến một lượng nhất định, chất này sẽ gây hại cho cơ thể người.

Chính vì thế ăn mì cay quá nhiều hoặc ở những cấp độ cao, lưỡi sẽ bị bỏng, rát, thậm chí có thể gây lở miệng.

Theo bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, bộ phận bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi ăn cay quá mức, rồi thuốc lá, rượu bia … đó chính là dạ dày. Ăn quá nhiều ớt cay có thể gây viêm loét dạ dày. Bên cạnh đó nôn ói, ợ chua, đau nóng rát dạ dày cũng là những hậu quả thường gặp nhất. Thậm chí, việc ăn cay có thể gây trào ngược dịch vị từ dạ dày lên thực quản. Gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, trên thị trường hiện nay, bột ớt có khả năng bị nhuộm hóa chất màu đỏ rất có thể chứa chất Sudan dẫn đến ung thư dạ dày.

Về vấn đề này, PV Chất lượng Việt Nam có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa cho biết, với trào lưu ăn cay nhiều sẽ có thói quen như một chất gây ghiền. Đây là chất kích thích, dù cơ thể sẽ có điều chỉnh vị, nếu ăn cay quá sẽ không tốt ảnh hưởng tới dạ dày, nội tạng và vị giác.

Theo chuyên gia này, chất cay là chất có tác dụng khiến cho ớt có vị cay nóng, thế nhưng, khi ở dạng tinh khiết, cô đặc chất này có thể giết chết bất cứ ai thử nuốt nó. Chất cay gây nóng và bỏng rát khi tiếp xúc với da người. Ngoài ra, lục phủ ngũ tạng như ruột, bao tử, hệ hô hấp, da và da nhờn trong khoang miệng mũi sẽ bị ảnh hưởng, nếu ăn cay quá độ. Dùng ớt quá độ và trong một thời gian dài có thể làm hệ thần kinh chết dần. Những hệ thần kinh bị ảnh hưởng như vị giác, cơ quai hàm, và do đó sự cảm nhận về độ cay cũng giảm đi.

Bột ớt hoặc ớt tươi bị mốc còn chứa chất alfatoxin có khả năng gây ngộ độc và ung thư. Tuy ớt chứa hàm lượng vitamin C phong phú, betacarotene tốt cho sức khỏe, có một số công dụng kích thích tiêu hóa, khẩu vị, nhưng không phải người nào cũng có thể dùng, nhất là những người có hội chứng đại tràng kích thích thì nên hạn chế ăn ớt cay, những người viêm hay loét dạ dày – tá tràng nên hạn chế ớt tối đa, vì vị cay của ớt có hại cho niêm mạc dạ dày, gây tổn thương dạ dày.

Đức Mậu

Theo nguồn