Điểm mới trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

0
1381
image_printIn bài viết

Ảnh minh họa, Nguồn: Internet

Năm 2018, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm An Giang (CCATVSTP) đề ra mục tiêu là nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm (TP) được thiết lập, phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, triển khai, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động truyền thông đảm bảo ATTP hướng đến những mục tiêu cụ thể hơn như: tỷ lệ mắc ngộ độc TP cấp tính trong vụ ngộ độc được ghi nhận dưới 7 người/100.000 người dân; 80% người sản xuất – kinh doanh TP, người tiêu dùng, người quản lý được cập nhật kiến thức về ATTP; 100% các đơn vị từ tỉnh đến xã thực hiện truyền thông ATTP; 100% tuyến cơ sở được kiểm tra, giám sát thực hiện triển khai các hoạt động ATTP.

Theo BS.CKII Nguyễn Chí Công, Chi cục trưởng CCATVSTP, điểm thuận lợi của ngành trong năm nay chính là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02-02-2018 quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP. Nghị định đã quy định về thủ tục tự công bố sản phẩm, thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm; bảo đảm ATTP biến đổi gen; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; kiểm tra Nhà nước về ATTP xuất, nhập khẩu; ghi nhãn TP, quảng cáo TP; điều kiện đảm bảo ATTP trong sản xuất TP bảo vệ sức khỏe; điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất – kinh doanh (SXKD) và sử dụng phụ gia trong TP; truy xuất nguồn gốc TP; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP…

Nghị định đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về TP, thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, để doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, chịu trách nhiệm về sản phẩm. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển SXKD nhưng không buông lỏng công tác quản lý ATTP của các cơ quan chức năng. Cùng với đó là Điều 317 về tội danh vi phạm quy định về ATTP trong Bộ luật Hình sự, Luật số 12/2017/QH14 ngày 20-6-2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 chính thức có hiệu lực áp dụng từ ngày 01-01-2018, với mức phạt tiền hoặc án phạt tù cao nhất đến 20 năm, tùy vào mức độ vi phạm sử dụng hóa chất độc hại trong TP, gây ngộ độc TP dẫn đến chết người. Khi các quy định về ATTP được bổ sung và các điều luật xử lý người vi phạm ATTP được thực hiện nghiêm minh chính là cách giải quyết thiết thực tình trạng nhiều cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp SXKD vì lợi nhuận sử dụng hóa chất độc hại, SX TP bẩn tràn lan, gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của người dân trong cộng đồng.

Thời gian tới, CCATVSTP tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về ATTP; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; giám sát, hỗ trợ tuyến huyện, thị xã, thành phố nhằm thực hiện tốt công tác quản lý ATTP trên địa bàn; cấp thêm test nhanh cho tuyến huyện, xã, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Cùng với đó là sự nâng cao ý thức của người dân trong việc lựa chọn tiêu thụ TP, lựa chọn những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc truy xuất, ở những địa chỉ đáng tin cậy. Đồng thời, mạnh dạn tố giác các hành vi sai trái của các cơ sở, doanh nghiệp, nơi phân phối sản phẩm vi phạm về ATTP để các cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra và xử lý.

NGỌC GIANG

Nguồn http://baoangiang.com.vn/