Dùng nước kênh ô nhiễm tưới rau răm

0
3226
image_printIn bài viết

Cứ 15g mỗi ngày, nhiều máy bơm nước chạy hết công suất được đặt dọc kênh T1 (H.Hóc Môn, TP.HCM) lấy nước từ con kênh này bơm vào các ruộng rau răm.

Điều đáng nói, con kênh nước đen bốc mùi hôi thối và đầy rác này có những vệt nước màu xanh đỏ được cho là do các cơ sở dệt nhuộm gần đó xả ra.

Dung nuoc kenh o nhiem tuoi rau ram
Một đoạn kênh rác ứ đọng và có nhiều mảng màu nghi là chất thải từ các cơ sở dệt, nhuộm

Bơm nước thối cho rau: chuyện thường ngày

Chiều 23/4, từ đường Phan Văn Hớn, chúng tôi rẽ vào kênh T1 – kênh chứa nước thải sinh hoạt cho toàn bộ dân cư xã Bà Điểm nằm giáp ranh giữa địa bàn xã Bà Điểm và xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn. Ngay đầu đoạn kênh là điểm tập kết thu mua rau răm đang được công nhân chất hàng lên xe tải để bỏ mối cho nhiều nơi.

Cách đó vài chục mét, một chiếc máy bơm đang chạy ầm ầm, nối với máy bơm là một ống lớn, đường kính 15cm thọc sâu dưới lòng kênh. Một người dân nói với chúng tôi: “Họ bơm nước tưới cho ruộng rau răm, hàng chục ruộng rau ở đây đều được tưới như thế”. Quả thật, chạy dọc một đoạn kênh T1 chừng 500m, chúng tôi đếm cả thả y 13 máy bơm đang bơm nước từ lòng kênh đưa tới các ruộng rau. Hàng chục ống nhựa chạy ngang dọc chằng chịt khắp các ruộng rau. Nhiều chủ ruộng phải nối ống dài cả trăm mét. Ước tính toàn khu vực có gần 20 ruộng rau răm với diện tích hàng chụ c ngàn mét vuông.

Dung nuoc kenh o nhiem tuoi rau ram
Một máy bơm có ố ng nước đưa sâu xuống lòng kênh để hút nước cho các ruộng rau răm

Đến gần dòng kênh, nơi các máy bơm đang hoạt động, mùi hôi thối xộc vào mũi. Chỉ tay vào đoạn kênh đầy rác và có nhiều mảng bám màu xanh bất thường, ông Sáu, ngườ i ở ngay đầu kênh cho biết: “Nước kênh ô nhiễm lắm, mùa nắng nước ứ đọng mùi hôi càng nồng nặc, rồi những mảng màu xanh, màu đỏ tôi nghi là nước thải từ cơ sở dệt, nhuộm thải ra làm kênh thêm ô nhiễm. Để giảm mùi hôi, tôi thường phải bơm nước sạch xuống để pha loãng”. Nói về những ruộng rau răm tưới nước kênh, ông Sáu chỉ lắc đầu.

Vì sao lại dùng nước kênh để trồng rau? Chúng tôi đặt vấn đề và được ông H. – chủ một ruộng rau răm lý giải: “Nước bơm từ kênh chủ yếu để trồng rau, năm đến bảy ngày mới bơm một lần và bơm sau khi cắt rau. Riêng nước để tưới mặt rau vẫn phải dùng nước giếng, chứ tưới bằng nước kênh này thì hôi lắm”.

Tôi hỏi, tưới nước này có sợ rau bị nhiễm độc không, ông H. cười: “Nó giống như rau muống tưới nhớt vậy, chỉ tưới sau khi cắt rau, thì làm sao độc”. Tuy ông H. nói vậy, nhưng trong ba ngày có mặt tại khu vực này, tôi nhận thấy hầu như ngày nào máy bơm cũng hoạt động, chỉ cần nước mặt ruộng rút xuống là chủ ruộng bơm nước kênh vào. Mỗi lần bơm xong, toàn ruộng rau bốc mùi hôi thối dưới trời nắng nóng.

Dung nuoc kenh o nhiem tuoi rau ram
Bên dưới máy bơm, dòng nước kênh đen thui, rác ứ đọng, bốc mùi hôi thối

Sẽ kiểm tra, xử lý

Ăn rau trồng trong môi trường nước bẩn, sức khỏe người tiêu dùng ảnh hưởng thế nào? BS Trần Văn Ký – Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam khẳng định: “Hết sức nguy hiểm, bởi nước do các nhà máy, xí nghiệp thải ra chứa nhiều kim loại nặng, hóa chất độc hại, chưa kể vô vàn các vi khuẩn gây hại đường tiêu hóa. Các loại rau ưa nước như rau răm nếu trồng trong môi trường nước ô nhiễm thì trong nước có chất gì, rau sẽ hút những chất ấy và ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn.

Cụ thể, nếu rau bị nhiễm vi khuẩn, người ăn dễ bị các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp… Nếu rau nhiễm kim loại nặng, người ăn dễ bị ngộ độc kim loại. Kim loại nặng tích tụ lâu ngày sẽ gây ung thư và các bệnh về thần kinh, gan, thận”. Theo BS Ký, rất khó để khử chất độc, kim loại nặng trong những loại rau ưa nước.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, ông Lý Sâm, Trưởng phòng Kinh tế H.Hóc Môn nhìn nhận có thực tế tưới rau bằng nước kênh. Những ruộng rau răm dọc kênh T1 tồn tại nhiều năm và người dân đã quen với việc lấy nước từ kênh để tưới tiêu. Trước đây nguồn nước kênh chưa ô nhiễm do dòng kênh thông thoáng.

Hai năm nay, dòng kênh bị nghẽn do rác thải ứ đọng, bốc mùi hôi. Nhận thấy thực trạng này, Hội Nông dân và Trạm Bảo vệ thực vật của huyện thường xuyên vận động, tuyên truyền nông dân dùng nước hợp vệ sinh để tưới rau. Nhiều hộ đã khoan giếng và sử dụng nguồn nước này để tưới. Tuy nhiên, có thể do khô hạn, nắng nóng gây thiếu hụt nguồn nước giếng nên một số hộ đã chuyển sang dùng nước kênh.

Theo ông Sâm, để hạn chế việc dùng nước không đảm bảo an toàn, huyện sẽ tiếp tục vận động người trồng rau sử dụng nước giếng, bên cạnh đó sẽ tiếp tục kiến nghị Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM sớm khai thông đoạn kênh bị nghẽn, hạn chế tình trạng ô nhiễm cho dòng kênh T1.

Trao đổi thêm với chúng tôi, bà Đỗ Thị Lâm Tuyền – Phó chủ tịch UBND H.Hóc Môn khẳng định, việc dùng nước kênh ô nhiễm bơm vào ruộng rau là không thể chấp nhận. Trước mắt, UBND huyện sẽ cử cán bộ Phòng Kinh tế và Tài nguyênmôi trường đến vận động, giải thích cho người trồng rau về các nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người dùng. “Nếu các chủ ruộng vẫn cố tình sử dụng nước bẩn để trồng rau, chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu, kiểm tra dư lượng chất độc hại để xử lý theo quy định của pháp luật”, bà Tuyền nói.

Hải Phong

Theo nguồn http://www.phunuonline.com.vn