Giải đáp nội dung các câu hỏi tại Hội thảo chuyên môn về an toàn thực phẩm

0
1886
image_printIn bài viết
Giải đáp nội dung các câu hỏi tại Hội thảo chuyên môn về an toàn thực phẩm

Câu 1: Trường hợp nếu Cục ATTP chưa xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, PGTP, TPCN… với hình thức quảng cáo hội nghị, hội thảo, sự kiện giới thiệu sản phẩm thì Chi cục ATVSTP có được tiếp nhận thẩm định tài liệu quảng cáo thực phẩm đó và thu phí thẩm định hồ sơ hay không?

Trả lời:

Theo Điểm b Khoản 3 Điều 12 Thông tư 09/2015/TT-BYT quy định: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với hình thức quảng cáo thông qua hội nghị, hội thảo, sự kiện giới thiệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm quy định tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư này tổ chức trên địa bàn.

Do đó, Chi Cục ATVSTP tại địa phương có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo thông qua hình thức hội thảo, hội nghị giới thiệu sản phẩm thực phẩm tổ chức trên địa bàn mình và thu phí thẩm định hồ sơ (theo quy định tại Thông tư 279/2016/TT-BTC).

Câu 2: Thời hạn cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với hình thức quảng cáo thông qua hội nghị, hội thảo, sự kiện giới thiệu sản phẩm được bao lâu? Doanh nghiệp xin xác nhận nội dung quảng cáo trong hội nghị, hội thảo trong thời gian kéo dài trên 01 năm hoặc 02 năm thì Chi cục có được cấp không?

Trả lời

Theo Phụ lục 03 của Thông tư 09/2015/TT-BYT không quy định ghi về thời gian hiệu lực của Giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Tuy nhiên, căn cứ quy định Khoản 3 Điều 23 của Thông tư 09/2015/TT-BYT quy định: Giấy xác nhận nội dung quảng cáo hết hiệu lực sử dụng khi:

a) Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hết hiệu lực;

b) Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;

c) Sản phẩm, hàng hoá có những thay đổi về thành phần hoặc công dụng;

d) Sản phẩm, hàng hóa bị đình chỉ lưu hành hoặc bị thu hồi.

Do đó, hiệu lực của Giấy xác nhận nội dung quảng cáo (bao gồm cả quảng cáo đối với hình thức hội nghị, hội thảo, sự kiện giới thiệu sản phẩm) sẽ được tính kể từ ngày ký duyệt cho đến khi gặp ít nhất 1 trong 4 trường hợp theo quy định của Khoản 3 Điều 23 Thông tư 09/2015/TT-BYT đã kể trên.

Ngoài ra, trường hợp doanh nghiệp xin xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thông qua hội nghị, hội thảo, sự kiện giới thiệu sản phẩm thì tại Giấy xác nhận nội dung quảng cáo cần nêu rõ thời gian, địa điểm cụ thể dự kiến tổ chức, báo cáo viên. Trong đó, thời gian tổ chức không được vượt quá hiệu lực của Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Câu 3: Nghị định 67/2016/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành Bộ Y tế: Không thấy điều khoản quy định điều kiện con người, vậy điều kiện con người áp dụng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quy định ở văn bản nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 3 Nghị định 67/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành Bộ Y tế quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật, cụ thể: “Trong quá trình sản xuất kinh doanh, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm”.

Tại Luật An toàn thực phẩm; Thông tư 15/2012/TT-BYT ngày 12 tháng 9 năm 2012 quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Thông tư 16/2012/TT-BYT ngày 22 tháng 10 năm 2012 quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế; Thông tư số 26/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2012 quy định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế còn hiệu lực ngoài quy định về điều kiện cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ còn có yêu cầu đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Vì vậy, điều kiện con người áp dụng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quy định tại các văn bản pháp luật nêu trên.

Câu 4: Căn cứ Quyết định 12/2014/QĐ-TTg quy định chế độ bồi dưỡng đối với công chức thanh tra chuyên ngành (80.000đ/ngày/ người). Vậy, cán bộ công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành tại Chi cục ATVSTP địa phương có được bồi dưỡng theo mức như trên hay không? Nếu được bồi dưỡng thì trong trường hợp nào?

Trả lời:

Đối tượng áp dụng của Quyết định 12/2014/QĐ-TTg ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ là Cơ quan được giao thực hiên chức năng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và Công chức thanh tra chuyên ngành (Chi cục ATVSTP địa phương thuộc đối tượng này); chế độ bồi dưỡng đối với công chức thanh tra chuyên ngành được tính theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quyết định thanh tra hoặc quyết định phân công công chức tiến hành thanh tra độc lập của người có thẩm quyền. Mức bồi dưỡng đối với công chức thanh tra chuyên ngành là 80.000 đồng/ngày, do cơ quan, đơn vị ra quyết định thanh tra chi trả.

Để được thực hiện chế độ này, đề nghị Chi cục ATVSTP các địa phương xây dựng dự toán chi ngân sách hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Câu 5: Trong bản thông tin chi tiết về sản phẩm, doanh nghiệp không kê khai công bố chỉ tiêu chất lượng chủ yếu thì hồ sơ đó có hợp lệ hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP (tại Mẫu số 03a, 03b, 03c Phụ lục của Nghị định) quy định trong Bản thông tin chi tiết sản phẩm phải kê khai các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu vì những chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, chỉ tiêu chỉ điểm chất lượng là những chỉ tiêu để kiểm soát chất lượng sản phẩm. Vì vậy, nếu hồ sơ không kê khai công bố chỉ tiêu chất lượng chủ yếu thì hồ sơ đó chưa đạt yêu cầu, cần phải bổ sung làm rõ.

http://vfa.gov.vn/