Giật mình với 75 mẫu nước mắm chứa thạch tín cao vượt ngưỡng

0
1850
image_printIn bài viết

(VietQ.vn) – Theo kết quả khảo sát, có tới 90% mẫu nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt quá mức an toàn sức khỏe. Thông tin này khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng.

Mới đây, báo Thanh Niên đã công bố kết quả cuộc khảo sát độc lập khi thu mua 106 mẫu nước mắm thành phẩm đang được bày bán trên thị trường gửi đi xét nghiệm trên hai chỉ tiêu: ni tơ tổng (độ đạm) và asen (thạch tín).

Thạch tín, hay còn gọi là arsen là một loại chất không mùi, không màu, không vị, có độc tính gấp 4 lần thủy ngân và gây nguy hại đến tính mạng con người chỉ với lượng nhỏ bằng hạt đậu. Điều đáng nói, theo kết quả khảo sát của báo Thanh Niên, có tới 90% mẫu nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt quá mức an toàn sức khỏe.

75/83 mẫu nước mắm có thạch tín vượt ngưỡng an toàn

Theo kết quả khảo sát của báo Thanh Niên thì trong 106 mẫu nước mắm thành phẩm mua trực tiếp trên thị trường được đem đi kiểm nghiệm về  thành phần độ đạm và thạch tín thì có 80/106 vượt ngưỡng arsen, chiếm 75,5% trên tổng số 106 mẫu đã được xét nghiệm.

Trong đó có 75/83 mẫu (các mẫu có độ đạm được ghi trên nhãn >= 25 độ) có hàm lượng thạch tín vượt quá mức an toàn cho sức khỏe so với quy định (chiếm 90,4% ).

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định, tất cả các sản phẩm nước mắm (nước chấm) được bán ra thị trường thì nồng độ thạch tín không vượt quá 1 mg/lít. Trên thực tế có nhiều mẫu nước mắm, sau khi xét nghiệm có nồng độ thạch tín lên tới 3 – 4 mg/lít.

Chẳng hạn, mẫu nước mắm được mua ở Thái Bình có độ đạm ghi trên nhãn 28, kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ thạch tín là 4,16 mg/lít, cao hơn 4 lần; mẫu nước mắm được thu thập tại Hà Nội nhãn ghi độ đạm là 38 thì có hàm lượng thạch tín là 3,33 mg/lít, cao hơn 3 lần; mẫu nước mắm được mua trong một siêu thị tại TP.HCM có độ đạm 50 thì hàm lượng thạch tín là 4,09 mg/lít, cao hơn 4 lần; mẫu nước mắm tại tỉnh Kiên Giang có độ đạm 43 thì hàm lượng thạch tín là 2,97 mg/lít, cao hơn gần 3 lần; mẫu nước mắm tại Cần Thơ có nồng độ đạm <40, có hàm lượng thạch tín là 3,06 mg/lít, cao hơn 3 lần.

 Kết quả khảo sát này đã gây chấn động thị trường nước mắm. Ảnh ST

Bên cạnh đó, hầu hết sản phẩm được xét nghiệm đều có độ đạm thực tế chênh lệch so với độ đạm được ghi trên nhãn. Trong đó có khoảng 25 sản phẩm có mức chênh lệch rất lớn, đơn cử như trên nhãn ghi độ đạm là 30 thì thực tế xét nghiệm độ đạm chỉ ở mức 16; hay trên nhãn ghi là 60 nhưng thực tế xét nghiệm chỉ ở mức 40. Điển hình như: mẫu nước mắm mua trong một siêu thị TP.HCM, trên nhãn ghi nồng độ đạm 60 nhưng kết quả xét nghiệm chỉ có 39,8, thấp hơn đến 20,2 độ đạm; mẫu nước mắm mua tại Hà Nội ghi nồng độ đạm 43 nhưng kết quả kiểm tra chỉ có 27,3.

Trả lời Thanh Niên về vấn đề này, một chuyên gia về nước mắm nhận định: “Nhiều thương hiệu nước mắm đánh vào tâm lý người tiêu dùng thích độ đạm cao nên công bố trên nhãn chỉ số độ đạm rất cao. Thực chất khi kiểm tra thì độ đạm thấp hơn nhiều so với con số công bố. Điều này có thể nói, đây là hình thức gian lận thương mại, dối trá trong làm ăn, đánh lừa khách hàng”.

Thạch tín độc hại thế nào với sức khỏe con người?

Nhận định về thị trường nước mắm, ông Phạm Ngọc Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ nước chấm TP. HCM) tại hội thảo “Nước mắm – Bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống” đã cho biết: nước mắm cao đạm ở Việt Nam thường có tỷ lệ vi khuẩn gây ngứa (histamine) và hàm lượng thạch tín vượt quá quy định cho phép. Chính vì vậy, “điều căn bản phải quản lý chặt chất lượng cả nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp để đảm bảo tính ngon, sạch, hợp khẩu vị cho người tiêu dùng”, ông Dũng nói.

Còn Tiến sĩ Trần Thị Dung, chuyên gia công nghệ chế biến và bảo quản thủy sản đề xuất cần phải kiểm soát histamine trong nước mắm để đảm bảo sự an toàn. Ông Lê Văn Giang, Phó cục trưởng Cục ATTP – Bộ Y tế, khẳng định: “Bộ Y tế sẽ quan tâm đến thông tin về việc kiểm soát hàm lượng thạch tín với độ đạm cao từ phía doanh nghiệp kiến nghị”.

 Độ đạm càng cao, hàm lượng thạch tín càng vượt ngưỡng an toàn. Ảnh ST

Thạch tín có tên hóa học là asen, thuộc nhóm kim loại nặng và là một khoáng vật màu xám thép. Trong công nghiệp, nó được dùng để sản xuất thuốc trừ sâu, thủy tinh, thuốc rụng lá, thuốc pháo… Ở dạng hợp chất vô cơ, thạch tín rất độc nếu sử dụng với liều lượng cao. Chỉ 0,06 g thạch tín vào cơ thể cũng đủ gây ngộ độc. Với liều lượng gấp đôi, nó sẽ gây tử vong.

Theo Sở Dịch vụ Y tế Môi trường thuộc trường Đại học Nam Carolina (Mỹ) thạch tín cùng với thủy ngân và chì được biết đến như các chất hóa học độc hại nhất đối với con người, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cho biết mức độ độc hại của thạch tín cao hơn 4 lần so với thủy ngân.

Trong một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, những người tiêu thụ lượng lớn gạo có chứa thạch tín có khả năng phát triển bệnh ung thư cao hơn những người khác. Khi thạch tín vào cơ thể con người qua đường tiêu hóa, nó gây nên bệnh rối loạn tế bào sừng ở da tiền ung thư (Bowen), ung thư biểu mô tế bào trên da, thậm chí  gây ung thư cho các cơ quan nội tạng như phổi, thận, bàng quan và gan.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), Mỹ cũng thừa nhận: Thạch tín là một chất hóa học độc hại, không màu, không mùi, được biết là có tính chất gây ung thư, thậm chí khi nhiễm ở nồng độ cao có thể dẫn đến tử vong.

Còn tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp hợp chất thạch tín vào nhóm 1- nhóm gây bệnh ung thư (qua thí nghiệm trên chuột bạch đã chứng minh).

Nếu tiếp xúc, ăn uống thực phẩm, nước nhiễm arsen trong thời gian dài có thể gây ra những biến đổi về sắc tố da như sạm da, dày sừng hoặc mụn cóc ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và trên người và có thể dẫn đến ung thư da.

Vì vậy, các chuyên gia khuyên nên biết cách cân đối các nguồn thực phẩm, lựa chọn kỹ về nguồn gốc và xuất xứ để hạn chế mức thấp nhất việc dung nạp.

Dương Phương Ngọc

Theo http://vietq.vn/