Giữ lấy nghề truyền thống của đồng bào Khmer Bảy Núi

0
2076
image_printIn bài viết

Khi mùa khô bắt đầu, bà con Khmer Bảy Núi lại tất bật chuẩn bị một mùa nấu đường thốt nốt mới. Do tập quán của đồng bào Khmer nơi đây là cư trú tập trung theo phum, sóc và quanh chân núi nên không biết từ bao giờ, cây thốt nốt đã gắn liền với cuộc sống của họ.

Từ nghề truyền thống

Cây thốt nốt tập trung nhiều ở các xã: Núi Tô, Ô Lâm, An Tức…, (Tri Tôn), An Cư, An Hảo, Văn Giáo, Vĩnh Trung, An Phú, thị trấn Tịnh Biên… (Tịnh Biên) Theo thống kê, hàng năm, toàn vùng Bảy Núi khai thác từ 5.500 – 6.000 tấn đường thốt nốt, chủ yếu tập trung vào mùa khô. Một cây thốt nốt trồng khoảng 15 năm là bắt đầu cho thu hoạch, cây càng lớn tuổi thì lượng nước thu được càng nhiều. Ông Chau Đương (ấp Tân Hiệp, xã Tân Lợi, Tịnh Biên) cho biết, tuổi thọ cây thốt nốt càng cao, khai thác trữ lượng nước nhiều và tỉ lệ đường nấu cũng tăng gấp đôi. “Không ai có thể nhớ nổi nghề nấu đường thốt nốt này có từ bao giờ, ông bà đã thấy làm, rồi đến con cháu cũng làm nghề này. Người sống với nghề đều là đồng bào Khmer, sản phẩm làm ra rất an toàn và mang hương vị đậm đà, dân dã, hấp dẫn du khách” – ông Chau Đương thiệt tình chia sẻ.

T7-1.jpg

Người dân được tập huấn các phương pháp khai thác, chế biến thốt nốt an toàn, chất lượng

Thông thường, mùa khai thác nước thốt nốt và nấu đường khoảng 6 tháng, nếu năm nào nắng kéo dài thì thời gian thu hoạch, chế biến lại tăng lên. Cứ hễ nắng gắt chừng nào thì nước nấu cho nhiều đường chừng đó. Đã trở thành thông lệ, để bắt tay vào vụ làm ăn mới, người làm nghề này phải lo sắm sửa đồ đạc đầy đủ: Tre làm thang leo, keo nhựa đựng nước, dự trữ trấu hoặc lá cây làm chất đốt, kiểm tra nồi, lò tươm tất… Theo ông Chau Yêu (ấp Sóc Tức, xã Lê Trì, Tri Tôn), mùa nấu đường năm mới thường lai rai từ tháng 9 âm lịch, khi mưa giảm dần thì nước thốt nốt nấu mới cho đường nhiều, cứ thế tăng dần theo mùa khô và chính vụ là lúc nhà nhà đón Tết Nguyên đán.

Trở thành đặc sản có thương hiệu

Sản phẩm đường thốt nốt Bảy Núi không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến, mà ở nước ngoài cũng rất ưa chuộng, bởi đặc tính thơm ngon và đặc trưng vùng, miền của sản phẩm. Nhiều năm nghiên cứu về các sản phẩm từ cây thốt nốt ở Bảy Núi, PGS.TS Nguyễn Minh Thủy (Trường đại học Cần Thơ) cho biết, quy trình làm đường truyền thống khá công phu. Nó đòi hỏi phải dùng gỗ cây sến hoặc cây sao (đã khan hiếm) để bảo vệ nước không bị hư hỏng. Đáp ứng thị trường tiêu dùng và tăng lợi nhuận, nhiều hộ sản xuất đã sử dụng hóa chất thay thế, chưa quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe con người, mà còn ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của làng nghề. Do vậy, việc hướng dẫn người thu hoạch và các hộ sản xuất cách khai thác, quy trình chế biến, với chất phụ gia phù hợp và liều lượng sử dụng an toàn sức khỏe người tiêu dùng là vấn đề quan tâm.

Nhận thấy được điều đó, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã nhanh chóng triển khai dự án “Huấn luyện, chuyển giao phương pháp khai thác nước và chế biến đường thốt nốt theo kỹ thuật mới” tại các xã Núi Tô, Lê Trì (Tri Tôn) và An Cư, An Hảo, Văn Giáo (Tịnh Biên). Bên cạnh đó, những năm qua, các chương trình Khuyến nông, Khuyến công và chương trình dân tộc tỉnh An Giang… cũng triển khai nhiều dự án tương tự. Từ đó, không chỉ những người hành nghề lấy nước thốt nốt mà các cơ sở chế biến đường thốt nốt cũng chú ý đến việc nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc sản vùng, miền.

Ông Vương Long Hùng, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tịnh Biên cho biết, toàn huyện có 23 cơ sở sản xuất đường thốt nốt. Những cơ sở này phần lớn đều thu mua nguyên liệu đường thô, sau đó mới chế biến lại thành phẩm tiêu thụ trên thị trường. “Hướng dẫn quy trình sản xuất, chế biến và bảo quản đường thốt nốt sẽ giúp các cơ sở nắm rõ hơn kỹ thuật để làm ra sản phẩm chất lượng và giữ vững tiếng tăm của làng nghề truyền thống” – ông Hùng tự tin.

Bài, ảnh: ÁNH NGUYÊN

Theo nguồn http://www.baoangiang.com.vn