Hiểm họa từ bim bim vỉa hè ‘ngậm’ phẩm màu

0
3360
image_printIn bài viết

(VietQ.vn) – Không chỉ chứa phẩm màu độc hại, việc sử dụng chất tạo ngọt Sodium Cyclamat để sản xuất bim bim theo các chuyên gia còn tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.

Bim bim siêu rẻ tràn ngập phố

Tại làng nghề La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), xuyên suốt con đường huyết đạo ngập tràn các loại hàng hóa từ nước giải khát, bia rượu, bánh trung thu tới các mặt hàng khô như bỏng, đậu nành sấy…Đặc biệt là bim bim được được bao quản trong các túi nylon cỡ lớn, chất thành từng đống sát ngay quốc lộ.

 Bim bim không nhãn mác, thành phần, xuất xứ tràn ngập phố. Ảnh Nhật Minh.

Mặt hàng bim bim luôn thu hút nhiều người tiêu dùng bởi màu sắc  trắng, xanh, vàng bắt mắt,…bim bim được chứa trong các túi nylon, trọng lượng 5kg. Giá khoảng 100 – 130.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trên bao bì dán một mẩu giấy nhỏ chỉ ghi gỏn gọn số điện thoại và tên công ty sản xuất, ngoài ra không hề có thành phần cũng như hạn sử dụng.

“Ở đây toàn phân phối hàng đi khắp các quận, huyện Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc với số lượng lớn. Bán lẻ không ăn thua. Nếu em mua hết cả bao 5kg thì anh bán”, một chủ hàng đon đả.

Tại các trường tiểu học và trung học cơ sở ở các quận, huyện Hà Nội, bày bán nhan nhản đủ loại bim bim vị cay, vị điều tôm, khoai tây,…Thậm chí, nhiều hàng bán rong trên vỉa hè cón bán các loại bim bim không nhãn mác, thành phần, đựng trong các tui nylon. Giá bán lẻ chỉ khoảng 4.000 đồng/100g.

“Chỉ cần 3.000 – 4.000 đồng, em có thể mua được bim bim, bánh gạo hay bỏng ngô tại các quán vỉa hè. Ăn vừa ngon vừa nhiều chia cho các bạn nữa”, một học sinh trường tiểu học Minh Khai nói.

Không chỉ thượng đế nhí chuộng bim bim vỉa hè mà ngay cả sinh viên cũng trở thành những vị khách quen mặt của mặt hàng này.

“Loại bim bim bán ở vỉa hè, tuy không có nhãn mác, thành phần nhưng ăn cũng khá giòn và thơm, giá lại rất rẻ. Nếu để có món quà vặt  hợp túi tiền thì loại bim bim này là lựa chọn số một của sinh viên”, Tâm, sinh viên Đại học Công nghiệp chia sẻ.

Theo khảo sát của PV, các loại bim bim không nhãn mác, được bán theo cân này  được bán rất nhiều tại các khu chợ sinh viên, cổng trường học và một số cửa hàng tạp hóa.

Trước đó, Công an Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 14 Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, phát hiện một cơ sở sản xuất bim bim bẩn tại thôn Thượng Hội, xã Tân Hội (huyện Đan Phượng).

 Cơ sở sản xuất bim bim sử dụng phụ gia, hóa chất tại Đan Phượng. Ảnh An ninh Thủ đô.

Tại cơ sở này thời điểm kiểm tra có 270kg phụ gia dùng để sản xuất bim bim không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 245 thùng bim bim thành phẩm, trọng lượng 3,6 tấn có dấu hiệu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong xưởng có 3 lao động người Trung Quốc đang tham gia vào dây chuyền sản xuất bim bim nhưng không mang găng tay và bảo hộ lao động.

Cơ sở sản xuất bim bim của anh Nguyễn Minh Phóng, ở huyện Đan Phượng cũng bị Nhà chức trách phát hiện đang cho “ra lò” loại bim bim nhãn hiệu “Thịt hổ”, sử dụng nhiều loại phụ gia nhãn mác Trung Quốc như: bột dẻo, hương liệu, chất tạo màu… không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm định chất lượng.

Bên trong xưởng có 75kg chất tạo ngọt nhân tạo Sodium Cyclamate; 250kg chất tạo ngọt Lotus; 600kg muối Refined; 100kg ớt bột… Toàn bộ số phụ gia trên bao bì đều in chữ Trung Quốc.

Chuyên gia nói gì?

Ông Trần Đáng, Nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các sản phẩm bim bim mua từ các làng nghề như La Phù, có quá nhiều chất tạo ngọt.

 Những hạt đậu Hà Lan nhuộm màu xanh bất thường

Bim bim không nhãn mác, xuất xứ ‘ngậm’ đầy phẩm màu. Ảnh Nhật Minh.

Trong thành phần có tới 3 loại chất cyclamate, không được phép sử dụng nhiều trong sản xuất đồ ăn ở Việt Nam. Ở một số nước đã cấm dùng cyclamat vì có thể gây ung thư.

Theo ông Đáng, rất có thể các sản phẩm bim bim giá rẻ sử dụng những phẩm màu độc hại. Nghiêm trọng hơn những chất này có nhiều nguy cơ gây chứng tăng động ở trẻ em, teo cơ quan sinh dục đối với những trẻ em đang trong tuổi dậy thì và gây ra rối loạn về gan, thận ở người.

Trả lời Chất lượng Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa) cho rằng, trong bim bim chứa các phụ gia như tạo màu, tạo mùi, tạo vị và chất tẩy trắng. Trường hợp, doanh nghiệp sử dụng các chất tạo màu không thuộc danh mục Bộ Y tế cho phép thì dù ít hay nhiều vẫn rất độc hại.

Theo ông Thịnh, Sodium Cyclamat là chất tạo ngọt có trong thành phần của bim bim, có gấp 40 lần đường kính, 1kg chất tạo ngọt Sodium Cyclamat tương đương tới 40kg đường kính. Hiện nay, trong danh mục của Bộ Y tế chất này vẫn được dùng. Nếu cho với lượng vừa đủ thì vẫn không gây hại cho sức khỏe.

Nhật Minh

Theo nguồn http://vietq.vn/