Hỗ trợ sản xuất rau an toàn

0
2462
image_printIn bài viết

(AGO) – Bằng những nỗ lực hỗ trợ ban đầu về kỹ thuật, vốn, xây dựng nhà lưới giá rẻ… một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã hình thành được những mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn. Vấn đề còn lại là cần thực hiện tốt khâu liên kết tiêu thụ, nâng giá bán cao hơn rau bình thường để khuyến khích nông dân tham gia mở rộng sản xuất.

Bước đầu có hiệu quả

Sau khi đi vào hoạt động năm 2008, các thành viên Tổ hợp tác (THT) sản xuất rau dưa xã Kiến An (Chợ Mới) đã được cán bộ trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện, Chi cục BVTV tỉnh và Hội Nông dân tỉnh tập huấn kỹ thuật về quy trình sản xuất, sơ chế rau an toàn. Sau đó, được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản An Giang đến kiểm tra, công nhận cơ sở đủ điều kiện trong sơ chế rau an toàn các loại; cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn cho các hộ tham gia. Tổ trưởng Tổ sản xuất rau dưa Kiến An Nguyễn Văn Minh cho biết, thông qua xây dựng mô hình, THT đã được các ngành chuyên môn của huyện và tỉnh hỗ trợ kinh phí lấy mẫu đất, nước phân tích chất lượng mẫu đạt tiêu chuẩn vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn của xã Kiến An từ năm 2008-2010, tái chứng nhận lại năm 2012-2015 và năm 2015-2018. Đồng thời, hỗ trợ 50% kinh phí mua máy Ozone rửa rau, hỗ trợ kinh phí để xây dựng điểm bán rau an toàn tại thị trấn Chợ Mới, nâng cấp lại điểm sơ chế rau an toàn, xây dựng 3 nhà lưới sản xuất rau an toàn… “Bằng nỗ lực hỗ trợ liên kết tìm đầu ra của cơ quan chức năng, THT sản xuất rau dưa xã Kiến An đã ký hợp đồng cung cấp rau an toàn cho Nhà hàng Thắng Lợi, Metro Long Xuyên, Coop Mart Long Xuyên, Coop Mart Cao Lãnh, Công ty Nam Phương TP. Hồ Chí Minh, Công ty Ecofarm Phú Quốc và nhiều đơn vị khác có nhu cầu” – ông Minh thông tin.

ANH-T4-2.jpg

Cần có chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh rau an toàn

Cùng với xây dựng 3 nhà lưới sản xuất rau an toàn tại xã Kiến An, các tổ sản xuất rau an toàn ở xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), phường Châu Phú B và phường Vĩnh Mỹ (TP. Châu Đốc) cũng được Chi cục BVTV tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà lưới. Những nhà lưới này nằm trong số 20 mô hình trồng rau ăn lá trong nhà lưới giá rẻ, sử dụng nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã được UBND tỉnh phê duyệt cuối năm 2014. Các địa phương còn lại được hỗ trợ xây dựng gồm các xã: Kiến Thành, Mỹ Hội Đông (Chợ Mới), Mỹ Khánh, Mỹ Thới (TP. Long Xuyên), Long Bình, Đa Phước, Khánh Bình (An Phú), Bình Thạnh (Châu Thành), Khánh Hòa (Châu Phú) và Châu Phong (TX. Tân Châu).

Cần tiếp sức

Theo Chi cục BVTV tỉnh, qua triển khai trồng rau trong nhà lưới giá rẻ cho thấy, rau trồng bên trong nhà lưới đẹp hơn so với ngoài, trông rau non hơn (do giảm 10 – 20% nắng). Sau 2 vụ mùa canh tác trong nhà lưới, gần như không còn sâu gây hại (do bướm không thể xâm nhập), mật độ bọ nhảy cũng thấp hơn bên ngoài. Khi canh tác vào mùa thuận, năng suất trồng trong nhà lưới từ bằng hoặc cao hơn bên ngoài 50 – 100kg/1.000m2. Nếu canh tác nghịch mùa (quá mưa, quá nắng hoặc thời điểm sâu phát triển mạnh), năng suất cao hơn bên ngoài từ 50 – 100%. Đối với cải xanh, cải ngọt, nếu gặp đợt sâu, bọ nhảy thì ở bên ngoài không thể trồng nhưng nhà lưới vẫn trồng được. Đối với rau tần ô là loại rất khó trồng trong mùa mưa nhưng trong nhà lưới vẫn có năng suất. Vào mùa mưa, năng suất cải bẹ dún trong nhà lưới có thể cao gấp đôi bên ngoài. Lợi ích lớn nhất khi trồng trong nhà lưới là giảm phun thuốc sâu hơn bên ngoài đến 5 – 6 lần. Có trường hợp ở Châu Đốc trồng rau dền không cần phun thuốc sâu, trong khi thông thường phải phun 4 lần.

Ông Nguyễn Quang Lập, nông dân xã Kiến An, cho biết, khi trồng cải ngọt trong nhà lưới giá rẻ (diện tích 500m­2­), ông chỉ phun thuốc trừ sâu 3 lần trong suốt vụ (giảm 5 lần), thu hoạch được 1,7 tấn rau (cao hơn bên ngoài 50kg). Dù giá bán bằng bên ngoài (3.000đ/kg) nhưng ông Lập thu được lợi nhuận gần 4,6 triệu đồng, trong khi bên ngoài chỉ được gần 3,3 triệu đồng. Đối với ông Đoàn Hữu Việt, nông dân xã Mỹ Hòa Hưng, việc trồng cải xanh trong nhà lưới giá rẻ (diện tích 500m­2­) giúp ông giảm được 6 lần phun thuốc trừ sâu, không cần sử dụng thuốc trừ bệnh (bình thường dùng 2 lần), thu hoạch được 1,6 tấn rau, giá bán 8.000 đồng/kg (cao hơn bên ngoài 500 đồng/kg), lợi nhuận cao hơn 1,21 triệu đồng. Thấy mô hình có hiệu quả, 20 nhà lưới mà chương trình đã hỗ trợ, nông dân còn đầu tư thêm 2.300m2 nhà lưới.

So với canh tác bình thường, mô hình sản xuất rau an toàn, trồng rau trong nhà lưới giá rẻ cho hiệu quả kinh tế khá hơn, lại tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, nông dân vẫn chưa mặn mà mở rộng sản xuất lớn do rau an toàn hay không an toàn đều có giá tương đương nhau hoặc chênh lệch không nhiều. “Trong sản xuất, chúng tôi phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật và cách ly thuốc BVTV trước khi thu hoạch. Đồng thời, phải tốn chi phí không nhỏ để chứng nhận rau an toàn. Tuy nhiên, giá bán lại không cao hơn bao nhiêu. Qua tìm hiểu, chúng tôi phát hiện một số khách hàng không mua rau an toàn của tổ, mà mua rau bên ngoài về để đưa vào hệ thống tiêu thụ. Nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ, xử lý nghiêm việc sản xuất, kinh doanh rau không an toàn, hỗ trợ phân phối cho rau an toàn để nông dân yên tâm mở rộng diện tích sản xuất” – ông Nguyễn Văn Minh đề nghị.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Theo nguồn http://www.baoangiang.com.vn/