Hướng tới sản xuất và tiêu thụ “sạch”

0
1607
image_printIn bài viết

TTO – Rất nhiều người đã đồng tình với quyết định loại bỏ thuốc trừ cỏ hoạt chất 2,4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam.

Sản xuất nông sản không dùng phân hóa học, không dùng thuốc trừ sâu đang là xu hướng tất yếu.

Ở nhiều nước phát triển, người ta đã sản xuất nông nghiệp theo hướng quay về với tự nhiên, nói không với các loại hóa chất để phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe con người.

Tại Việt Nam, xu hướng sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch cũng đang dần hình thành. Đã có nhiều nông dân và doanh nghiệp tham gia các loại hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Hiệu quả sản xuất “sạch” đối với nông dân rất rõ ràng, đó là chi phí đầu tư ít, dễ bán, lợi nhuận cao, đỡ vất vả và sức khỏe tốt hơn so với cách sản xuất trước đây.

Năm 2016, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại nông sản hữu cơ. Chẳng hạn như lúa hữu cơ Thạnh Phú, bưởi da xanh Sơn Đông (Bến Tre), lúa hữu cơ của nông dân Võ Văn Tiếng (Đồng Tháp), lúa hữu cơ ở Hòn Đất (Kiên Giang), nhiều loại rau quả khác do VinEco liên kết với nông dân sản xuất để cung ứng cho hệ thống siêu thị…

Nông sản được sản xuất theo quy trình hữu cơ thì không hoặc rất ít dùng phân bón, thuốc hóa học. Riêng với lúa hữu cơ thì tuyệt đối không phun một giọt thuốc nào.

Và các loại nông sản hữu cơ được người tiêu dùng đón nhận ngay khi nó xuất hiện trên kệ siêu thị dù giá khá cao.

Năng suất lúa hữu cơ ở Thạnh Phú không cao hơn so với canh tác kiểu bình thường, nhưng giá bán cao hơn nhiều nên nông dân có lãi cao hơn.

Do được thị trường đón nhận nên đầu năm 2017, rất nhiều doanh nghiệp đã tranh nhau ký hợp đồng với nông dân ở các vùng sản xuất lúa hữu cơ Thạnh Phú.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nông sản “sạch” của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp chủ động ký hợp đồng với hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo quy trình hữu cơ, hạn chế tối đa phun thuốc.

Tổng công ty Lương thực miền Nam cũng chỉ đạo các công ty thành viên chuyển hướng kinh doanh, chủ động sản xuất gạo chất lượng cao và an toàn.

Công ty Lương thực Tiền Giang đã triển khai ký hợp đồng 2.000ha lúa ở Tiền Giang và Đồng Tháp.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp này còn mời chuyên gia Mỹ lập quy trình sản xuất đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới và chỉ sử dụng thuốc trong danh mục của Mỹ.

Các công ty lương thực ở Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ… cũng bắt đầu triển khai sản xuất lúa an toàn, hạn chế dùng thuốc.

Ngay cả doanh nghiệp bưởi Hương Miền Tây ở Bến Tre cũng đi xúc tiến ký hợp đồng với nông dân sản xuất bưởi hữu cơ, đáp ứng thị trường cao cấp.

Người tiêu dùng bắt đầu tẩy chay thực phẩm “bẩn” và nông dân đã thay đổi tư duy, chuyển sang sản xuất “sạch”.

Bộ NN&PTNT và các địa phương đã và đang tích cực nhân rộng mô hình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… trong khi vẫn cho phép lưu hành nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại là điều rất vô lý.

Do đó để xây dựng thói quen sản xuất và tiêu thụ sản phẩm “sạch”, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục loại bỏ hết những loại thuốc độc và có nguy cơ gây ung thư để nâng cao giá trị nông sản và chất lượng cuộc sống của người Việt.

VÂN TRƯỜNG

Theo http://tuoitre.vn/