Kết quả bước đầu của mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/huyện, phường/xã trên địa bàn TP Hà Nội và Hồ Chí Minh

0
1937
image_printIn bài viết
Thực hiện Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg ngày 09/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu được thực hiện thí điểm từ ngày 15/11/2015. Sau thời gian triển khai thực hiện chương trình đã đạt được các kết quả và có những thuận lợi, khó khăn như sau:

Về thuận lợi, hoạt động triển khai thực hiện Quyết định 38/2015/QĐ-TTg ngày 09/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh luôn được Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan, Thành ủy thành phố và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo sâu sát ban hành kế hoạch kịp thời để các Sở ngành, quận/huyện thực hiện khẩn trương, quyết liệt, bài bản và đúng quy định theo Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg.

Đối với các Sở ngành Thành phố đã chủ động, tích cực triển khai bài bản, đã đánh giá đúng thuận lợi, khó khăn và chủ động có biện pháp phù hợp để triển khai đúng và hiệu quả, các Sở phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm cao: tập huấn nghiệp vụ thanh tra và hướng dẫn quy trình, kinh nghiệm xử lý trong thanh tra, đoàn công tác giám sát hỗ trợ nhiệt tình trách nhiệm hướng dẫn đơn vị, thường xuyên cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra giám sát của Thành phố và có nhiều ý kiến giúp cho quận/huyện, xã/phường/thị trấn tiến hành thanh tra thuận lợi hơn.

Đối với các quận/huyện, xã/phường đã có trách nhiệm và quyết tâm cao triển khai thí điểm, tích cực triển khai các nội dung theo hướng dẫn của ngành chức năng và phù hợp với địa phương, làm tốt công tác tuyền truyền phổ biến Thanh tra chuyên ngành và các quy định về đảm bảo ATTP, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP.

Thành viên đoàn thanh tra chuyên ngành được đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành về ATTP, được cấp chứng chỉ nên công tác thanh tra và xử lý vi phạm được tiến hành thuận lợi, các đoàn thanh tra, đặc biệt đoàn thanh tra cấp phường/xã/ thị trấn đã mạnh dạn triển khai, áp dụng, chuyển đổi từ kiểm tra, nhắc nhở sang việc tiến hành thanh tra và xử lý vi phạm theo đúng trình tự, thủ tục đã được pháp luật quy định.

Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tại quận/huyện, phường/xã/thị trấn thí điểm được giữ lại 100% để chi cho hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đoàn thanh tra trong hoạt động lấy mẫu kiểm tra ATTP và các phí hoạt động khác.

Có thể thấy, qua 6 tháng triển khai thí điểm thực hiện Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trước hết, việc triển khai Quyết định này đã làm tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân quận/huyện, xã/phường; UBND các cấp có thêm công cụ mạnh và lực lượng chuyên ngành để quản lý an toàn thực phẩm; Lãnh đạo chính quyền thực sự quan tâm thấy được hết trách nhiệm và nắm được tình hình thực trạng an toàn thực phẩm trên địa bàn; Huy động nhanh lực lượng có chuyên môn tại chỗ, có chức năng nhiệm vụ để thực hiện thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm theo kế hoạch và đột xuất để giải quyết vấn đề nóng về an toàn thực phẩm.

Kết quả xử lý vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành ATTP cao hơn so với kiểm tra ATTP thể hiện tính răn đe, sự nghiêm khắc trong quá trình thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm. Hầu hết các quận/huyện đều đánh giá hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP có hiệu quả tại tuyến quận/huyện và cần phải duy trì và mở rộng. Đối với tuyến xã/phường đặc biệt là xã cần tiếp tục thí điểm thêm, nếu thanh tra chuyên ngành ATTP được triển khai tại xã/phường/thị trấn thì cần đơn giản hơn quy trình thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ để dễ thực hiện và có hiệu quả cao hơn.

Đối với cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh: các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thấy chính quyền phường có  thẩm quyền mạnh trong quản lý an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm túc hơn các quy định của nhà nước về an toàn thực phẩm, chủ động đăng ký xin xác nhận kiến thức, đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm,… tự giác khắc phục các tồn tại sau khi thanh kiểm tra. Các điều kiện an toàn thực phẩm của các cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm đã có chuyển biến rõ nét hơn, cơ sở nhận thức phải có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ và thường xuyên các quy định về an toàn thực phẩm.

Về nhận thức của người dân: Hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP nhận được sự ủng hộ cao của người dân. Người dân nhận thấy sự quan tâm của chính quyền đối với vấn đề mình đang lo lắng về an toàn thực phẩm. Người dân đã có phản ánh các cơ sở có dấu hiệu vi phạm tới lãnh đạo phường/xã.

Trong quá trình thực hiện Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg, có thể thấy khó khăn chung của cả 2 thành phố thực hiện triển khai thí điểm là số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã/phường/thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc… gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành ATTP và xử lý vi phạm hành chính. Tâm lý “làng xóm, họ hàng” làm hạn chế kết quả xử  lý vi phạm hành chính.

Cán bộ, công chức tại tuyến xã/phường/thị trấn được giao nhiệu vụ thanh tra vẫn phải đảm nhận nhiều việc cùng lúc nên việc tổ chức các cuộc thanh tra chuyên ngành ATTP sẽ khó khăn khi diễn ra thường xuyên.

Cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đã được tạp huấn cấp chứng chỉ thanh tra, nhưng thời gian tập huấn còn ngắn, kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế, nên còn sự e ngại.

Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả, thịt tại các chợ cóc, thức ăn đường phố gặp nhiều khó khăn.

Quy trình, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra phức tạp, có quá nhiều biểu mẫu buộc phải thực hiện, do vậy các đoàn thanh tra đặc biệt là đoàn thanh tra tuyến phường, xã rất lúng túng khi áp dụng.

Nhân sự đoàn thanh tra chuyên ngành tại tuyến phường/xã/thị trấn hiện nay khó đáp ứng được theo quy định (Khoản 2, 3 Điều 2 Quyết định 38/2015/QĐ-TTg) đặc biệt quy định “Am hiểu pháp luật, có ít nhất 01 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm” vì đa số là kiêm nhiệm và hợp đồng, điều này gây khó khăn trong việc bố trí nhân sự thành lập đoàn.

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp phường/xã theo quy định là từ lãnh đạo Trạm Y tế hoặc tương đương là chưa rõ vì không thể so sánh cấp bậc tương đương của lãnh đạo Trạm Y tế với cán bộ thuộc Ủy ban nhân dân phường/xã, mặt khác lãnh đạo Trạm Y tế thực hiện rất nhiều nhiệm vụ quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và thực hiện cùng lúc nhiều chương trình dự phòng.

Hình thức thanh tra độc lập phù hợp với điều kiện của các cơ sở nhỏ, tuy nhiên việc tiến hành thanh tra độc lập hiện nay chưa phù hợp do việc thanh tra này dễ gây hiểu lầm hoặc có thể bị lợi dụng và người thanh tra có thể bị cơ sở chống đối đe dọa.

Tuyến quận/huyện và phường/xã không cập nhật được các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành nên việc vận dụng các quy định còn lúng túng.

Sau 09 tháng triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm theo Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại 05 quận/huyện và 10 xã/phường/thị trấn bước đầu các quận/huyện đều đánh giá hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP có hiệu quả tại tuyến quận/huyện. Hoạt động này cần tiếp tục  duy trì và nghiên cứu mở rộng trên các quận, huyện khác. Đối với tuyến xã/phường đặc biệt là xã cần tiếp tục thí điểm thêm. Bộ Y tế tiếp tục kiến nghị đề xuất chính phủ các điểm sau:

Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể trong việc thu chi tài chính từ nguồn thu xử phạt để phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành ATTP tại địa phương.

Đối với Ủy ban nhân dân 05 quận/huyện thí điểm đề nghị tập trung công tác giám sát và hướng dẫn phường/xã/thị trấn thí điểm theo hướng dẫn của thành phố, hạn chế luân chuyển các cán bộ công chức, viên chức đã được huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành ATTP. Nhanh chóng chuyển hóa đoàn kiểm tra liên ngành thành đoàn thanh tra chuyên ngành về ATTP, cơ cấu thành phần đoàn gọn nhẹ, tinh nhuệ để tăng chất lượng và số lượng cuộc thanh tra cũng như đảm bảo nhân sự thực hiện.

Hiện tại, pháp luật hiện hành chưa quy định về thanh tra chuyên ngành ở cấp quận, cấp phường trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cấp tỉnh/thành phố và Trung ương còn mỏng, thực tiễn đòi hỏi phải có lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cấp quận, cấp phường để đáp ứng yêu cầu quản lý. Đồng thời, để có cơ sở thực tiễn xem xét điều chỉnh, bổ sung chính sách pháp luật về thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm thì việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cấp quận, cấp phường tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết vì vậy Bộ Y tế tiếp tục đề xuất Chính phủ cho phép nhân rộng mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/huyện, phường/xã trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh.

UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 7087/KH-UBND ngày 18/11/2015 về việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận/huyện, phường-xã-thị trấn tại TP Hồ Chí Minh.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 205/KH-UBND ngày 2/12/2016 về việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận/huyện, phường-xã-thị trấn tại TP Hà Nội.

Theo kết quả sơ kết 6 tháng triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại thành phố Hà Nội, các đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP đã thanh tra tại 05 quận huyện theo tiêu chí đa dạng về vị trí địa lý ( 03 quận nội thành, 02 huyện ngoại thành phía Tây, Đông thành phố; đa dạng về loại hình sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả thành thị và nông thôn). Các đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP đã thanh tra 710 cơ sở, số cơ sở vi phạm: 313 cơ sở, trong đó: nhắc nhở: 34 cơ sở, phạt cảnh cáo: 140 cơ sở, phạt tiền: 139 cơ sở, với tổng số tiền phạt: 337.800.000,0 đồng , đóng cửa: 17 cơ sở. So với 06 tháng cùng kỳ trước thực hiện thí điểm, tỷ lệ cơ sở vi phạm hành chính cao hơn (21,2% so với 17,6%), số tiền phạt cao hơn (750.300.000 so với 222.980.000 đồng)

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP tại 05 quận/huyện và 10 phường/xã/thị trấn đã tiến hành thanh tra: 446 cơ sở/7.097 cơ sở quản lý (tỷ lệ 6,3%). Trong đó tuyến quận/huyện thanh tra 124 cơ sở; tuyến phường/xã/thị trấn thanh tra 322 cơ sở. Phát hiện vi phạm: 99 cơ sở, xử lý vi phạm: phạt tiền 82 cơ sở với tổng số tiền phạt 343.200.000 đồng; (còn 17 cơ sở đang tiến hành xử lý).

Theo http://www.vfa.gov.vn/