Không “thần thánh hóa” máy kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm Soeks

0
1638
image_printIn bài viết
Trước những quảng cáo phóng đại về khả năng kiểm tra an toàn thực phẩm của máy kiểm tra độc tố Soeks do Nga sản xuất, Cục An toàn thực phẩm đã vào cuộc.

Không phải máy vạn năng

Lo lắng mua phải thực phẩm bẩn, độc hại ảnh hướng sức khỏe người thân gia đình nhiều người tìm mua thiết bị kỹ thuật, máy kiểm tra chất lượng thực phẩm mang thương hiệu Soeks xuất xứ từ Liên bang Nga sản xuất do Công ty CP TM XNK Tâm Đức phân phối độc quyền tại Việt Nam.

Tuy nhiên kết quả test nhanh từ những loại máy này lại mang đến nỗi lo mới cho người tiêu dùng bởi những sai số quá lớn.

Đáng ngại hơn, giá thành của những sản phẩm máy kiểm tra chất lượng thực phẩm không hề rẻ, dao động từ 4,5 đến 6,5 triệu đồng/chiếc.

Trước thực tế này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) với tư cách là cơ quan quản lý cấp phép lưu hành cho máy kiểm tra thực phẩm Soeks đã tiến hành làm việc với doanh nghiệp.

Máy Soeks chỉ có chức năng kiểm tra tỷ lệ nitrat trong rau củ quả – ảnh nguồn Tâm Đức.

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc làm việc với doanh nghiệp, Ths. Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, cách gọi máy kiểm tra chất lượng thực phẩm với máy Soeks là không đúng bản chất.

“Đây chỉ là máy kiểm tra nitrat, tên đầy đủ: Bộ xét nghiệm nhanh dư lượng nitrat trong rau củ quả và thịt”, ông Tuấn cho biết.

Ths. Đỗ Hữu Tuấn xác nhận, máy kiểm tra Soeks được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy phép lưu hành theo Thông tư liên tịch số 11 của Bộ Y tế ban hành năm 2014. Trước khi được cấp lưu hành tại Việt Nam, máy Soeks đã được cấp lưu hành tại Liên bang Nga.

“Trước khi Cục An toàn thực phẩm cấp phép lưu hành sản phẩm máy cho đơn vị này đã yêu cầu 3 đơn vị kiểm nghiệm là Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh quốc gia, Viện Dinh dưỡng quốc gia và Trung tâm Tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng 1 của Bộ Khoa học Công nghệ khảo nghiệm lại các thông số kỹ thuật của bộ xét nghiệm nhanh này.

Sau khi có kết quả khảo nghiệm, chúng tôi tổng hợp rồi đưa ra hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia có liên quan xem xét, thẩm định cho ý kiến.

Các cơ quan này đều khẳng định kết quả của sản phẩm đạt yêu cầu, có sai số trong ngưỡng cho phép. Trên cơ sở kết luận của Hội đồng mới cho phép lưu hành”, ông Tuấn cho biết.

Theo Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, việc sử dụng sản phẩm bộ test thử nhanh này được quy định rất rõ tại Điều 16 Thông tư 11, theo đó máy được dùng trong 3 trường hợp: Hỗ trợ ban đầu trong việc thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; Dùng trong quá trình kiểm soát chế biến thực phẩm; Dùng trong quá trình lựa chọn sản phẩm.

“Cần lưu ý là kết quả của bộ test thử nhanh thực phẩm chỉ là kết quả ban đầu, mang ý nghĩa sàng lọc. Để khẳng định thực phẩm có an toàn hay không cần nhiều quy trình kiểm nghiệm khác, kết quả của bộ test nhanh không đủ cơ sở khẳng định thực phẩm an toàn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ths. Đỗ Hữu Tuấn – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

Do đó theo Ths. Đỗ Hữu Tuấn, người dân không nên “thần thánh hóa” máy Soeks. Kết quả kiểm tra của Soeks không khẳng định thực phẩm an toàn hay không mà chỉ có ý nghĩa sàng lọc ban đầu, không nên hiểu đây máy kiểm tra thực phẩm.

Sẽ rút giấy phép nếu quảng cáo quá sự thật

Bên cạnh những lầm tưởng về chức năng của máy Soeks, hiện có một số thông tin tỏ ra hoang mang bởi thông số nitrat mà bộ test này đưa ra có dao động ở ngưỡng cao khiến người dân hoang mang không dám dùng thực phẩm.

Theo Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, nitrat tồn dư trong thực phẩm rau củ là do sử dụng quá nhiều phân bón hóa học để trái có thể phát triển nhanh và thường được bón gần thời điểm thu hoạch. Nitrat cũng có thể tìm thấy trong các hóa chất bảo quản chứa gốc nitrat dùng để ép chín hoặc giữ tươi hoa quả, thực phẩm.

Bản thân nitrat không phải là chất gây ung thư, nhưng là nghi phạm gián tiếp gây ra ung thư khi nó biến thành nitrit, chất này kết hợp với gốc amin tự do tạo thành tiền chất gây ung thư.

Về vấn đề này ông Đỗ Hữu Tuấn cho biết, người dân cần sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, chẳng hạn đầu dò khi đo phải làm sạch, khoảng cách giữa 2 lần đo phải đúng hướng dẫn, lượng pin của máy…

Mặt khác, để đánh giá được sản phẩm rau thịt an toàn hay không thì chỉ tiêu nitrat chỉ là một trong rất nhiều chỉ tiêu chứ không thể căn cứ vào đó để đánh giá ngay được thực phẩm đó an toàn hay không an toàn.

“Cách tốt nhất để người tiêu dùng tránh được thực phẩm không an toàn là lựa chọn sản phẩm thì nên mua các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, thông tin đầy đủ… sử dụng sản phẩm đúng mùa, đúng vụ. Thực phẩm rau, củ, quả đúng vụ mùa sẽ ít bị sâu bệnh vì vậy việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón sẽ ít hơn so với sử dụng các sản phẩm trái mùa”, ông Tuấn đưa ra lời khuyên.

Trước thông tin quảng cáo sản phẩm này không đúng với giấy phép được cấp, Cục An toàn thực phẩm cho biết đã mời doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký quảng cáo sản phẩm này đến làm việc.

“Tại đây họ đã cam kết chỉ quảng cáo đúng nội dung sản phẩm được cấp phép. Một số trang website khác, doanh nghiệp này cho rằng không phải trang website của họ. Tuy nhiên Cục khẳng định quan điểm các trang website nếu không phải của doanh nghiệp thì cũng là các đại lý, đơn vị phân phối cấp dưới còn không tự dưng họ quảng cáo quá mức sản phẩm đó”, ông Tuấn cho biết.

Hiện, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu doanh nghiệp trước hết phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, yêu cầu dỡ các trang website nói quá sản phẩm.

“Nếu không ghi rõ là bộ xét nghiệm nhanh nitrat thì đây là hành vi vi phạm và sẽ bị xử lý vì dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm là chiếc máy vạn năng.

Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, nếu tiếp tục phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, có thể thu hồi giấy chứng nhận đã cấp”, ông Tuấn nói.

Nguồn giaoduc.net.vn