Kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm: Vi phạm ngày càng phổ biến

0
1402
image_printIn bài viết
(PLO) – Mặc dù TP Hà Nội đã hình thành nhiều chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm để cung cấp thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng, tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh thực phẩm thiếu an toàn cũng xuất hiện ngày càng phổ biến.
Kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm: Vi phạm ngày càng phổ biến

Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm

Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đã nhiều lần “ra quân” kiểm tra xử lý vi phạm về quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nhằm lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Hình thành 20 chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ 

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, đến nay, trong lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn TP đã hình thành 20 chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm đã thu hút gần 3.000 hộ chăn nuôi, khoảng 100 doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn, cung cấp thuốc thú y, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Bình quân, mỗi ngày cung cấp cho thị trường Hà Nội 57,4 tấn thịt lợn, 0,75 tấn thịt bò, 14,3 tấn gia cầm, 296.000 quả trứng và khoảng 78 tấn sữa tươi.

Tương tự, lĩnh vực trồng trọt, TP đã xây dựng và duy trì 27 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Trong đó, có 11 chuỗi rau an toàn và 16 chuỗi thực vật chất lượng cao liên kết từ sản xuất đến kinh doanh. Ngoài việc đẩy mạnh các mô hình chuỗi trong chăn nuôi thì công tác quản lý sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc thực vật cũng được TP đặc biệt quan tâm. Điển hình là đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn TP Hà Nội giai đoạn 2009 – 2016.

Sau hơn 6 năm triển khai, đã từng bước kiểm soát được diện tích sản xuất rau an toàn. Đến nay, đạt 5.000ha canh tác, 244ha rau trồng theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và gần 50ha rau hữu cơ. Sản lượng rau an toàn ước đạt 350.000 tấn/năm, chiếm 58% so với tổng sản lượng của TP (sản lượng rau của Hà Nội là khoảng 600.000 tấn/năm) và đáp ứng được 35% nhu cầu của TP (khoảng 1.000.000 tấn/năm).

Hiện, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã cấp 7 giấy xác nhận cho 7 cơ sở của 9 chuỗi rau, thịt với 13 cửa hàng kinh doanh thực phẩm nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn TP và các địa phương lân cận.

Cứ kiểm tra là có vi phạm

Những kết quả trên lại dường như chẳng thấm vào đâu so với những con số sai phạm mà Thanh tra của ngành NN&PTNT TP Hà Nội vừa công bố. Theo đó, qua thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm, kháng sinh, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại 41 cơ sở và lấy 90 mẫu thuốc thú y, thì đã phát hiện 18 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 183,5 triệu đồng. Thanh tra, kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tại 49 cơ sở, các đơn vị thuộc ngành NN&PTNT đã phát hiện 17 cơ sở vi phạm, xử phạt gần 185,2 triệu đồng.

Chưa hết, qua thanh tra, kiểm tra chất lượng giống cây trồng, giống vật nuôi tại 18 cơ sở, cơ quan chức năng ngành Nông nghiệp đã phát hiện 2 cơ sở kinh doanh có nhãn không đúng quy định, xử phạt vi phạm hành chính 1,5 triệu đồng… Ngoài ra, các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp cũng thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm nông sản tại 89 cơ sở sản xuất, kinh doanh, phát hiện 41 cơ sở vi phạm với các lý do vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, người sản xuất, kinh doanh không có giấy khám sức khỏe, xác nhận kiến thức, không đảm bảo điều kiện bảo quản, vận chuyển… tổng số tiền phạt gần 290 triệu đồng.

Trạm Thú y 30 quận, huyện cũng phối hợp với đoàn liên ngành quận, huyện kiểm tra 3.057 lượt cơ sở trên 3 lĩnh vực (phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, kinh doanh thuốc thú y), xử lý 270 trường hợp vi phạm. Các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng đã buộc phải tiêu hủy hơn 3 tấn sản phẩm nông sản.

Liên quan đến công tác kiểm tra, đánh giá xếp loại, kiểm tra định kỳ, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm: đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, cấp TP đã kiểm tra xếp loại 131 lượt cơ sở. Trong đó có 96 cơ sở được xếp loại A, B chiếm tỷ lệ 73,3%; 35 cơ sở xếp loại C chiếm tỷ lệ 26,1%; 0,6% số cơ sở dừng hoạt động. Sau khi khắc phục, 14 cơ sở xếp loại C đã được tái kiểm tra và lên loại B đạt 40%, số còn lại tạm thời dừng hoạt động để sửa chữa, khắc phục sai lỗi.

Tuấn Ngọc
Theo nguồn http://baophapluat.vn