Nguy hiểm chết người từ 5 loại giấy gói thức ăn nhanh

0
3164
image_printIn bài viết

(VietQ.vn) – Giấy báo, giấy in hay màng bọc thực phẩm tuy thuận tiện để bọc thức ăn nhưng nếu lạm dụng các loại giấy gói thức ăn nhanh này rất dễ gây ngộ độc thậm chí là ung thư.

Giấy gói thức ăn nhanh

Theo báo Pháp luật TP HCM,  hơn 3 thập niên qua, các chuỗi thức ăn nhanh đã sử dụng hoá chất để giữ các loại dầu mỡ không bị tràn ra khỏi giấy gói các món ăn nhanh như hamburger hoặc không bị tràn ra khỏi các thùng giấy trong khi vận chuyển.

Đến đầu năm 2000, một vài nghi vấn về sự an toàn đối với giấy bọc thức ăn nhanh đã được đặt ra. Người ta đã phát hiện ra một loại hoá chất được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thức ăn hái ra tiền này mà không có sự giám sát bởi chính phủ các nước.

Các nhà khoa học đã xác định được hoá chất được dùng trong bọc thức ăn nhanh có tên perfluorinated (hay PFCs). Hoá chất này khi vào trong cơ thể người sẽ biến đổi thành một chất khác có tên PFOA hay axit perfluorooctanesulfonic (có công thức hoá học: C8HF17O3S). PFOA khi vào trong cơ thể sẽ dần dần phá huỷ các nội tạng như gan gây tổn thương. Ngoài ra, chất này cũng được cho là gây ung thư, và ảnh hưởng đến các vấn đề sinh sản và hoocmon của con người.

Giấy báo và giấy in

Tin tức trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, nhiều người, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi có thói quen dùng giấy báo, giấy in bỏ đi để gói hoặc bọc đồ ăn mà không biết rằng việc làm này có vẻ rất tiện lợi nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy hại khôn lường.

Chì là kim loại rất quen thuộc với chúng ta, đó là kim loại mềm, dễ uốn, dễ kéo dài, có khả năng chịu được mài mòn, chống ăn mòn, ngăn cản sự xuyên qua của những tia bức xạ, tia phóng xạ. Do các ưu điểm đặc trưng như vậy nên chì được ứng dụng rộng rãi trong các ngành chế tạo sơn, làm đồ thủy tinh, làm gốm, tráng men, mực in, sản xuất đồ gia dụng… Tuy nhiên, chì lại được các cơ quan chuyên môn xác định là chất độc hại và rất nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe của con người. Vì vậy, khi sử dụng giấy báo để bao gói thực phẩm thì nguy cơ nhiễm chì là rất cao.

Giấy bóng kính

Thông tin trên báo Trí Thức Trẻ, giấy bóng kính được làm từ nhựa dẻo và thường được sử dụng để gói các món ăn nhanh như xôi, bánh,… Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, nhựa và những chất có hại trong loại giấy này sẽ thôi nhiễm vào thức ăn gây nguy cơ ngộ độc. Thay vì sử dụng chúng để đựng thực phẩm, chúng ta có thể dùng một số loại lá hoặc hộp nhựa an toàn hơn. Bạn cũng cần lưu ý không nên gói đồ ăn còn nóng bằng loại giấy này để tránh gây hại.

Giấy bóng kính khi ở nhiệt độ cao cũng có thể gây ngộ độc. Ảnh minh họa

Giấy bóng kính khi ở nhiệt độ cao cũng có thể gây ngộ độc. Ảnh minh họa

Màng bọc thực phẩm chất lượng kém

Màng bọc thực phẩm là một công cụ hữu ích trong nhà bếp, giúp chúng ta bảo quản đồ ăn. Tuy nhiên, thực phẩm đã qua chế biến chứa nhiều gia vị và mỡ, khi tiếp xúc với màng bọc sẽ khiến những thành phần hóa học thẩm thấu vào thức ăn gây hại cho sức khỏe.

Thói quen dùng chúng để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng cũng rất nguy hiểm. Bởi những chất hóa học trong màng bảo quản có thể tan chảy khi gặp nhiệt độ cao. Do đó, bạn cần lưu ý không để đồ ăn tiếp xúc với giấy bọc hay dùng chúng ở nhiệt độ cao nhé!

Sách vở cũ

Sách vở cũ đã qua sử dụng là nơi chứa rất nhiều loại vi khuẩn và bụi bẩn, nếu những bụi bẩn đó bám vào thức ăn sẽ khiến sức khỏe bị ảnh hưởng. Hơn nữa, các loại mực từ sách vở cũng chứa không ít thành phần hóa chất độc hại khi ăn phải. Để an toàn hơn, chúng ta cần loại bỏ thói quen tận dụng chúng ngay.

An Dương (T/h)