Nông sản nhập khẩu vẫn “chiếm lĩnh” thị trường

0
1374
image_printIn bài viết

Các siêu thị trong tỉnh đa phần trưng bày trái cây từ các quốc gia phát triển

(AGO) – Hiện nay, các loại nông sản nhập khẩu từ các quốc gia vẫn “chiếm lĩnh” thị trường trong tỉnh. Từ chợ đầu mối đến chợ huyện, chợ xã, người tiêu dùng vô tư lựa chọn cho bữa ăn của mình.

Từ chất lượng…

“Là một đất nước nông nghiệp nhưng mỗi ngày Việt Nam phải chi đến 70 tỷ đồng để nhập hoa quả từ các quốc gia phát triển như: Bom (táo) của Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc; bòn bon, măng cụt, soài, nhãn Indor, chôm chôm Thái lan, bắp cải nồi, tỏi, hành tây của Trung Quốc (TQ) là một nghịch lý. Điều đáng nói, 2/3 trong số đó là các sản phẩm cùng loại với trái cây đã có sẵn trong nước. Năm 2016, chỉ một động thái nhỏ, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu bắp cải nồi của TQ về bán từ chợ tỉnh đến chợ xã, việc này đã “giết chết” những nông dân trồng rẫy ở vùng Bình Thạnh (Châu Thành). Bắp cải của nông dân Bình Thạnh mang cho bò, heo và cá ăn… thật đau lòng” – ông Trần Văn Măng (xã Bình Thạnh) bức xúc.

Xã Bình Thạnh là vùng chuyên canh màu của tỉnh, với 1.000 nhân khẩu sinh sống bằng nghề trồng rẫy. Hơn 30 năm qua, nông dân nơi đây chuyên sản xuất bắp cải và nhiều mặt hàng khác để cung cấp cho thị trường trong tỉnh. 10 năm gần đây, đời sống nhiều hộ gia đình nơi đây khấm khá hơn nhờ trồng bắp cải của Italia. Mỗi bắp cải cân nặng từ 2-3 kg. Giá bán có khi đến 9.000 đồng/kg. “Giống bắp cải Italia trồng rất hiệu quả. Bắp cải lớn nhưng không bị nứt, ít sâu bệnh. Trong khi các loại giống bắp cải do các công ty trong nước cung cấp, đa phần khi bắp lớn ở độ 1,2 – 1,5kg/bắp thì luôn bị nứt, sản phẩm bị bạn hàng cho là cải dạt, bán không có giá…” – bà Trần Thị Lan (xã Bình Thạnh) chia sẻ.

Từ năm 2014 trở về trước, khi bắp cải nồi của TQ chưa xuất hiện trên thị trường, nông dân Bình Thạnh luôn có cuộc sống ổn định nhờ trồng giống bắp cải Italia. Tuy nhiên, từ năm 2015 – 2016 đến nay, bắp cải nồi của TQ tràn vào thị trường Việt Nam, nghề trồng bắp cải ở các xã: Bình Thạnh (Châu Thành), Kiến An (Chợ Mới), Khánh Hòa (Châu Phú) và Vĩnh Mỹ (TP. Châu Đốc) đi vào dĩ vãng, bởi không thể cạnh tranh nổi với bắp cải nồi của TQ. Nhiều lao động nghề nông tại các địa phương bị thua lỗ, khăn gói lên Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh để làm thuê kiếm sống.

… Đến giá bán

“Làm sao sản phẩm của nông dân trong tỉnh, trong nước có thể cạnh tranh với sản phẩm nông nghiệp được nhập khẩu từ các quốc gia phát triển. Tôi chỉ đơn cử 1 mặt hàng tại chợ Long Xuyên đó là bắp cải nồi. Năm 2016, bắp cải nồi TQ được nhập vào chợ này 3.000 đồng/kg, giá bán ra chỉ có 4.000 đồng/kg, trong khi bắp cải của nông dân xã Bình Thạnh trồng bán đến 5.000 đồng/kg. Người làm thương mại sẽ đổ xô mua bắp cải nồi TQ bán thôi, vì ngoài bán có lời, bắp cải TQ có thể để trong thời gian 7 ngày mà không hư, trong khi bắp cải của nông dân Bình Thạnh chỉ để được 3 ngày là bị thối…” – chị Phan Thị Tuyết, tiểu thương chợ đầu mối nông sản ở TP. Long Xuyên chia sẻ.

Tại chợ đầu mối nông sản TP. Châu Đốc, giá hành tiều của TQ chỉ có 25.000 đồng/kg, trong khi hành tiều của nông dân trong nước bán với giá 45.000 đồng/kg; tỏi TQ bán 23.000 đồng/kg, trong khi tỏi Việt Nam bán 65.000 đồng/kg; hành tây TQ, giá bán đến tay người tiêu dùng là 10.000 đồng/kg, hành tây Đà Lạt 12.000 đồng/kg. Tiểu thương chợ đầu mối Châu Đốc cho biết, nông sản nhập khẩu từ các quốc gia phát triển có mẫu mã đẹp hơn nhưng lại rẻ, chất lượng ổn định; trong một thời gian ngắn có thể giao hàng với số lượng lớn, trong khi nông sản của nông dân trong tỉnh, không ổn định về chất lượng, mà chủng loại ít phong phú, giá lại luôn cao hơn sản phẩm nhập khẩu.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, 3 tháng gần đây, giá trị nhập khẩu trái cây từ các quốc gia phát triển lần lượt ở mức 154, 101, 167 triệu USD/tháng, trong khi ở những năm trước đây, con số này không vượt qua mức 50 triệu USD/tháng. Tìm giải pháp để giúp nông sản của nông dân trong nước tiêu thụ mạnh trên thị trường là việc làm cần thiết hiện nay, bởi đã có không ít nông dân trong tỉnh phải rời bỏ ruộng đồng, đi làm thuê tại các khu công nghiệp để kiếm miếng ăn hàng ngày. Nông sản của nông dân làm ra bị người tiêu dùng trong tỉnh quay lưng… Cần đẩy mạnh việc ngăn chặn nhập khẩu các loại thuốc tăng trưởng, kích thích dùng để sử dụng trong nông nghiệp, vì cách làm này đã giết chết nền sản xuất trong nước. Người Việt mất niềm tin vào nông sản Việt. Mặt khác, cần củng cố lại Tổ hợp tác và HTX để chi phí, giá thành sản xuất ở mức hợp lý, nông sản làm ra đủ sức cạnh tranh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đưa khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản.

“Việc nông sản nhập khẩu “chiếm lĩnh” thị trường đã giết chết nền sản xuất của nông dân trong nước. Bởi, nông sản được nhập khẩu từ các quốc gia phát triển có chất lượng luôn cao hơn. Về giá bán, có mặt hàng giá rẻ hơn sản phẩm trong nước như: Hành tây, tỏi, khoai tây, cà rốt, bắp cải nồi… Đi cùng với đó là tâm lý sính hàng ngoại đã làm cho nông dân trong nước lao đao…” – ông Nguyễn Văn Lanh (xã Kiến An, Chợ Mới) bức xúc.

 MINH HIỂN

Theo http://baoangiang.com.vn/