PHÁT “SỐT” VỚI ĐẶC SẢN THỐT NỐT

0
3364
image_printIn bài viết

Tôi sởn da gà khi nghĩ đến ly nước giải khát đặc sản thốt nốt mà mình vừa uống tại quán ven đường vào Tịnh Biên (An Giang) đã được “tẩm” thứ bột màu trắng không nhãn mác, không xuất xứ và không hạn sử dụng… Tuy nhiên, theo bạn đồng nghiệp địa phương, đó chỉ mới là khúc dạo đầu của bản trường ca về nạn “đầu độc” đặc sản này.

Hấp dẫn bằng hóa chất… lạ

Cuối tuần, chiến hữu từ TPHCM xuống, đề nghị đưa đi khám phá ẩm thực Thất Sơn thuộc hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, với thực đơn toàn đặc sản thốt nốt: Thưởng thức trái thốt nốt, chè đậu xanh nấu với đường thốt nốt… và cả đoàn háo hức với màn uống nước thốt nốt ngay tại điểm thu hoạch. Nhưng cái khí thế hừng hực ấy đã nhanh chóng lụi tàn ngay, sau khi chúng tôi tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra ở cạnh quán chuyên bán nước thốt nốt ven đường thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên.

Đường thốt nốt, thốt nốt, An Giang, Tịnh Biên, đặc sản, thuốc tẩy, mạch nha, chế biến

Anh Chau Sane đang cho bột tẩy vào thùng hứng nước thốt nốt – Ảnh: ST

Biết anh Chau Sane đang leo cây thu hoạch nước thốt nốt, cả đoàn ghé vào xem, cũng đúng lúc anh đang rắc chất bột màu trắng vào thùng hứng nước thốt nốt. Sau một hồi quan sát gói bột mà không thấy nhãn mác, xuất xứ và hạn sử dụng, tôi hỏi bột gì vậy và vừa định đưa mũi vào ngửi. Nhanh như chớp, anh Sane can thiệp: “Đừng, mùi khó chịu lắm”. Rồi anh giải thích: “Thật tình, tôi cũng không biết đó là bột gì, nghe người ta nói là bột tẩy, để thay cho gỗ cây sến, nên chúng tôi tự đặt cho nó cái tên bột tẩy sến”.

Theo anh Sane, trong cách khai thác nước thốt nốt truyền thống, người ta bỏ vào thùng hứng nước một ít gỗ cây sến, hoặc cây sao được lát mỏng, phơi khô với mục đích bảo quản, làm nước thốt nốt chậm lên men chua. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu này ngày càng khan hiếm và hiệu quả “bảo quản” cũng kém xa so với dùng thuốc tẩy, nên nhiều người đã chuyển hướng.

“Nếu sử dụng gỗ sến, gỗ sao chỉ có thể bảo quản nước khỏi bị chua trong một buổi tính từ thời điểm thu hoạch. Trong khi đó, nếu sử dụng bột tẩy, có để 1-2 ngày trong điều kiện tự nhiên, nước thốt nốt vẫn bình thường, như trái táo xuất xứ Trung Quốc vẫn tươi nguyên trong nhiều ngày nhờ được “tắm”… hoá chất” – anh Sane nói.

Đường thốt nốt, thốt nốt, An Giang, Tịnh Biên, đặc sản, thuốc tẩy, mạch nha, chế biến

Ảnh minh họa: ST

Tuy biết anh Sane rất thật tình, nhưng với tất cả sự cẩn trọng, chúng tôi lặn lội vào phum sóc của xã Vĩnh Trung – địa bàn có truyền thống lâu đời trong khai thác nước thốt nốt của huyện Tịnh Biên – gặp những bậc thâm niên trong nghề để xác tín. Anh Huỳnh Thanh Nhân – người có trên 20 năm trong nghề khai thác nước thốt nốt – thừa nhận: “Trong nhà tôi hiện có đến mấy gốc cây sến, nhưng nhiều năm rồi vẫn nằm nguyên đó vì phải nhường chỗ cho… bột tẩy”.

Anh còn khẳng định: “Bây giờ có đến 99,99% số người lấy nước thốt nốt sử dụng bột tẩy. Nói chính xác là họ bị thương lái thu gom đường thô cung cấp, bắt buộc sử dụng bột tẩy, xem đây như giấy chứng nhận đủ điều kiện trong mua bán.

Theo anh Nhân, con số 0,01% còn lại là trừ trường hợp khai thác sử dụng trong gia đình hay người thân quen đặt hàng không sử dụng bột tẩy. Tuy mỗi vùng, có chủ thu gom riêng, nhưng theo quan sát của chúng tôi, tất cả bột tẩy này đều có điểm chung là: Không nhãn mác, không xuất xứ nguồn gốc và không hạn sử dụng. Và tất cả đều có điểm khác biệt về liều lượng sử dụng. Bởi có người thì dùng đầu ngón tay để “định lượng” phần bột tẩy cho mỗi thùng hứng nước, nhưng cũng có người thì dùng muỗng càphê, thậm chí có người còn pha sẵn vào chai nước rồi sau đó rót vào thùng hứng nước. Nói chung là mạnh ai nấy làm theo cảm tính của riêng mình.

Nhưng chừng đó thôi chưa đủ. Bởi từ đây đến khi chế biến ra đường tán (viên, thẻ), ít nhất thốt nốt còn phải “tắm” thêm 2 lần hoá chất với liều lượng… kinh hoàng. Trong đó, chỉ tính riêng lần thứ 2 (công đoạn nấu nước thốt nốt thành đường thô) người ta lại bỏ bột tẩy vào với liều lượng “thiên hình, vạn trạng” nhằm làm cho màu đường đẹp mắt. Cũng như phần đông các chủ lò nấu đường ở xã An Cư (Tịnh Biên), anh Chau Thanh sử dụng 0,8kg bột tẩy cho lượng nước thốt nốt, tương đương 28kg đường thô. Tuy nhiên theo anh, nhiều lò ở Văn Giáo, Vĩnh Trung dùng đến 1kg cho cùng lượng đường này.

Và theo ghi nhận của chúng tôi, việc sử dụng bột tẩy với liều lượng kinh hoàng thế này cũng là ý tưởng của thương lái, người thu gom. Anh Thanh bật mí: “Người thu gom đường thô sẽ căn cứ sản lượng nước thốt nốt mà giao lượng bột tẩy cho từng hộ sử dụng. Mình mà bớt tỉ lệ này lại, đường có màu sậm hơn là họ doạ không thu mua, chớ nói chi đến không sử dụng”.

Có nguy hiểm sức khỏe?

Đường thốt nốt, thốt nốt, An Giang, Tịnh Biên, đặc sản, thuốc tẩy, mạch nha, chế biến

Nấu đường thốt nốt để chế biến đường tán – Ảnh: ST

Đúng như chỉ dẫn của các chủ lò nấu đường, chúng tôi dễ dàng tìm thấy mặt hàng bột tẩy tại các chợ thuộc các địa bàn có nghề khai thác, nấu đường thốt nốt như: Vĩnh Trung, Văn Giáo… của huyện Tịnh Biên. Thậm chí, còn dễ mua hơn cả việc mua rau. Bởi nếu nói mua rau, người bán còn phải hỏi lại cho rõ là rau gì, còn ở đây chỉ cần nói “bán 1 bọc tẩy” là tôi được đưa đúng chất bột tẩy màu trắng trong tình trạng “3 không” đúng y như  bột tẩy mà Chau Sane, Chau Thanh đã sử dụng. Thậm chí, ở trung tâm chợ Vĩnh Trung (Tịnh Biên), người ta còn bày chất bột không nhãn mác, xuất xứ và hạn sử dụng này ngay vị trí mặt tiền của cửa hiệu, tức nó được bày bán công khai giữa thanh thiên bạch nhật… với giá dao động từ 20.000-25.000đ/kg. Và đặc biệt hơn là việc tiêu thụ này diễn ra theo quy trình ngược: Càng vào mùa mưa, cây thốt nốt càng giảm cho nước nguyên liệu đường, thì lượng tiêu thụ bột tẩy càng tăng.

Một chủ lò nấu đường thốt nốt ở xã An Phú (Tịnh Biên) nói: “Nhiều chủ lò đường đã “bù đắp” bằng cách pha thêm mật đường mía, hoặc mạch nha vào. Nhiều lúc tỉ lệ này chiếm đến 60-70%. Và để xóa “dấu vết” người ta tăng cường bột tẩy…”. Như vậy, một sản phẩm đường thốt nốt bị “đểu-giả” đến 2 lần ngay trên thủ phủ của nó.

Tình hình càng phức tạp thêm khi một thương lái chuyên cung cấp mạch nha ở An Giang cho biết: Vào cao điểm mùa mưa, mỗi ngày cơ sở của tôi cung cấp 3-4 tấn mạch nha cho các cơ sở trên đất nước Chùa Tháp chuyên cung cấp nguyên liệu đường thốt nốt cho các lò sản xuất đường thốt nốt ở Việt Nam. Như vậy, nhiều khả năng một tấn đường thốt nốt khi đến tay người tiêu dùng sẽ có nhiều hơn 3 lần “tắm” hóa chất như có thông tin đã cảnh báo (!?)

Đường thốt nốt, thốt nốt, An Giang, Tịnh Biên, đặc sản, thuốc tẩy, mạch nha, chế biến

Đường thốt nốt – Ảnh: ST

Theo xác nhận của nhiều người “trong cuộc”, việc sử dụng bột tẩy trong khai thác, chế biến đường thốt nốt đã diễn ra hơn chục năm nay, nhưng mãi đến tháng 5 này, khi chúng tôi đến thì ngành chức năng ở An Giang mới… “lần đầu hay biết” (!?). Có lẽ rồi đây cơ quan chức năng sẽ có câu trả lời chính thức về hóa chất “3 không” này và đề ra biện pháp quản lý với lộ trình thích hợp. Tuy nhiên, trên thực tế từ nhiều năm nay, người “trong cuộc” đã xem đó như là “chất độc”.

Anh Huỳnh Thanh Nhân (xã Vĩnh Trung) chia sẻ: Không biết trong đó có chất gì, nhưng chỉ cần cho một ít vào là nước thốt nốt sẽ  tự động “sôi” lên như đang nấu. Còn mùi vị thì giảm rất nhiều so với cách dùng gỗ sến, sao”. Đặc biệt là khi nấu sôi, nước thốt nốt đã “tắm” hoá chất này sẽ nổi lớp bọt màu trắng dày hơn cả dung dịch xà phòng đậm đặc.

Có mặt tại lò nấu gần khu vực Đình Thần xã Vĩnh Trung, chúng tôi không khỏi rợn người khi tận mắt chứng kiến cảnh người chủ lò nấu đường phải luôn tay hớt các lớp bọt từ đáy nồi trồi lên liên hồi. Chỉ trong 15 phút, phần bọt hớt được đã đầy chiếc rổ lược to. Vì vậy theo lời anh Nhân, lâu nay bà con ở đây sợ cái chất này lắm. “Khi cần đường thốt nốt sử dụng trong gia đình, họ đến đặt hàng không để chất tẩy”.

Tuy nhiên, theo tiết lộ của một cán bộ có trách nhiệm ở An Giang, để xử lý đến nơi, đến chốn việc này cũng không thật dễ dàng, nếu không muốn nói là lắm sãi không ai đóng cửa chùa. Bởi thực tế cho thấy, một tán đường có đến 3 ngành quản lý độc lập: Ngành nông nghiệp quản lý khâu chế biến, ngành công thương quản lý việc tiêu thụ và khi đến tay người tiêu dùng mới thuộc ngành y tế.

Vĩ Thanh

Nhiều người đã khuyên tôi không nên thực hiện bài viết này, vì lo ngại khách hàng sẽ quay mặt với đặc sản thốt nốt, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm của hàng ngàn hộ người nghèo vùng Thất Sơn và nhất là tác động tiêu cực đến sản phẩm du lịch của An Giang. Thật tình cũng như nhiều người dân Việt Nam khác, tôi rất thương người nghèo và cũng rất quan tâm đến sự phát triển của ngành công nghiệp không khói trên miền đất “Tiền tam giang, hậu thất sơn”, nhưng tôi luôn hiểu rằng, điều này không bao giờ đồng nghĩa với việc phải bao che cho những việc làm sai luật pháp và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Tôi có niềm tin rằng, qua bài viết này, ngành chức năng An Giang sẽ xốc tay chỉnh đốn lại các công đoạn khai thác, chế biến đặc sản thốt nốt. Và những chấn chỉnh thiết thực, hiệu quả và minh bạch ấy chính là tờ thông hành hữu hiệu nhất giúp đặc sản thốt nốt đến với mọi người, mọi nhà. Khi đó, những người gắn bó với nghề sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Lâm Điền

Theo Lao Động