Quảng cáo mì ăn liền: Người dùng đang bị ‘lừa’ như thế nào?

0
3025
image_printIn bài viết

(VietQ.vn) – Theo chuyên gia, trong quảng cáo mì ăn liền, hình ảnh miếng thịt, con tôm hay đùi gà phải được cấm đăng tải vì trên thực tế, nó không có trong tô mì.

“Con tôi 4 tuổi lúc nào cũng đòi ăn mì tôm. Nhìn thấy bát mì tôm là nó reo hò ầm ĩ, trong khi bưng bát cháo tự tay mình hì hụi nấu nướng, pha chế thì nó nhăn mặt và xua tay đi ngay” – tâm sự của chị Phạm Khánh Vân (cư ngụ tại Ba Đình, Hà Nội) có thể coi là nỗi lòng chung của nhiều bà mẹ trẻ hiện nay.

Trước đây, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, Việt Nam là nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều thứ hai thế giới, với tỷ lệ trung bình mỗi người ăn 55 gói mì/năm.

Cụ thể, năm 2013 Việt Nam tiêu thụ 5,2 tỷ gói mì, năm 2014 mức tiêu thụ là 5 tỷ gói và năm 2015 còn 4,8 tỷ gói. 2 năm trở lại đây, Việt Nam đang là quốc gia xếp thứ 4 về tiêu thụ mì trên thế giới sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản.

Mặc dù sức tiêu thụ mì gói ở Việt Nam đã giảm xuống theo xu hướng chung của thế giới, tuy nhiên, mức này vẫn còn khá cao so với nhiều nước. Với nhịp sống bận rộn như hiện nay, việc sử dụng mì gói, mì ăn liền ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí, trở thành món ăn “khoái khẩu” của nhiều gia đình, đặc biệt là lứa tuổi trẻ em.

Đặc biệt, để giành giật từng “cm thị trường”, các hãng mì đã lao vào cuộc đua cho từng thước phim quảng cáo trên truyền hình, họ sẵn sàng bỏ ra chi phí “khủng”, vô cùng đắt đỏ để được phát sóng thường xuyên hơn và tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn. Chi phí cho mỗi giây quảng cáo đồng nghĩa bằng việc các thượng đế đang phải “chi” thêm một khoản tiền không hề nhỏ cho cuộc chiến của… giới chủ mì tôm. Tuy vậy, không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu: quảng cáo chỉ là quảng cáo.

Hầu hết quảng cáo của Hảo Hảo, Komachi, Omachi hay các thương hiệu mì nổi tiếng đều nhấn vào việc ăn ngon, giá rẻ, “mì dai rất thích”, “ăn nghiện luôn”, “công nghệ Nhật Bản giúp pha chế nhanh”, ăn nhanh sau 1 phút 30 giây,…

Cộng với đó, những hình ảnh bắt mắt, khơi dậy mùi thơm hấp dẫn lôi cuốn người xem khiến người tiêu dùng chú ý, thèm muốn được một lần nêm nếm, thưởng thức. Tuyệt nhiên không có quảng cáo nào đả động tới tác hại của việc lạm dụng mì ăn liền.

Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang – người đã đặt nền móng cho marketing và Branding ở Việt Nam: “Chúng ta không nên trông chờ vào đạo đức của các nhà quảng cáo”.

“Truyền thông phải nói rõ về góc nhìn của các chuyên gia, nhà khoa học để nhắc nhở mọi người về tác hại của chất béo bão hòa và những phụ gia có thể còn được sử dụng mà chưa biết – phụ gia không có lợi, có hại trong mì ăn liền.

Đặc biệt là trẻ em có thói quen ăn mì tôm từ nhỏ. Tệ hại là chúng ăn sống hoặc ăn mì mà không chịu ăn cơm. Như vậy là thói quen hư, rất nguy hiểm” – ông Quang nhấn mạnh.

Theo ông Quang: Mì ăn liền là sản phẩm chế biến công nghiệp bằng máy móc, với mức giá rẻ từ 3-4 nghìn đồng thì “làm sao mà dinh dưỡng được!”. Tuy nhiên, trong các quảng cáo luôn có các hình ảnh hấp dẫn người xem như một con tôm thơm ngon, một cái đùi gà béo ngậy hay một miếng thịt thơm nức,…

“Người tiêu dùng cứ bị tưởng lầm, cứ thế bị ám thị. Nghĩ ăn là như thế nên trẻ con ưa thích” – ông Quang nói.

Vị chuyên gia thương hiệu này đề nghị: Luật quảng cáo cần có thêm một số chế tài về việc quảng cáo phóng đại. “Trong quảng cáo mì ăn liền, hình ảnh tô mì có miếng thịt, có con tôm hay cái đùi gà phải không cho phép đăng tải vì trên thực tế, nó không có trong tô mì… Luật quảng cáo phải yêu cầu bỏ những cái đó ra vì quảng cáo sai sự thật vì mì ăn liền chỉ là thực phẩm ăn để chống đói” – ông Quang lưu ý.

Ông phân tích thêm: Các chất béo chuyển hóa tuy độc hại nhưng nó là cái vô hình, chỉ có thể quản lý trong sản xuất, việc cấm quảng cáo là khó.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể quản lý những cái hữu hình – nhìn thấy được như hình ảnh con gà, miếng thịt,… xuất hiện trong tô mì ở quảng cáo. “Quảng cáo như thế là phóng đại, là không trung thực” – ông Quang kết luận.

 Theo chuyên gia thương hiệu, việc đưa hình ảnh miếng thịt gà như này là quảng cáo phóng đại.

Chưa một lần ăn phở gà ăn liền nên trong lần đi siêu thị mới đây tiện tay, anh Vũ Văn Hân đã mua về nhà vài gói. Trong thâm tâm, anh Hân vẫn nghĩ “Phở Gà” chắc phải có ít nhiều chút gà được xé khô, nhưng khi mở gói mì ra để ăn sáng, anh mới “ngã ngửa” người vì ruột bên trong chỉ gọn lỏn 1 gói phở kèm theo 3 túi gia vị nhỏ. Ngạc nhiên, anh xem kỹ trên bao bì thì đúng là có ghi rõ: Thành phần chỉ có “bột thịt gà”, “giả thịt” (đạm đậu nành) chứ không phải là thịt gà thật.

Một chuyên gia trong lĩnh vực Marketing, quảng cáo nhận định, người tiêu dùng rất dễ bị đánh lừa bởi chiến thuật marketing, tiếp thị của một số doanh nghiệp chịu khó đầu tư cho quảng cáo. Người dùng lầm tưởng rằng, quảng cáo rùm beng sản phẩm này tốt, chất lượng và quảng cáo liên tục đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người và do đó, sản phẩm đó giá có cao đi chăng nữa cũng mua và sử dụng.

Thực tế, chất lượng có như quảng cáo hay không thì chỉ có trời mới biết và người tiêu dùng sẽ là người lãnh đủ. Bởi theo các chuyên gia, nếu lạm dụng ăn nhiều mì tôm, mì ăn liền, sản phẩm này sẽ rất độc hại cho sức khỏe người dùng.

Trong thành phần mì ăn liền chủ yếu là bột và rất nhiều chất béo bão hòa, nhất là chất béo chuyển hóa (transfat) do được tạo ra khi chiên trong các loại dầu ăn rồi sấy khô, ăn nhiều nguy cơ gây các bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch,… Đặc biệt, chất béo này gây rối loạn chuyển hóa có khả năng gây ung thư.

Thêm vào đó, mì ăn liền rất mặn, sự dư thừa muối do ăn nhiều cũng dễ nguy cơ cao huyết áp, tim mạch. Ngoài ra, có thể tổn thương chức năng thận và dễ tạo sỏi thận…

Các bác sĩ khuyến cáo rằng: Người tiêu dùng Việt nên ăn mì ăn liền với tốc độ vừa phải, 1 tuần ăn một vài gói thì không sao, ăn nhiều hơn sẽ không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, để đảm bảo đủ dinh dưỡng, các gia đình cần bổ sung thêm thức ăn, chất đạm và rau xanh để ăn cùng với mì tôm.

Dương Phương Ngọc

Theo nguồn http://vietq.vn/