Rau quả trái vụ nên thận trọng

0
1566
image_printIn bài viết

Việc lạm dụng thuốc kích thích, tăng trưởng kể cả thuốc BVTV đã làm cho sâu bệnh trên đồng ruộng kháng thuốc (ảnh mang tính minh họa)

(AGO) – Cho cây ra hoa trái vụ, nông dân phải sử dụng rất nhiều thuốc kích thích, tăng trưởng, kể cả thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Trong bối cảnh hiện nay, việc quản lý các loại thuốc vừa nêu còn nhiều bất cập, nên  việc sử dụng các loại rau, quả trái vụ phải hết sức thận trọng. 

“Thời tiết biến đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển. Cộng vào đó, nông dân muốn sản xuất trái vụ để rau quả bán được giá cao. Vì vậy, phải sử dụng các loại chất kích thích tăng trưởng, kể cả thuốc BVTV với liều lượng vượt mức khuyến cáo. Việc này, về lâu dài đã làm chết hệ sinh vật có lợi trong đất, sâu rầy kháng thuốc, trở nên mạnh hơn. Nông dân khi phun xịt thuốc phải sử dụng một liều lượng rất cao, thời gian cách ly thuốc trước khi thu hoạch không đảm bảo an toàn, từ đó gây nguy hiểm cho người sử dụng, nhất là đối với các loại rau quả trái vụ…” – ông Trần Văn Mai, xã Bình Thạnh (Châu Thành) chia sẻ. Gia đình ông Mai chuyên trồng rẫy (bắp cải, hành lá, khổ qua) để cung cấp cho chợ Long Xuyên.

Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường, ngoài sản xuất vào thời điểm chính vụ (từ tháng 10 đến cuối tháng 12 hàng năm), ông phải sản xuất lưu vụ (trái vụ) trên nền đất cũ để có sản phẩm cung cấp cho thị trường. Cụ thể, nếu sản xuất bắp cải vào thời điểm chính vụ, bắp cải ít sâu bệnh, năng suất lại rất cao; 1 công bắp cải cho sản lượng lên đến 4 tấn/công (1.000 m2). Khi sản xuất vào thời điểm trái vụ (tháng 2, tháng 3), chẳng những sâu bệnh nhiều mà sản lượng cũng chỉ bằng phân nửa vụ mùa chính. “Cây nào thì sâu nấy. Nông dân bây giờ rất sợ sâu, bởi chúng kháng thuốc, phải sử dụng một liều lượng thuốc thật cao; phải liên tục thay đổi thuốc xịt thì mới giết được chúng. Nếu bắp cải có sâu dù (còn gọi là sâu tơ) thì cây hành có sâu da láng; khổ qua có sâu đục trái. Thuốc BVTV bây giờ có quá nhiều loại lưu thông trên thị trường, từ đó nông dân xịt loại này không trị được sâu thì nhanh chóng thay đổi loại thuốc khác. Xịt không đúng thời điểm, không đúng thuốc là nguyên nhân làm cho sâu, bệnh kháng thuốc, phải tốn rất nhiều tiền mà sản phẩm làm ra không an toàn cho người tiêu dùng” – ông Mai, chia sẻ.

Đối với cây ăn trái, để có xoài cát Hòa Lộc bán ra thị trường vào thời điểm mùa mưa (trái vụ), nông dân trồng xoài phải sử dụng các biện pháp cắt nước, hạn chế cho cây tăng trưởng, sau đó kích thích ra hoa, xịt thuốc BVTV để trừ sâu, bệnh.  “Chúng tôi vẫn biết, phun xịt quá nhiều thuốc kích thích, tăng trưởng, phòng trừ sâu bệnh sẽ làm cho sản phẩm làm ra không đảm bảo an toàn cho người sử dụng nhưng không phun xịt thì mùa vụ sẽ khó đạt kết quả như mong muốn…” – ông Phạm Hùng Lẳm, xã Mỹ An (Chợ Mới), chia sẻ.

Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ cây ăn trái ở thời điểm trái vụ có giá, sản phẩm dễ tiêu thụ, cùng với đó là ngành thuốc BVTV phát triển (nhập khẩu nhiều loại thuốc tăng trưởng, kích thích ra bông từ Trung Quốc, Hoa Kỳ và nhiều nước khác), nông dân đã sử dụng các loại thuốc vừa nêu để làm ra các loại rau, quả trái vụ. Ngoài cây xoài, nông dân còn cho cây cam xoàn, chanh, thanh long, ổi, mận… ra hoa trái vụ, vì vậy trên bình diện chung, môi trường tự nhiên đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. “Nếu sản xuất vào thời điểm chính vụ, 1 công hành hoặc khổ qua chỉ tốn từ 1,5 – 2 triệu đồng tiền thuốc trừ sâu. Nếu sản xuất trái vụ thì số tiền mua thuốc BVTV phải tăng gấp đôi. Nếu không phun xịt như vậy thì rau quả sẽ bị sâu bệnh ăn hết…” – ông Nguyễn Đức Phương, xã Bình Thạnh (Châu Thành), chia sẻ.

Ăn rau, quả trái vụ, người tiêu dùng nên thận trọng bởi để có được sản phẩm đẹp, bắt mắt người mua, nhà nông phải phun xịt rất nhiều thuốc BVTV. Hướng đến một nền nông nghiệp sinh học, an toàn để sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng là việc cần làm ngay trong giai đoạn hiện nay.

“Khi ăn các loại rau, quả trái vụ, trước hết người tiêu dùng cần chọn mua ở những nơi có uy tín để đảm bảo chất lượng. Trước khi ăn, cần phải rửa thật sạch. Thông thường, người ta dùng nước rửa rau hoặc ngâm rau quả vào nước muối. Về lâu dài, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của nông dân, khuyến khích người trồng áp dụng phương pháp “4 đúng” trong quá trình canh tác để sản phẩm được an toàn hơn. Bên cạnh đó, cần kiểm soát thật chặt các loại thuốc BVTV nằm trong danh mục cấm…” – BS. CKI Nguyễn Chí Công, Giám đốc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, khuyến cáo.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Theo http://www.baoangiang.com.vn/