Sản xuất đường thốt nốt chất lượng

0
2511
image_printIn bài viết

Đường thốt nốt trở thành sản phẩm lợi thế đặc sản của vùng Bảy Núi

(AGO) – Cây thốt nốt đã gắn liền với vùng đất An Giang qua bao đời nay và trở thành nét đặc trưng của vùng Bảy Núi. Cây thốt nốt có thể dùng để cất nhà, làm ra nhiều sản phẩm mỹ nghệ, nổi bật hơn hết là chế biến nước thốt nốt ra loại đường thơm ngon, bổ dưỡng.

duong-thot-not-1.jpg

Toàn vùng Bảy Núi có khoảng 65.000 cây thốt nốt, tập trung ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, chủ yếu do đồng bào Khmer đứng ra thu hoạch nước và chế biến, mỗi năm xuất ra thị trường gần 6.000 tấn đường. Khi những cơn mưa cuối mùa dứt hạt cũng là thời điểm bà con chuẩn bị dụng cụ: Cây đài leo, nồi, bếp, trấu, lá rừng… sẵn sàng cho một mùa đường mới. Thời vụ khai thác nước và nấu đường thốt nốt khoảng 6 tháng, nếu mùa khô kéo dài thì có thể thu hoạch thêm 2 tháng nữa. Đường thốt nốt có 2 loại là đường tán tròn (được gói bằng lá thốt nốt) và đường đặc đựng trong keo nhựa.

Theo nhiều bậc cao niên ở địa phương, cây thốt nốt trồng khoảng 10 năm là có thể lấy được nước, tuy nhiên trữ lượng đường ít và chỉ cho bông ở tầm 3, 4 tháng. Thốt nốt có tuổi thọ rất cao, cây càng già càng cho nhiều nước và có trữ lượng đường cao, sản lượng mỗi năm lại tăng thêm. “Cây thốt nốt khoảng 30-40 năm tuổi thì bông nhiều, hầu như ra bông quanh năm nên lấy nước nhiều, nhờ vậy đường nấu cũng được nhiều hơn. Tháng 11, 12 âm lịch đường nấu ra ngon và thơm nhất vì đây là thời điểm nắng ít, nước không bị bọt. Người dân Khmer ở đây gắn với nghề làm đường thốt nốt này lâu lắm rồi, từ thời cha ông, đây cũng là nghề nuôi sống nhiều gia đình…”- ông Chau Rương (xã Châu Lăng, Tri Tôn) phân tích.

Hiện nay, việc khai thác và chế biến đường thốt nốt không chỉ dừng lại là công việc truyền thống của bà con dân tộc Khmer, mà phải khẳng định là xây dựng sản phẩm thế mạnh và đặc trưng của vùng Bảy Núi. Nắm bắt được nhu cầu đó, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức tập huấn, chuyển giao phương pháp khai thác nước và chế biến đường thốt nốt theo kỹ thuật mới tại Tri Tôn và Tịnh Biên. Hàng trăm nông dân Khmer ở các xã: An Phú, Nhơn Hưng (Tịnh Biên) và Núi Tô, Châu Lăng (Tri Tôn) được tập huấn kỹ thuật khai thác nước, chế biến và sản xuất đường thốt nốt đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh thực phẩm. Sau đó, thành lập 4 tổ hợp tác sản xuất để hỗ trợ vốn và hướng dẫn cách thức làm ăn cho bà con.

Anh Phan Thành Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Lăng (Tri Tôn) cho biết, bên cạnh được tập huấn về kỹ thuật khai thác và chế biến đường thốt nốt chất lượng cao, nông dân địa phương còn được hỗ trợ trên 3 triệu đồng/hộ để trang bị các dụng cụ khai thác và nấu đường. Thông qua lớp tập huấn giúp người dân nhận thức rõ hơn về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không vì mục đích lợi nhuận mà bỏ thêm hóa chất khi chế biến đường. “Khi Tổ hợp tác phát triển mạnh sẽ tạo lợi thế cho bà con, vì khi đó sản phẩm đường nấu ra sẽ có thương hiệu, gây được ấn tượng tốt với người tiêu dùng. Đặc biệt, người dân sẽ có thu nhập ổn định hơn khi không bị thương lái ép giá”- anh Thanh giải thích.

Thuê 40 cây thốt nốt, chị Néang Sóc Pon (xã Châu Lăng, Tri Tôn) thu được 100 lít nước, khoảng 20kg đường/ngày. Chị Néang Sóc Pon vẫn giữ cách làm truyền thống, khi sử dụng vỏ cây sến để bảo quản nước không bị hư hỏng và tạo ra sản phẩm đường an toàn. Giá đường hiện tại chỉ ở khoảng 16.000 – 18.000 đồng/kg, nhưng đường của chị Néang Sóc Pon bán giá 26.000 đồng/kg vẫn được khách hàng ưa chuộng và đặt hàng. “Biết mình không sử dụng hóa chất trong quá trình chế biến đường nên nhiều thương lái từ chợ Tri Tôn, TP. Long Xuyên đến đây tìm mua. Đây là nghề truyền thống của bà con mình trước nay, giờ học được các quy trình khai thác, chế biến đường nên khách hàng cứ yên tâm về chất lượng…”- chị Néang Sóc Pon chia sẻ.

Bài, ảnh: ÁNH NGUYÊN

Theo http://www.baoangiang.com.vn/