Thanh tra an toàn thực phẩm: Không có chuyện “ngồi chơi lãnh lương”

0
2467
image_printIn bài viết

(Tuyên chiến với thực phẩm bẩn) – Công tác thanh tra ATTP không có chuyện “đánh trống bỏ dùi”, hay “phạt cho có”.

Sau khi thực hiện bài viết Thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm (ATTP:) Thiếu người, yếu chuyên môn (báo Phụ Nữ ngày 15/4/2016), Đường dây nóng Tuyên chiến với thực phẩm độc hại của chúng tôi đã liên tục nhận những cuộc gọi phản hồi về vấn đề này. Nhiều bạn đọc bức xúc cho rằng việc thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay là do các đơn vị chuyên trách “ngồi chơi xơi nước”, chưa làm tròn vai trò. Tuy nhiên, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM khẳng định, công tác thanh tra ATTP không có chuyện “đánh trống bỏ dùi”, hay “phạt cho có”.

Thanh tra an toan thuc pham: Khong co chuyen
Việc thành lập triển khai thanh tra ATTP là cần thiết

PV: Được biết, sau hơn ba tháng thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP, kết quả làm việc của cơ quan này hết sức “khiêm tốn”. Có ý kiến cho rằng, thanh tra chuyên trách ATTP lập ra để “phạt cho tồn tại”, để lãnh lương, còn người dân thì vẫn đang phải ăn bẩn, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa: Ngay sau khi có Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg về việc triển khai công tác thanh tra chuyên ngành ATTP, TP.HCM đã nhanh chóng thực hiện. Chúng tôi đã triển khai thí điểm tại 10 phường, thuộc năm quận huyện (ba quận nội thành và hai huyện ngoại thành). Nhưng so với thực tế hiện nay thì lực lượng này như muối bỏ biển, bởi số cơ sở, số người hành nghề liên quan đến thực phẩm rất lớn, mỗi phường có cả ngàn cơ sở, không thể kiểm tra xuể.

Nếu nghĩ thanh tra chuyên trách “ngồi không ăn lương” thì chưa công bằng. Chúng ta đang trong giai đoạn thí điểm, vừa làm vừa điều chỉnh. Lực lượng thanh tra cơ sở lại là công chức, nhân viên kiêm nhiệm nên công tác tập huấn, triển khai gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, vì là thí điểm nên hoạt động này đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế như quy trình, phương pháp thanh tra còn quá nhiêu khê: lên kế hoạch, phê duyệt kế hoạch, thông báo ra quyết định, thanh tra rồi báo cáo kết quả. Tiếp đó là ra quyết định xử lý, kết luận thanh tra, trình phê duyệt… Vì vậy, kết quả chưa được như mong muốn.

Tuy vậy, cần thấy rõ, tại TP.HCM, nhân viên nhiều quán ăn đã được khám sức khỏe, đeo găng tay khi chế biến thực phẩm, có bồn rửa tay cho khách. Tại một số chợ, nhiều quầy bán thịt trước đây bày thịt tràn lan trên bàn, sạp, nay họ dùng móc treo, thay sạp gỗ bằng sạp inox…

Nói “phạt cho tồn tại”, phạt như “gãi ngứa” là chưa đúng. Theo tôi, quan trọng là xử phạt thế nào để vừa có tính răn đe, vừa mang tính tuyên truyền. Việc xử phạt những người kinh doanh nhỏ lẻ đã khó, với những người bán hàng rong thì càng khó hơn.

* Tại cuộc họp ngày 13/4/2016, ngành ATTP TP.HCM đã tìm ra những vấn đề gì đang gây “khó dễ” cho mình?

– Như tôi đã nói, do mới triển khai thí điểm, nên cần có thời gian mới đánh giá đầy đủ được. Ví dụ, hồ sơ thủ tục, quy trình thanh tra còn rườm rà, chúng tôi kiến nghị và Thanh tra Bộ Y tế đã soạn thảo quy trình thanh tra theo hướng đơn giản hơn. Để làm tốt công tác này, chính quyền địa phương phải bố trí, điều phối lực lượng cho phù hợp. Về cơ cấu đoàn thanh tra, phải có lãnh đạo của UBND quận, phường làm trưởng đoàn mới đủ “mạnh”.

* Thanh tra mà lên kế hoạch rồi thông báo kế hoạch thì khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”. Có người lo ngại, khi giao quyền xử phạt cho thanh tra địa phương thì có thể xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, bảo kê, thiên vị…

– Theo quy định, khi thanh tra là phải có kế hoạch, có thông báo. Và như vậy thì… coi như “lộ”, báo cho người ta đối phó… nhưng xử phạt không phải là mục đích duy nhất, mà quan trọng là tuyên truyền, ít ra mình cũng làm cho người ta ý thức được việc làm của họ.

Việc giao quyền lực và việc xử phạt có thể phát sinh tiêu cực, lạm quyền, bảo kê, ưu ái chỗ này, làm khó chỗ khác, tôi nghĩ là có. Nhưng nó không mang tính đại diện. Đã giao quyền cho lực lượng thanh tra thì phải tin họ chứ. Chưa kể, sẽ có giám sát sau thanh tra. Hiện nay chi cục, sở, quận huyện đều có đường dây nóng, người dân có thể phản ánh ngay nếu thấy bất minh anh nào làm sai sẽ bị xử lý theo quy định.

* Các cơ sở cho rằng họ thiếu dụng cụ test nhanh thực phẩm, gặp khó khăn khi xử lý. Ý kiến của ông về vấn đề này?

– Test nhanh chỉ là một khâu trong các bước thanh tra. Cái cần làm hiện nay là “đánh” vào những tiêu chí có thể nhìn thấy ngay như điều kiện kinh doanh, nguồn gốc thực phẩm, điều kiện về con người… Nói như vậy, không có nghĩa là lơ là chuyện xét nghiệm, mà vẫn nỗ lực khắc phục và điều chỉnh bằng phương án khác như nâng cao giám sát chuỗi cung cấp thực phẩm, quy trình sản xuất, chế biến, kinh doanh… Việc test nhanh sẽ chỉ mang tính hậu kiểm.

* Có nên “dẹp” việc thí điểm này không, thưa ông?

– Theo tôi, việc thành lập, triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP là hết sức cần thiết và phù hợp cho bối cảnh hiện nay. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nhanh thì tốt, nhưng với những vấn đề đã ăn sâu và tồn tại quá lâu, sẽ rất khó thay đổi ngay trong ngày một ngày hai. Không phải ngẫu nhiên mà kế hoạch thí điểm lại cho kéo dài một năm. Khi kết thúc, sẽ điều chỉnh và triển khai cho phù hợp.

* Cảm ơn ông!

Tính đến 21/3/2016, thanh tra ATTP đã tiến hành thanh tra 251 đợt (tuyến quận: 69; tuyến phường: 182), phát hiện 47 cơ sở vi phạm (tuyến quận: 23, tuyến phường: 24). Thanh tra ATTP đã phạt 36 cơ sở với tổng số tiền phạt 53.350.000 đồng; 11 cơ sở đang tiến hành xử lý. Trong đó, tuyến quận xử phạt 12 cơ sở với số tiền phạt 126.150.000đ.

Tiến Đạt (thực hiện)

Theo nguồn http://www.phunuonline.com.vn