Thay đổi nhận thức vì cộng đồng

0
1929
image_printIn bài viết

(AGO) – Trồng rau cho mình ăn thì không xịt thuốc sâu, thuốc tăng trưởng, còn sản xuất rau để bán cho người khác ăn thì xịt thuốc vô tư. Nhận thức này đã đến lúc cần phải thay đổi để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, cũng là bảo vệ “chén cơm” của chính người nông dân.

Từ thực tế…

Trở lại các vùng chuyên canh rau màu, vùng trồng lúa, nếp đặc sản trên địa bàn tỉnh trong những ngày cả nước đang “nói không với thực phẩm bẩn”, điều ghi nhận đầu tiên của chúng tôi là vẫn còn nhiều hộ sản xuất rau màu, trồng lúa, cây ăn trái vì lợi nhuận đã bất chấp những khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Không biết “sáng kiến” của ai, nhiều nông dân đã chỉ nhau phun thuốc diệt cỏ trên bông lúa sắp thu hoạch để hạt lúa ngậm nước, cân cho nặng. Một số nông dân khác trồng rau màu trên nền đất bị nhiễm độc, trị bệnh ngoài da cho cá điêu hồng bằng cách treo chai thuốc trừ sâu ở đầu bè, trồng rau muống sử dụng thuốc tăng tưởng không rõ nguồn gốc để cho rau có lá to, dài, đẹp…

T7-1.jpg

Cách ly phân, thuốc trước khi thu hoạch từ 5 – 7 ngày là góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Gia đình ông N.V.T là một hộ chuyên canh rau ở xã Bình Thạnh (Châu Thành).  Ông T. canh tác 4 công rẫy, gồm 2 công khổ qua và 2 công dưa leo. Đây là loại đồ rẫy thu hoạch mỗi ngày. Để có trái to, đẹp,  hấp dẫn bạn hàng, ông đã sử dụng một cách “vô tội vạ” các loại thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng không rõ nguồn gốc trên những công rẫy của mình. “Do mỗi ngày đều thu hoạch, nếu không phun xịt hàng ngày thì năng suất sẽ thấp, trái không đẹp, buộc lòng nhà nông mỗi ngày sau khi thu hoạch, phải xịt ngay thuốc dưỡng, thuốc tăng trọng. Nếu rẫy có sâu thì xịt thuốc trừ sâu để điều trị. Trước đây, thuốc Padan, Gadiant, mỗi bình xịt chỉ pha 1 gói, sâu đã chết thì nay phải pha lên đến 2-3 gói mới trừ được sâu. Người tiêu dùng trước khi ăn sản phẩm này, chỉ cần luộc hoặc ngâm nước muối là ăn được” – ông T. giải thích.

Suy nghĩ của ông T. là “lợi mình nhưng hại người”, vậy mà ông vẫn biện minh rằng “luộc lên là ăn được” hoặc “ngâm nước muối trước khi ăn”. Thời gian qua, các ngành chức năng như Chi cục Nông lâm sản và Thủy sản, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh đã vào cuộc, xử phạt rất nhiều trường hợp. Mỗi cơ quan xử phạt trên 500 triệu đồng đối với những trường hợp bị phát hiện. Tuy nhiên, số vụ chưa phát hiện vẫn còn rất lớn, cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn.

…đến giải pháp

Trong công đoạn bảo quản, kinh doanh, vì ham lợi nhuận, tiểu thương ở các chợ quê đã lấy chất vàng ô để ngâm cho măng tre có màu sáng, dễ bán hoặc phết lên con gà để tạo màu vàng nhằm hấp dẫn người tiêu dùng. Đây là chất cực độc, được sử dụng để nhuộm trong ngành công nghiệp vải sợi. Chất này khi ngấm vào cơ thể có thể gây bệnh ung thư và nhiều loại bệnh khó chữa khác. “Giải pháp cho vấn đề này thì có rất nhiều nhưng trước mắt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người sản xuất, người tiêu dùng hiểu đúng, hiểu một cách đầy đủ tác hại của việc sử dụng các loại hóa chất cấm trong sản xuất- kinh doanh, tiêu dùng để qua đó nâng cao ý thức cộng đồng. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và xử phạt thật nặng để mang tính răn đe. Khi phát hiện những hành vi trái pháp luật của các cơ sở sản xuất, chế biến, Nhân dân cần mạnh dạn tố giác, hợp tác cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn” – bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Chí Công, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, kêu gọi.

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để quản lý tốt hơn nữa những loại chất cấm như chất tạo nạc (salbutanol) trong chăn nuôi heo ngay từ khâu nhập khẩu đến lưu thông phân phối. Phải biết được ai là người nhập, sử dụng vào mục đích gì, số lượng bao nhiêu để có cách quản lý. Cần tăng hình phạt thật nặng đối với những người đã cố tình sử dụng các loại chất cấm để tạo lợi nhuận cho riêng mình mà hại người khác. Từ người sản xuất- kinh doanh đến tiêu dùng cần thay đổi nhận thức, tư duy và “nói không với thực phẩm bẩn” để chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

“Phần lớn các cơ sở nuôi trồng thủy sản đều sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh cho vật nuôi. Trồng trọt thì sử dụng thuốc trừ sâu để phòng trị sâu bệnh. Cá biệt có những hộ sử dụng thuốc kích thích, thuốc tăng trưởng để sản phẩm được to, đẹp, bắt mắt người tiêu dùng. Những chất này, khi sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt mà không đúng cách, đúng liều thì rất nguy hiểm. Vì vậy, người sản xuất cần phải đảm bảo thời gian cách ly để các chất này không còn tồn trữ trên sản phẩm trước khi mang ra chợ bán” – ông Nguyễn Chí Công khuyến cáo.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Theo nguồn http://www.baoangiang.com.vn