Thị xã Tân Châu quyết liệt chống thực phẩm bẩn

0
2522
image_printIn bài viết

(Cổng TTĐT An Giang) – Trong thời gian qua, thị xã Tân Châu đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn. Như sáng ngày 4/5/2016, đoàn đã phát hiện nhiều cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm và tiến hành tiêu hủy 140 kg tim heo không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối tại cơ sở kinh doanh thịt gia súc.

Trước đó không lâu, Đoàn đã phát hiện và tiêu hủy hơn 420 kg da heo đông lạnh không có nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm đã đổi màu và bốc mùi hôi thối. Đoàn đang lập hồ sơ và xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đó, có thể thấy ngành chức năng của thị xã Tân Châu đang quyết liệt chống thực phẩm không an toàn cho sức khỏe của người dân trên địa bàn thị xã.

 Thị xã có một Tổ hợp tác sản xuất rau theo hướng an toàn được thành lập theo Quyết định số 49 của UBND xã Long An. Khởi đầu với diện tích nông dân đăng ký tham gia đạt 5 ha có 22 hộ tham gia, tại ấp Tân Hậu B2, xã Long An. Phòng Kinh tế thị xã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật thị xã và UBND xã Long An hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Tổ hợp tác đăng ký chứng nhận vùng trồng trọt đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Hướng tới mô hình sản xuất rau an toàn và bền vững, tạo nguồn cung cấp rau an toàn tại chổ cho người tiêu dùng trên địa bàn thị xã. Ngoài ra, một số ứng dụng về đổi mới thiết bị khoa học công nghệ trong sản xuất giống rau màu đã được người dân thực hiện như mô hình nhà màng dùng ươm giống tại xã Phú Vĩnh có 1 hộ diện tích 0,7 ha và phường Long Châu có 1 hộ, diện tích 0,2 ha. Là nguồn cung cấp cây giống khỏe, sạch bệnh góp phần giúp người dân giảm sử dụng lượng phân bón, thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác. Mô hình nhà lưới giá rẻ trồng rau ăn lá: 2 mô hình nhà lưới giá rẻ tại ấp Vĩnh Lợi I, xã Châu Phong diện tích 0,12 ha/2 hộ.

Thị xã Tân Châu cũng như các địa phương khác, rau màu bày bán ngoài chợ có rất nhiều chủng loại, có nguồn gốc từ địa phương hoặc được nhập từ nhiều nơi để bán phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng. Thị xã cũng gặp một số khó khăn như phần lớn hệ thống phân phối rau màu còn thông qua thương lái cấp 1, cấp 2 trước khi đến tay người tiêu dùng do đó rất khó để truy xuất nguồn gốc và kiểm tra chất lượng. Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trên sản phẩm rau màu còn gặp rất nhiều khó khăn, các chỉ tiêu phân tích hàm lượng nitrat, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không thể test tại chỗ phải gửi mẫu về tỉnh xét nghiệm và phải đợi kết quả phân tích từ 7 đến10 ngày mới có kết quả trong khi rau màu chỉ bán và tiêu thụ trong ngày. Do đó, định hướng của địa phương trong thời gian tới sẽ xây dựng hệ thống cửa hàng kinh doanh và tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn thị xã Tân Châu. Thành lập chợ nông sản an toàn, có thể chủ động kiểm tra và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, thành lập vùng trồng trọt đủ điều kiện ATTP có hợp đồng sản xuất, vừa tạo sự ổn định cho người sản xuất vừa kiểm soát được nguồn rau màu bán cho người tiêu dùng.

Trước thực trạng khó khăn trong công tác quản lý rau màu cũng như các sản phẩm chế biến từ thịt thì sự vào cuộc của ngành y tế để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng trên địa bàn thị xã được triển khai và thực hiện quyết liệt. Trong thời gian qua, ngành y tế thị xã đã tham mưu UBND thị xã kiểm soát, hướng dẫn những quy trình cho tất cả doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Nếu cơ sở nào có yêu cầu ngành y tế sẵn sàng hướng dẫn cặn kẽ. Về vấn đề tổ chức phối hợp ngành y tế chỉ quản lý một số mặt hàng, bên ngành nông nghiệp thực hiện một số mặt hàng từ chăn nuôi cho tới giết mổ tới đóng gói. Muốn được sản phẩm sạch đầu tiên là sản xuất phải vận động nông dân, doanh nghiệp nuôi trồng đảm bảo an toàn thực phẩm. Mà muốn vận động phải nâng cao ý thức phải giải thích về khái niệm sản phẩm an toàn, chất nào thuộc về chất cấm, tại sao cấm… Bởi vì nông dân nuôi nhận định đạt hiệu quả cao ví dụ như chất tạo nạc là chất cấm nhưng mà nông dân không hiểu tại sao là chất cấm. Ngành chức năng giải thích chất cấm đó ảnh hưởng đến sức khỏe của con người để người dân hiểu và không sử dụng chất cấm. Do đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân là quan trọng nhất để nâng cao dần ý thức của gười dân, người dân sẽ ủng hộ cho các cấp chính quyền thực hiện tốt an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế thị xã tham mưu cho UBND thị xã xây dựng Kế hoạch Phát triển rau màu an toàn có kết nối vùng nguyên liệu với tiểu thương và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thị xã Tân Châu giai đoạn năm 2016 – 2018 và định hướng đến năm 2020 với mục tiêu phát triển ngành sản xuất rau màu theo hướng bền vững, có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Phòng Kinh tế thị xã cùng các ban, ngành chuyên môn Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân thị xã, Trường dạy nghề giúp cho người dân tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ cho các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh như hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho nông dân qua lớp dạy nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính Phủ, hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ theo Quyết định số 538của UBND tỉnh An Giang. Ngoài ra, hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp lãi suất thấp tổng vốn hỗ trợ trên 600 triệu đồng thông qua Dự án “Trồng rau an toàn”. Có thể thấy, ngành chức năng của thị xã rất quan tâm đến vùng sản xuất rau màu an toàn.

Bác sĩ Nguyễn Phước Hải – Trưởng phòng y tế thị xã – Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm thị xã nhận định: Thực trạng thực phẩm và vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay đối với sức khỏe của người tiêu dùng trên địa bàn thị xã đang thực hiện tốt. Những vụ việc vừa xảy ra vừa qua do đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, phát hiện khá phức tạp. Tình hình, diễn biến âm ỉ, nhất là các sản phẩm từ thịt và rau do dư luận rất quan tâm. Về vấn đề thịt – mặt hàng hầu như chủ lực ngày nào gia đình cũng sử dụng, thịt cá không đảm bảo do đó nhu cầu cung cấp đạm cho cơ thể con người không đảm bảo. Chính Vì thế việc quản lý từ khi chăn nuôi cần được quan tâm hàng đầu. Thị xã Tân Châu có một số mặt hàng liên quan đến thịt heo như lòng, ruột vận chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh về tiêu thụ tại thị xã không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng đã tiêu hủy. Ngoài ra, bảo quản không đúng quy trình như sản xuất bì mà mua da mỡ bảo quản không đủ độ đông dẫn tới là thịt hôi thúi, buộc phải tiêu hủy. Sản phẩm rau đang được tuyên truyền, vận động nhân dân hình thành những vùng trồng rau sạch, sử dụng sản phẩm sạch, kinh doanh sản phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, đảm bảo cho người dân. Ngành y tế phối hợp với ngành liên quan phát hiện những tiêu cực để kịp thời đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.

Vấn đề an toàn thực phẩm được Thị ủy, UBND thị xã xác định đây là vấn đề mang nhiều phức tạp nó không thể làm 1 ngày 1 bữa. Do đó, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm thị xã kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm thị xã, phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong ban chỉ đạo phụ trách tuyên truyền trong từng ngành. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở, nâng cao kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến thực phẩm. Thanh, kiểm tra ở định kỳ vào các dịp lễ, Tết Nguyên đán, tháng an toàn thực phẩm…  duy trì những cơ sở sản xuất thực phẩm sạch phục vụ cho nhân dân. Đồng thời, tiêu hủy những sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Như vậy mới đảm bảo thực phẩm an toàn phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân trong cộng đồng. Những hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành thị xã đã góp phần lớn vào công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn.

Cùng với ngành y tế thị xã trong thời gian tới, để cung cấp nguồn rau sạch cho người dân trên địa bàn thị xã, phòng kinh tế thị xã đã có những giải pháp để đưa rau sạch đến bếp ăn của từng gia đình như hoàn thành thủ tục xin chứng nhận vùng trồng trọt đủ điều kiện An toàn thực phẩm cho Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Long An. Phấn đấu đến năm 2017, có 1 điểm sơ chế rau an toàn trên địa bàn thị xã. Hỗ trợ kết nối giữa công ty với Tổ sản xuất rau an toàn thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với một số loại rau, quả có tiềm năng tiêu thụ cao. Dự kiến trong năm 2016, có ít nhất 1 cửa hàng phân phối rau an toàn, tới năm 2017 có 3 điểm bán rau an toàn tại chợ Tân Châu và các chợ phường, xã. Hỗ trợ các hộ kinh doanh nông sản an toàn xác định nhu cầu tiêu thụ rau an toàn tại các chợ, nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học, nhà trẻ, công nhân các công ty, xí nghiệp. Từ đó, xây dựng đơn hàng sản xuất liên kết từ khâu sản xuất – phân phối – tiêu thụ. Tăng cường công tác tuyên truyền qua đài phát thanh, đưa sản phẩm rau an toàn đến với mọi bếp ăn gia đình. Hỗ trợ người sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rau an toàn tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh như Quyết định 567về Ban hành Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 1432 về Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch vùng sản xuất rau, màu ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2015 – 2016.

Sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh An Giang và UBND thị xã cùng các ngành chức năng của thị xã nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh, đồng thời thể hiện sự quyết tâm trong giải quyết vấn đề thực phẩm bẩn trong thời gian tới.

Lương Tuyết
Theo nguồn http://angiang.gov.vn/