Thịt heo bẩn đang “tấn công” người tiêu dùng

0
2013
image_printIn bài viết

Nhiều con heo được đem đi tiêu thụ đều dương tính với chất cấm thuộc nhóm beta-agonist, một loại thuốc tạo nạc vượt gấp vài trăm lần mức cho phép.

Trong hai tháng gần đây, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương liên tục phát hiện những thịt heo nhiễm vi sinh, heo chuẩn bị giết mổ bị tiêm thuốc an thần, chất tạo nạc vướt mức hàng trăm lần…
Heo tiêm thuốc an thần, chất tạo nạc
Cuối tháng 3-2016, đoàn liên ngành gồm Chi cục Thú y, Chăn nuôi và Thủy sản Bình Dương kiểm tra trại nuôi heo của ông Lê Long Hồ và ông Lương Văn Dũng (cùng ngụ phường Bình Nhâm, thị xã Thuận An).
Qua kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả hai trại nuôi heo, trong đó có hơn 200 con heo chuẩn bị xuất chuồng đều dương tính với chất cấm thuộc nhóm beta-agonist, một loại thuốc tạo nạc vượt gấp vài trăm lần mức cho phép.
Con-heo-1-QJXH.jpg
Hàng trăm con heo bị tiêm thuốc an thần và bơm nước trước khi giết mổ
Cơ quan chức năng đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức cao nhất, mỗi hộ bị phạt 20 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng yêu cầu chủ trại heo phải làm cam kết tạm giữ đàn heo có mẫu xét nghiệm dương tính với chất cấm để đoàn liên ngành sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm sau 10 ngày, các hộ chỉ được xuất bán khi kết quả xét nghiệm âm tính.
Chiều 23-3, Phòng CSĐT tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bình Dương, phối hợp Chi cục Thú y, Chăn nuôi và Thủy sản Bình Dương đã bất ngờ kiểm tra trại nuôi nhốt heo của ông Trần Quốc Thái (33 tuổi, quê Bến Tre) có địa chỉ tại khu phố An Hòa (thuộc phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát). Tại thời điểm kiểm tra, có sáu công nhân của cơ sở nuôi nhốt heo này đang tiêm thuốc an thần nhãn hiệu Prozil fort cho hàng chục con heo và dùng vòi bơm nước vào miệng heo.
Trên 200 con heo đang nằm ngủ li bì sau khi được các công nhân tiêm thuốc an thần. Lực lượng chức năng thu giữ được 44 vỏ chai thuốc nhãn hiệu Prozil fort đã sử dụng hết, 4 chai đang sử dụng dở và một bơm kim tiêm, 32 xô nước có gắn vòi.
Con-heo-2-NSQM.jpg
Thuốc an thần được tim vào heo trước khi giết mổ
Chủ cơ sở khai nhận mỗi ngày cơ sở này vận chuyển khoảng 300 con heo từ Bến Tre lên tập kết để bơm nước và tiêm thuốc an thần cho heo trước khi vận chuyển xuống lò mổ ở quận Bình Thạnh (TP HCM) để giết thịt và tiêu thụ.
Rạng sáng 2-4, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Trạm thú y thị xã Thuận An (Bình Dương) kiểm tra và bắt quả tang hai cơ sở giết mổ heo trái phép tại khu phố Bình Quới A (phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An).
Tại lò mổ của ông Nguyễn Văn Hà, cơ quan chức năng phát hiện hộ ông hà đang giết mổ 2 con heo với trọng lượng 190 kg, trong chuồng con 5 con heo đang chờ để giết mổ. Tại hiện trường cơ quan chức năng còn thu giữ một mộc lăn kiểm dịch giả, cây chích điện và nhiều dụng cụ dùng để giết mổ.
Tiếp tục kiểm tra lò mổ đình ông Đặng Văn Tuế, cơ quan công an cũng phát hiện hộ này đang giết mổ hai con heo với trọng lượng 170 kg, trong chuồng con 15 con heo đang chờ để giết mổ. Được biết, hộ ông Tuế trước đó đã bị cơ quan chức năng lập biên biên bản xử lý 3 lần về hành vi này, nhưng vẫn tiếp tục tái phạm.
Dùng chất cấm bị phạt tù đến 20 năm
Ông Trần Hà Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Chăn nuôi và Thủy sản Bình Dương cho biết, các trại heo dùng chất cấm vượt mức cao nhất từ trước đến nay, hay kinh doanh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì mức phạt cao nhất cũng 20 triệu đồng. Vì vậy nhiều hộ gia đình vì lợi nhận mà “nhờn”.
“Mặc dù ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhưng thịt heo trên thị trường được nhập từ nhiều nguồn khác nhau nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hiện nay, những trường hợp vi phạm thì chỉ mới dừng ở mức xử phạt hành chính, chưa có trường hợp đóng cửa, rút giấy phép kinh doanh cơ sở dùng chất cấm nên chưa đủ sức răn đe…”, ông Hải khẳng định.
Con-heo-3-JXRN.jpg
Thịt heo trong lò mổ lậu không đảm bảo vệ sinh
Theo ông Hải, từ ngày 1-7 tới, Bộ Luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực, theo đó áp dụng mức phạt rất nặng cho các đối tượng, cơ sở vi phạm chất cấm. Đối tượng sản xuất, kinh doanh chất cấm có thể bị phạt 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt tù 1-5 năm; vận chuyển chất cấm bị phạt 200 triệu đồng, phạt tù 1-5 năm; sử dụng chất cấm bị phạt 200-500 triệu đồng, phạt tù 1-5 năm; nếu có tình tiết tăng nặng có thể phạt đến 20 năm tù.
Trong 3 tháng đầu năm 2016, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương còn tổ chức kiểm tra thường xuyên đối với các cơ sở chăn nuôi heo và cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh bằng phương pháp thử nước tiểu heo, sau đó gửi Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương 2 (TP HCM) đối với những mẫu nghi dương tính muốn kiểm tra định lượng.
Kết quả cho thấy, số trường hợp cơ sở chăn nuôi heo có sử dụng chất cấm vẫn đang ở mức cao, chiếm tỷ lệ 17,39% tổng số cơ sở được kiểm tra.
Theo MINH ANH (VOV)
Theo nguồn http://baoangiang.com.vn