Thức ăn đường phố trong cơn bão “lắc”

0
4787
image_printIn bài viết
(Tuyên chiến với thực phẩm bẩn) – Gần đây, trên vỉa hè, dưới lòng đường nhiều tuyến phố ở TP. HCM xuất hiện những xe, gánh xoài lắc, bánh tráng lắc, khoai lắc…

Hầu hết những thứ “lắc” này đều chế biến khá mất vệ sinh, nguyên liệu để lắc nhập nhằng nguồn gốc, chất lượng không rõ ràng.

Xoài lắc ướp… mồ hôi tay, bụi đường, nước bẩn

16g30, trên vỉa hè trước Trường THCS Minh Đức, đường Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM), hàng chục “gian hàng di động” cung cấp đủ loại thức ăn vặt đã sẵn sàng để phục vụ các thực khách học trò. Riêng xoài lắc có đến ba “gian hàng”, phương tiện hành nghề rất đơn giản: một thùng đựng xoài cắt sẵn kê trên ghế đẩu, hàng chục ly nhựa chứa đầy xoài không nắ p đậy đặt trên mặt thùng; thùng nước rửa xoài đã ngả màu đặt dưới đất, một cái mâm kê phía sau thùng xoài đặt hũ chứa các gia vị (muối, ớt, đường, mắm, khô bò xé sợi, ruốc sấy màu đỏ quạch…). Sau chỗ ngồi của người bán, vỏ xoài, bao ni lông, ly nhựa… bỏ thành đống, thu hút vô số kiến, ruồi.

Tan học, từng tốp học sinh túa ra, nhanh chóng sà vào các “gian hàng” này. Xoài lắc, khoai lắc, trà sữa, bánh tráng trộn, hàng nào cũng được các em vây quanh. Người bán xoài dùng đôi găng tay ni lông nhàu nhĩ, nhuốm màu loang lổ để bốc xoài cho vào hũ nhựa, nhưng cũng chính bàn tay có đeo găng nhận tiền, xới tiền trong túi để thối lại cho người mua. Người bán còn có một chiếc khăn xám xịt, vừa để lau quanh miệng dụng cụ lắc, lau tay và lau cả nước mắm, đường, ruốc… rơi vãi trên mâm.

 Thuc an duong pho trong con bao
Những hũ gia vị dùng chế biến xoài Những hũ gia vị dùng chế biến xoài Những hũ gia vị dùng chế biến xoài

Địa điểm buôn bán yêu thích của các “gian hàng lắc di động” là vỉa hè, trước cổng các trường học, khách hàng mục tiêu là học sinh, sinh viên. Cứ khoảng 16g, dọc các đường Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương, Nguyễn Trãi, khu vực các trường chuyên Lê Hồng Phong, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Sư phạm, ĐH Sài Gòn… hàng chục gánh – xe trái cây lắc lại xuất hiện.

Không chỉ xoài mà cả cóc, sơ ri, me… cũng đều được lắc. Trên một xe trước Trường ĐH Sài Gòn có năm khay thủy tinh chứa đầy me, xoài, cóc… không nắp đậy. Xe cộ qua lại, bao nhiêu khói, bụi, thậm chí nước bẩn từ mặt đường bắn lên các khay trái cây. Gia vị được pha sẵn trong hũ nhựa lớn, bột ớt, đường, nước mắm bám đầy miệng hũ nhớp nháp.

Đang lót dép ngồi đánh bài trên vỉa hè, thấy có khách đến mua, người đàn ông đứng dậy, phủi phủi hai tay vào đít quần dính đầy cát rồi múc xoài ra hũ để lắc. Lắc xong, thấy lượng xoài nhiều, đội lên, người đàn ông dùng bàn tay cáu bẩn đó đè xuống cho vừa ly. Khách rời đi, người đàn ông vớ miếng cước rửa chén (dùng để rửa thau, rổ, thùng – PV), lau sạch miệng hũ dính đầy đường, nước mắm.

Đặc điểm chung của đa phần các “gian hàng” xoài lắc di động là xoài được cắt sẵn, bỏ vào ly, chất đầy trên xe, phơi cả ngày giữa trời nắng oi bức. Một ký xoài keo nếu mua nguyên trái có giá khoảng 15.000đ. Mỗi ly xoài có lắc gia vị nặng khoảng nửa ký, bán 20.000đ. Ở khu vực gần trường học, giá mỗi ly trung bình 10.000đ nhưng lượng xoài cũng ít hơn một nửa; nếu thêm khô bò tẩm, ruốc sấy, giá mỗi ly là 12.000đ.

Theo TS-BS Lâm Vĩnh Niên, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, cách chế biến xoài lắc, cóc lắc như trên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Thực phẩm, vật đựng không được che đậy, nước dùng có thể là ổ nhiễm khuẩn, rồi còn bụi bẩn, tạp chất… Thời tiết nóng cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Các món ăn này tuy ngon miệng, và có thể xem là một cách để bổ sung trái cây vào khẩu phần ăn (với điều kiện bảo đảm VSATTP), nhưng do được ăn kèm với muối, đường… nên những người mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường cần thận trọng.

Lắc với phô mai “3 không”

Được thực khách ủng hộ nhất hiện nay là các món lắc với phô mai, xí muội, gồm: khoai lang, khoai tây, khoai môn, sa kê, bánh bột gạo, bánh tráng… Điểm khởi nguồn và tập kết của món khoai lắc có lẽ là con đường Nguyễn Thượng Hiền (Q.3). Dài chưa tới một cây số nhưng đoạn đường này quy tụ đến bốn điểm bán khoai lắc phô mai, xí muội.

Hơn 13 giờ, trong diện tích chật hẹp chỉ khoảng 3m2, dưới cái nắng oi bức, hai người đàn ông cởi trần, mồ hôi nhễ nhại ngồi gọt khoai lang. Khoai được đổ đống dưới nền đất đen kịt, đầy bụi, dầu mỡ. Sau khi bào vỏ, khoai được đổ vào một thùng nước nhỏ xíu đục ngầu, rửa sơ rồi để ráo nước. Hơn 14 giờ, đống khoai được cho vào một khay dầu hình chữ nhật với thứ dầu đã chuyển màu đen kịt đang sôi sùng sục để chiên. Sau mỗi đợt chiên, người đàn ông dùng vợt vớt ra đầy cặn đen.

Thế nhưng, nếu tấp xe lại mua, người mua cũng chỉ thấy những miếng khoai vàng ruộm chất trên tủ kính chứ không thể thấy chảo dầu đen khủng khiếp như thế nào. 16 giờ, khoai đã chiên xếp đầy trên tủ kính. Khi có người mua, khoai được phủ thêm một lớp bột phô mai màu cam hoặc xí muội màu tím nhạt (tùy sở thích), cho vào túi giấy, cân đủ 200g. Người bán cho biết, bột phô mai là loại được nhập khẩu từ Malaysia, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, loại bột phô mai này bán nhiều ở Q.5, giá rất rẻ.

Truy nguồn gốc của bột phô mai đến các đầu mối cung cấp, chúng tôi bất ngờ bởi sự bất minh, nhập nhằng về cả xuất xứ, thành phần và chất lượng của loại sản phẩm này. Trụ sở một công ty chuyên sản xuất và phân phối bột phô mai Malaysia, Hàn Quốc (đường Lê Cảnh Tuân, Q.Tân Phú, TP.HCM) chỉ là một căn phòng khoảng 10m2.

Bột phô mai được đóng gói trong các túi ni lông có tráng bạc, trọng lượng 100g hoặc một ký; xếp đầy trên kệ và trong các thùng giấy cạc-tông. Trên túi loại 100g chỉ có vài ký tự viết tay bằng bút lông “MC” hoặc “C” hoặc không có thông tin gì; loại một ký thì có dán thêm một miếng giấy trắng in chữ đen, nội dung là tên sản phẩm, một số thành phần và ứng dụng. Sản phẩm không hề có mã vạch, chỉ tiêu chất lượng hay số công bố chất lượng.

Một phụ nữ, tự giới thiệu là người của công ty, tên Tr., đổ bốn loại bột phô mai ra cái dĩa nhỏ, giới thiệu với chúng tôi: “Phô mai được công ty nhập trực tiếp từ Hàn Quốc, Malaysia với số lượng lớn, chiết ra để bán lại cho khách hàng. Ngoài ra, còn có loại phô mai truyền thống do chính công ty sản xuất”.

Bà Tr. giải thích, “MC” nghĩa là hàng của Malaysia có vị cay, màu cam đậm, “C” nghĩa là loại truyền thống do công ty tự sản xuất có vị cay, màu cam lợ và màu trắng; loại không ghi gì là không cay(!?) và hướng dẫn: “Bán bánh tráng chiên thì dùng phô mai Malaysia vì có vị ngọt mặn vừa, giá 270.000đ/kg; bán khoai lắc thì nên dùng phô mai truyền thống vì có vị cay ngọt mặn đậm đà hơn, giá 220.000đ/ kg. Phô mai truyền thống vừa rẻ, vừa hợp khẩu vị người Việt nên được chuộng hơn. Một ký phô mai lắc được vài chục ký khoai, bán một lời mười”.

Theo bà Tr., ngoài bột phô mai trộn, bột sữa, muối, đường, trong bột phô mai còn có nhiều thành phần khác không thể tiết lộ (!?). Mỗi ngày công ty giao hàng trăm ký cho các điểm bán khoai lang lắc ở các quận Tân Phú, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Bình… Ngay lúc đó, có ba người khách đến mua bột phô mai với số lượng hai ký/ người. Một người cho biết, có chỗ bán giá thấp hơn nhưng hiện đang “đứt” hàng.

Tại chợ Bình Tây (Q.6), sản phẩm bột phô mai không rõ nguồn gốc (người bán cho biết sản phẩm của Thái Lan nhưng giấy dán trên túi lại có dòng chữ Cheese France – phô mai Pháp), không có mã vạch, chỉ tiêu chất lượng, số công bố chất lượng, được các sạp bày bán công khai, giá từ 280.000-300.000đ/kg.

Đối chiếu với bột phô mai nguyên chất nhập nguyên gói, có dán nhãn phụ, được bán tại siêu thị Maximark, cho thấy sản phẩm có ghi rõ thành phần là 100% phô mai với những thông số hàm lượng dinh dưỡng cụ thể về protein, canxi, chất béo…; màu trắng ngà, mùi gây gây, có vị béo đặc trưng của phô mai nguyên chất. Trong khi đó, bột phô mai lắc lại có màu cam rực, mùi rất nồng, vị béo rất ngậy.

Thực tế, người dùng không thể nào biết được trong bột phô mai lắc có bao nhiêu phần trăm là phô mai và những thành phần còn lại là những chất gì, ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe. BS Lâm Vĩnh Niên cảnh báo: Các mặt hàng bột phô mai trôi nổi trên thị trường có thể gây tác hại cho cơ thể do chứa phẩm màu hoặc chất tạo mùi không đạt tiêu chuẩn dùng cho thực phẩm. Các tác hại trên cơ thể bao gồm bệnh gan, bệnh thận, ung thư…

TS Phan Thế Đồng, Trường ĐH Hoa Sen phân tích thêm: “Bột phô mai lắc (cheese powder) giá rẻ nên tỷ lệ phô mai nghiền trong đó rất ít và tỷ lệ chất độn như tinh bột, maltodextrin (chất được sản xuất từ tinh bột) sẽ cao hơn. Bù vào đó thành phần các chất tạo vị, hương liệu và màu sẽ được gia tăng để tạo tính chất cảm quan giống như bột phô mai chất lượng cao. Do vậy, bột phô mai lắc hầu như chỉ cung cấp năng lượng, góp phần làm cho người tiêu dùng bị thừa cân, béo phì.

Nguy cơ ung thư từ thực phẩm… lắc

Thạc sĩ Trần Trọng Vũ, Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, cảnh báo: “Rủi ro lớn nhất cho sức khỏe người dùng khi ăn món khoai lắc là ở… chảo dầu đã biến màu. Khi chiên đi chiên lại nhiều lần trong nhiệt độ cao, dầu sẽ bị oxy hóa và biến chất.

Tái sử dụng càng nhiều lần thì các chỉ số peroxide, acid sẽ tăng cao, cho thấy sự tích lũy các gốc tự do càng nhiều, biểu hiện bằng việc dầu bị chuyển màu đen, lắng cặn và có mùi ôi, gắt. Các gốc tự do sinh ra từ sự oxy hóa chất béo là các tác nhân gây ung thư rất nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường rất khó nhận biết thực phẩm đã được chiên bằng loại dầu này”.

Thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn vệ sinh

Bác sĩ Lê Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục ATVSTP TP.HCM cho biết, thống kê từ 24 quận, huyện trong năm 2015 cho thấy, TP.HCM có 18.092 điểm kinh doanh thức ăn đường phố với 20.641 người tham gia kinh doanh.

Trong số 13.683 cơ sở được thanh tra, kiểm tra thì có đến 53,2% vi phạm các quy định về VSATTP như: bảo quản thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thiếu tủ kính để che chắn, sử dụng tay trần bốc thực phẩm, sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh… Số người kinh doanh thức ăn đường phố được cung cấp kiến thức về ATTP chỉ đạt 47,6% và chỉ 47,6% được khám sức khỏe.

An Hà – Thanh Hoa

Theo nguồn http://www.phunuonline.com.vn/