Thực phẩm ‘thoát’ hàng chục giấy phép con: Tăng hậu kiểm, nặng chế tài

0
1179
image_printIn bài viết

Lo ngại cà phê bẩn lẫn trong cà phê sạch nếu cho nhà chế biến tự công bố an toàn thực phẩm. ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Trách nhiệm của DN được giao cao hơn, niềm tin của người tiêu dùng vào DN cao hơn thì vai trò của cơ quan hậu kiểm cũng phải tăng mạnh.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết tinh thần chung cộng đồng doanh nghiệp rất hài lòng với quy định cải cách mới của nhà nước tại Nghị định 15 trong quản lý an toàn thực phẩm. Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên quản lý rủi ro, phân theo nhóm đối tượng có nguy cơ cao và nguy cơ thấp.
Theo đó, những sản phẩm có nguy cơ thấp hoặc nguyên liệu sẽ giảm được thủ tục kiểm tra giám sát và công tác hậu kiểm chỉ cần tập trung vào các sản phẩm bao gói sẵn cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề.
Lo ngại “thả gà ra đuổi”
Ông Nguyễn Xuân Tồn, Giám đốc điều hành cơ sở sản xuất chế biến cà phê Long Triều lo ngại, theo Nghị định 15, doanh nghiệp (DN) tự công bố và tự chịu trách nhiệm về công bố của mình. Cũng có nghĩa là các DN làm ăn chụp giật, không đàng hoàng cũng có quyền tự công bố. Đơn cử trên thị trường cà phê rang xay hiện có không ít “nhà sản xuất” chỉ sử dụng hóa chất và bột đậu nành. Liệu có dẫn đến tình trạng họ tự công bố là cà phê rang xay thứ thiệt, đưa hàng hóa ra thị trường tiêu thụ, gây xáo trộn thật giả trên thị trường trước khi bị hậu kiểm “vịn” không? Với lực lượng hậu kiểm còn mỏng như hiện nay, việc bao phủ công tác hậu kiểm hết các ngành lĩnh vực chế biến thực phẩm là vô cùng khó khăn.
Đồng quan điểm, ông Lê Quang Hậu, chủ cơ sở chế biến thực phẩm nem chả sạch Quang Hậu, cũng nhấn mạnh trong bối cảnh vấn đề quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) có quá nhiều vấn đề phải bàn như hiện nay, ranh giới giữa thực phẩm sạch và thực phẩm bẩn rất mong manh. Việc tự công bố đòi hỏi cao ý thức trách nhiệm, lương tâm của DN, song mặt trái của nó là sự lập lờ bởi đã làm, ai cũng muốn tự công bố là sạch, là tốt. Vì vậy, công tác hậu kiểm thế nào để các nhà sản xuất thực phẩm sạch không bị cạnh tranh vô lý với nhà sản xuất thực phẩm bẩn là thách thức lớn cho nhà quản lý. Theo ông Hậu, ngoài việc cho phép tự công bố, nếu kiểm tra thấy nhà sản xuất làm trái với những gì đã công bố, mức xử lý phải có tính răn đe hơn. Vi phạm nghiêm trọng ATTP phải rút giấy phép cấm sản xuất vĩnh viễn, hình sự hóa tội vi phạm liên quan đến sức khỏe mạng sống con người. Có như vậy mới đủ sức răn đe.
Bổ sung ý ông Hậu, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc V.Food, cho rằng với những DN lớn có uy tín, thương hiệu, có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu chắc chắn sẽ tuân thủ pháp luật và giữ uy tín với người tiêu dùng. Song các DN không thương hiệu, làm ăn chụp giật thì chưa rõ cơ quan nhà nước sẽ quản lý như thế nào để bảo vệ người tiêu dùng lẫn các DN làm ăn chân chính. Đây cũng là vấn đề rất quan trọng cần phải tính trước để có giải pháp quản lý cho phù hợp.
Sẽ hậu kiểm đột xuất và thường xuyên
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, thừa nhận năng lực hậu kiểm trong ATTP hiện vẫn còn mỏng. Tuy nhiên, năng lực hậu kiểm và quyền tự công bố hoàn toàn không liên quan với nhau. “Trước đây vừa cấp phép, vừa tiền kiểm, vừa hậu kiểm nhưng không cải thiện tình hình ATTP. Quy định cũ khiến không ít DN làm sai nhưng biết đối phó kiểu “vở sạch chữ đẹp” khi có đoàn kiểm tra nên thường được cho qua. Với quy định mới này, công tác hậu kiểm phải tăng cường gấp chục lần, thường xuyên và đột xuất, DN làm ẩu rất khó “trở tay” kịp. Thứ nữa, cho dù tự công bố, nhưng hậu kiểm thấy DN sai vẫn có quyền xử phạt, yêu cầu ngưng sản xuất. Đặc biệt, đội hậu kiểm nay là sự phối hợp giữa phòng cấp phép và thanh tra nên yếu tố tiêu cực sẽ khó xảy ra hơn”, bà Lan nhấn mạnh và thừa nhận khi một quy định mới, mở cửa thông thoáng hơn cho người làm ăn chân chính, đồng nghĩa “mở” luôn cho người làm ăn không nghiêm túc sẽ là thách thức lớn cho cơ quan quản lý.
Trách nhiệm của DN được giao cao hơn, niềm tin của người tiêu dùng vào DN cao hơn thì vai trò của cơ quan hậu kiểm cũng phải tăng mạnh. Nếu hậu kiểm thấy không đúng như công bố, DN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm suốt đời với sản phẩm của mình. Đây cũng là nguyên tắc quản lý chung và cũng là xu hướng trong quản lý của những nước phát triển.
Doanh nghiệp còn lúng túng
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết: do Nghị định 15 còn quá mới mẻ với VN, nên sau hơn một tháng triển khai vẫn còn nhiều bất cập, nhiều nội dung cần được tiếp tục làm rõ. Đặc biệt, có nhiều DN không biết mình được xếp vào nhóm đối tượng nào, nguy cơ thấp hay nguy cơ cao. Trong khi đó, nhiều địa phương còn chần chừ nên việc triển khai thực hiện đến nay vẫn còn chậm chạp.

 

Nguồn thanhnien.vn