NỖI LO AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM MÙA TRUNG THU

0
2613
image_printIn bài viết

(AGO) – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh (ATVS) thực phẩm tỉnh Nguyễn Chí Công thừa nhận: “Đáng lo ngại và chưa yên tâm về chất lượng ATVS trong bánh trung thu (BTT). Bởi, qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất (CS SX) đều thiếu kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP); đặc biệt, nguồn nguyên liệu làm bánh không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ và bảo quản thực phẩm chưa đúng quy định.

Toàn tỉnh có 42 CS SX BTT với nhiều mẫu mã, chủng loại,  phục vụ mọi nhu cầu nhưng chất lượng của những loại BTT này như thế nào vẫn là nỗi lo đối với người tiêu dùng. Theo các chủ CS SX BTT: Hầu hết SX theo truyền thống, làm nhỏ lẻ, thời vụ, nguồn nguyên liệu mua lẻ nên không bao bì, không yêu cầu nơi cung cấp nguyên liệu xuất hóa đơn chứng minh nguồn gốc, không làm hợp đồng với CS bán nguyên liệu. Theo tìm hiểu được biết, đa phần các CS mua nguyên liệu từ TP. Hồ Chí Minh, nhưng “chứng từ” chỉ là tờ giấy viết tay ghi tên, giá tiền. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các chủ cơ sở rất chủ quan về kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP) và khám sức khỏe. Chủ cơ sở chủ yếu học để đối phó, với lý luận do làm thời vụ, tìm lao động khó nên nhờ một số người làm tiếp. Nơi SX không che chắn để tránh côn trùng và bụi, vài nơi còn nuôi chó, mèo chạy quanh nơi SX. Người trực tiếp SX không mang đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang…

t1.jpg

Mới đây, qua kiểm tra liên ngành tại 2 CS SX BTT King (phường Bình Khánh) và Ngọc Lan (phường Mỹ Long), đoàn kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm quy định ATTP. Đặc biệt, 2 CS không xuất trình được hồ sơ về xuất xứ nguồn gốc nguyên liệu làm nhân bánh, bao bì và phụ gia thực phẩm đang sử dụng để SX; khu vực SX không được bố trí theo nguyên tắc một chiều; khu vực nhà xưởng chưa thực hiện phòng, chống côn trùng theo quy định; không lưu mẫu. CS SX BTT King thiếu 5/12 giấy xác nhận đủ sức khỏe của người trực tiếp sản xuất thực phẩm, thiếu 8/12 giấy xác nhận kiến thức ATTP; chưa xuất trình được 3 hồ sơ: Công bố phù hợp quy định ATTP đối với 3 sản phẩm BTT đang SX, nguồn gốc nguyên liệu; khu vực chế biến nhân bánh không được che chắn; không có khu vực để vật tư riêng, thiết bị đảo trộn và xay nhân bánh không đảm bảo ATTP, người lao động không sử dụng bảo hộ, chế biến thực phẩm không dùng găng tay, khẩu trang. Tại cơ sở Ngọc Lan, nhãn sản phẩm không đúng với thông tin trong hồ sơ công bố; chưa xuất trình được hồ sơ xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP cho 5 sản phẩm BTT…

Tại một điểm kiểm tra CS SX BTT ở phường Bình Khánh (TP. Long Xuyên), vừa thấy đoàn kiểm tra vào đến cửa, các nhân viên đang SX bánh chạy ùa vào trong đeo tạp dề, khẩu trang, găng tay… Chủ CS chống chế: Có nhắc nhở nhưng họ không mang vì vướng víu. Một thành viên trong đoàn hỏi người đang làm nhân bánh: Chị có học kiến thức ATTP, có thi không?, chị này trả lời có; nhưng khi hỏi đề thi bao nhiêu câu, chị trả lời trật lất (chắc nhờ người học, thi thay-PV).

Hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng BTT địa phương, SX thủ công, do đó các CS này cần phải chú trọng ATTP, để bảo đảm sức khỏe khách hàng. Chị Hồng Châu, phường Bình Khánh (TP. Long Xuyên) cho biết: “Tôi thấy vài năm nay chất lượng bánh địa phương không thua gì bánh các thương hiệu nổi tiếng. Tôi thích ăn bánh do các CS trong tỉnh làm như: Ngọc Lan, King, Mỹ Thanh, Tiến Anh… Cắt bánh ra thơm lừng, một phần do bánh mới, nguyên liệu tươi ngon, vị bánh nêm vừa ăn, chất lượng và không quá ngọt; đặc biệt, giá “mềm” hơn nhiều so bánh cùng loại của các thương hiệu lớn”. Bà Huỳnh (phường Mỹ Xuyên) dẫn chứng: “Một BTT 200gr thập cẩm, 2 trứng bánh của Ngọc Lan giá 69.000 đồng, trong khi bánh Kinh Đô thập cẩm 1 trứng 150gr giá 62.000 đồng. Tôi chọn mua bánh địa phương sản xuất để biếu, chứ không cần mua bánh thương hiệu mới tặng được. Tuy nhiên, các cửa hàng bán BTT ở gần đường giao thông, bày bán dưới nắng nóng, ánh nắng chiếu trực tiếp, bụi bặm do xe cộ qua lại… liệu bánh có bị hỏng, mốc và đảm bảo ATVS hay không?”

Qua nhiều năm theo đoàn kiểm tra, tôi nhận thấy năm nào cũng vậy, cứ tới mùa trung thu từ Trung ương tới tỉnh, huyện, xã đều thành lập đoàn kiểm tra, nhưng hễ “ghé” đâu dính vi phạm tới đó. Gần như 100% vi phạm, tùy mức độ. Một phần do thiếu thông tin truyên truyền, tuyên truyền hướng dẫn của ngành chức năng chưa sâu, một phần do ý thức ATTP của CS SX chưa cao, đặt lợi nhuận lên trên. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần thường xuyên mở lớp tập huấn, mời chủ CS SX BTT tới hướng dẫn cụ thể, thực hiện đúng các quy định và kiểm tra CS, tận tình chỉ rõ những thiếu sót, cần sửa chữa ngay về điều kiện vệ sinh, con người… Đồng thời, phạt nặng CS cố tình vi phạm làm mất ATVS, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc… chứ không vì tình cảm chỉ nhắc nhở, cho cam kết, phạt 1-2 triệu đồng… Có như vậy, các CS SX mới dần hoàn thiện, không còn vi phạm, chất lượng BTT mới đảm bảo.

 “Qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi được biết, cơ quan chức năng kiểm tra tại điểm bán bánh, chúng tôi nghĩ phải kiểm tra ngay từ gốc- nơi cung cấp nguyên liệu làm bánh, kiểm tra tại CS SX bánh (vì đa phần nguyên liệu không rõ nguồn gốc-PV), chứ kiểm tra tại điểm bán- nơi sắp đến tay người tiêu dùng thì quá muộn” – bà Kim Loan (phường Bình Khánh) đề xuất.

CHÂU AN