TP. HCM phát hiện nhiều mẫu rau, thịt, thủy sản chứa chất cấm

0
1509
image_printIn bài viết

(VietQ.vn) – Qua quá trình kiểm tra, giám sát chất lượng ATVSTP trong 10 tháng, lực lượng chức năng TPHCM đã phát hiện nhiều mẫu rau, thịt, thủy sản chứa chất cấm.

Trước đó, UBND TP HCM đã có quyết định yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở do cấp Thành phố cấp Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy Chứng nhận đầu tư; Các cơ sở kinh doanh tại các chợ đầu mối.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành lấy tổng cộng 2.641 mẫu, trong đó có 539 mẫu rau – củ – quả, 1.415 mẫu thịt gia súc gia cầm và 687 mẫu thủy sản.

Kết quả kiểm tra cho thấy, có 214/2.635 mẫu vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể, 6/533 mẫu rau quả chứa thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép; 129/1.415 mẫu chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; và 79/687 mẫu thủy sản.

Trong quá trình thanh kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử phạt 313 trường hợp (trồng trọt 8 trường hợp, chăn nuôi 250 trường hợp và thủy sản 55 trường hợp) có hành vi cố tình sử dụng chất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng với số tiền khoảng 1,4 tỉ đồng. Đáng lo ngại, các mẫu kiểm tra phát hiện có chất cấm chỉ có thể tiến hành xử lý hậu kiểm.

Liên quan tới vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cho biết, do còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý chất lượng an toàn thực phẩm, nhất là việc phát hiện các chất cấm chỉ bằng mắt thường nên không thể nhận biết được các mẫu thực phẩm sai phạm. Khi nghi ngờ mặt hàng nào có chứa chất cấm, lực lượng kiểm tra đều phải lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm, định tính và định lượng loại chất sai phạm tồn tại trong sản phẩm. Việc kiểm nghiệm tốn nhiều thời gian nên khi cho ra kết quả cuối cùng thì các mẫu thực phẩm chứa chất cấm đã bị tiêu thụ hết.

Do đó, để ngăn chặn nguy cơ thực phẩm nhiễm chất cấm đến tay người tiêu dùng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố cho biết, cùng với việc tăng cường kiểm tra tại chỗ ở các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh trên địa bàn, các phương án hợp tác truyền thông, thanh kiểm tra tại những địa phương có nguồn hàng cung cấp cho thành phố cũng cần được đẩy mạnh để ngăn chặn tận gốc nguy cơ nguồn rau quả, gia súc gia cầm, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi bằng thức ăn nguy hại, hóa chất cấm.

Chuỗi thực phẩm an toàn được sản xuất theo tiêu chuẩn, quản lý là giải pháp mang tính chiến lược đang được thành phố triển khai với hy vọng sẽ cải thiện được chất lượng thực phẩm cung cấp cho người dân.

Cũng liên quan tới khâu quản lý thực phẩm bẩn, vừa qua Sở Công thương TP.HCM đã chính thức công bố đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tại các chợ, siêu thị trên địa bàn giai đoạn 2016 – 2020 tại TP.HCM.

Đây là tiền đề hướng tới việc tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng hoạt động sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm của các cơ quan quản lý Nhà nước, trên cơ sở quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Theo Sở Công thương TP.HCM, cho tới nay, đề án này đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, các trang trại trên địa bàn, trong đó có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp lớn với quy trình sản xuất hiện đại và khép kín. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của các tiểu thương tại các chợ, các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng…

Nội dung của đề án này thể hiện rõ, người tiêu dùng sẽ có thể tự kiểm tra mã sản phẩm thịt heo mà mình đã mua (QR code), với đầy đủ các thông tin về sản phẩm, thông tin về đơn vị tham gia đề án (trang trại, cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh), các điểm bán thịt heo có thể truy xuất nguồn gốc, ý kiến của người dùng.

Theo đó, đề án này được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu sẽ làm thí điểm tại các đơn vị có đăng ký tham gia bắt đầu từ ngày 10/12/2016, triển khai rộng rãi hơn trên toàn TP bắt đầu từ 1/3/2017.

Việc truy xuất nguồn gốc của thịt heo bắt đầu từ cổng trại chăn nuôi, xuất chuồng đưa đến các cơ sở giết mổ, rồi tới các chợ đầu mối, siêu thị hay các chợ bán lẻ.

Trong giai đoạn 2 sẽ triển khai theo một quy trình khép kín hơn trong hoạt động sản xuất, bắt đầu tư khi chăn nuôi heo mới sinh cho khi tới tay với người tiêu dùng. Sau khi thực hiện thành công với thịt heo, sẽ nhân rộng ra đối với các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả và nhiều sản phẩm thiết yếu khác.

An Dương

Theo http://vietq.vn/