Tuyên chiến với thực phẩm bẩn

0
1814
image_printIn bài viết

(AGO) – Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang diễn biến phức tạp. Việc sử dụng tùy tiện thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi; lạm dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm còn diễn ra. Thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường, trong đó 2 mặt hàng chủ lực cần thiết cho bữa ăn của mọi gia đình là thịt và rau tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì thế, việc quản lý từ sản xuất đến tiêu thụ rau, thực phẩm an toàn là cấp thiết.

Là doanh nghiệp tư nhân, nhưng Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam lại mặn mà với “sân chơi” khó này. Chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh, đại diện công ty cho biết: “Chúng tôi nhận thấy vấn đề ATVSTP và tính cấp thiết người tiêu dùng cần có nông sản sạch để đảm bảo sức khỏe, nên chúng tôi đưa ra mục tiêu làm thế nào để đưa nông sản an toàn (NSAT) trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Với phương châm sức khỏe cho cộng đồng và góp sức thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy và tái cơ cấu nông nghiệp, vấn đề đầu ra rất quan trọng, từ tháng 7-2015, công ty triển khai dự án “Sản xuất và tiêu thụ NSAT”, chủ lực là rau, củ, quả, trái cây và thịt sạch. Với vai trò là doanh nghiệp cầu nối để gắn kết sản xuất và tiêu thụ nhằm xây dựng thành công hình ảnh rau an toàn An Giang và phân phối đến tay người tiêu dùng một cách tiện ích nhất và giá cả phù hợp nhất”.

t1.jpg

Dù đã tiên lượng, nhưng quá trình thực hiện dự án công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn trong kết nối cung-cầu. Chấp nhận không lợi nhuận giai đoạn đầu từ tiêu thụ rau để có được thị trường và vùng nguyên liệu ổn định. Sau khi làm việc với các sở, ngành, công ty trực tiếp xuống địa phương bàn kế hoạch xây dựng chuỗi, chọn lựa vùng nguyên liệu, gắn kết với các Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, bàn kế hoạch sản xuất- tiêu thụ, hỗ trợ các vùng nguyên liệu đủ điều kiện sản xuất, thu mua, phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Suốt quá trình vận hành, công ty phải nắm nhu cầu, điều chỉnh liên tục theo nhu cầu thị trường, liên kết để đủ nguyên liệu, kiểm tra giám sát chất lượng… rất mất thời gian, chi phí và con người. Sau gần 1 năm thực hiện, công ty đã đạt được nhiều kết quả hơn cả sự mong đợi: Đã ký kết hợp đồng với các Tổ hợp tác rau, an toàn và nhà hàng, quán ăn, tiểu thương sử dụng rau, củ, quả an toàn. Đưa vào hoạt động 3 cửa hàng “NSAT” tại TP. Long Xuyên, TX. Tân Châu và huyện Phú Tân; mở 2 chi nhánh tại chợ Long Xuyên, chợ An Châu (Châu Thành), kết nối 20 nhà hàng, quán ăn; 5 bếp ăn trường học, 7 điểm bán ở các chợ, khu dân cư, 7 xe hàng lưu động. Ký hợp đồng tiêu thụ rau an toàn với Trường đại học An Giang, Hợp tác xã Anh Đào (Đà Lạt)…, có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu công nghệ cao. Các điểm tiêu thụ đang kinh doanh tốt với lượng đặt hàng ngày càng tăng. Chỉ riêng ở TP. Long Xuyên, công ty tiêu thụ hơn 1 tấn rau sạch/ngày. Chị Trinh cho biết: “Khi thực hiện dự án, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận đối mặt rủi ro và sau bao nỗ lực, với sự giúp sức của các ngành chức năng, đến nay đã xây dựng được thương hiệu nổi tiếng cung cấp hàng cho người dân, công ty tự tạo lập kênh tiêu thụ không phụ thuộc vào ai; thực hiện đúng chủ trương của tỉnh. UBND tỉnh vừa ban hành quyết định 1439 kế hoạch xây dựng hệ thống cửa hàng, chợ NSAT là “cú hích” rất lớn động viên doanh nghiệp, là cơ hội cho nông sản sạch An Giang tuyên chiến với thực phẩm bẩn”.

Là doanh nghiệp tiên phong tự trồng, tiêu thụ nông sản sạch đầu tiên của tỉnh, siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc) không ngần ngại bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư xây dựng trang trại 5.000m2 sản xuất rau, củ, quả sạch tiêu thụ tại siêu thị, đến năm 2018 nâng diện tích trồng rau, củ, quả lên 8.000m2 nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng. Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn cho biết: “Quy trình sản xuất của doanh nghiệp đặt ra mục tiêu phải đảm bảo an toàn, chất lượng để rau sản xuất ra vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, chúng tôi cam kết sản xuất tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ bón phân hữu cơ, xử lý nước sạch để tưới và chấp nhận trồng rau năng suất thấp, nhưng chất lượng bảo đảm. Chúng tôi muốn giới thiệu đến khách hàng một mô hình mới, tự trồng rau, củ, quả, những sản phẩm gần gũi, không thể thiếu trong mọi bữa ăn của gia đình để bán tại siêu thị”.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Võ Nguyên Nam cho biết: “Trước tình hình ATVSTP diễn biến phức tạp, An Giang có 2 đơn vị tiên phong sản xuất, phân phối NSAT là Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam và siêu thị Tứ Sơn, góp phần cung ứng sản phẩm an toàn đến cho người dân và thực hiện thành công kế hoạch hình thành hệ thống cửa hàng, chợ NSAT của tỉnh. Sở Công thương luôn tạo điều kiện và đồng hành cùng doanh nghiệp xúc tiến, kết nối giao thương, xây dựng nhãn hiệu… nhằm tạo ra những sản phẩm nông sản, đặc sản an toàn của tỉnh để cung cấp cho dân trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc là nhận thức người tiêu dùng chưa cao, sản phẩm chưa có thương hiệu để dân an tâm lựa chọn, người tiêu dùng còn so sánh giá cả. Việc kết nối tiêu thụ các kênh chợ, trường học… gặp nhiều khó khăn; sản phẩm của các Tổ hợp tác sản xuất chưa đạt yêu cầu về chủng loại, hình thức sản phẩm và giá cả. Công tác tuyên truyền, vận động chưa đạt hiệu quả cao; chuyển biến từ nhận thức đến hành động còn khoảng cách khá xa; một số kiến nghị về chính sách đối với sở, ngành chưa được hỗ trợ tích cực…

Vấn đề đặt ra là trách nhiệm, vai trò quản lý Nhà nước thế nào để giám sát vùng nguyên liệu  50 héc-ta sản xuất thật sự sạch và cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn để nâng chất lượng, xây dựng thương hiệu. Có như thế, NSAT mới tham gia các sân chơi lớn: Co.opmart, Metro, Tứ Sơn, Vinmart… Bởi, liên quan mật thiết đến cuộc sống, sức khỏe từng người dân, nên cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các ngành chức năng, chính quyền địa phương. Nhà nước cần thay đổi quy trình sản xuất, nên dồn sức đầu tư vùng chuyên canh, nâng chất các mô hình công nghệ cao theo lợi thế từng vùng và phối hợp tham quan du lịch, đào đạo đội ngũ kỹ thuật chuyên sâu hỗ trợ dân để giảm giá thành nông sản sạch mới kích thích người tiêu dùng không phải so sánh giá. Tuyên truyền vận động, nhất là cán bộ, công chức làm gương, ưu tiên tiêu dùng thực phẩm sạch. Cần thiết đầu tư chợ ATVSTP, mà nơi đây toàn bộ bán rau, thịt, thủy sản sạch, có nguồn gốc rõ ràng để dân dễ dàng mua được sản phẩm sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng đấu tranh với thực phẩm bẩn.

HẠNH CHÂU

Theo nguồn http://www.baoangiang.com.vn/