Vì sao không nên ăn trứng sống?

0
1332
image_printIn bài viết

Ăn trứng sống khiến cơ thể khó hấp thu protein trong trứng, đồng thời làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn

Ăn trứng không qua chế biến không những ảnh hưởng đến khả năng hấp thu protein cũng như nhiều dưỡng chất khác trong trứng mà còn làm tăng rủi ro bị nhiễm khuẩn.

Không ít người trong chúng ta thỉnh thoảng vẫn ăn trứng sống, từ việc cho trứng vào cốc sữa, cocktail, một ly sô cô la hay đến một người tập gym ăn lòng trắng trứng sống mà không cần luộc để bổ sung protein. Việc làm này không đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ.

1. Dinh dưỡng
Một quả trứng nhỏ chứa rất nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, gồm protein, vitamin A, B2, B5, B12 và E, cholin (loại khoáng chất cần thiết cho chức năng của não), chất chống ô xy hóa và nhiều dưỡng chất khác, theo Health24.
Việc luộc chín có thể làm giảm hàm lượng chất dinh dưỡng của một quả trứng. Tuy nhiên, lượng dinh dưỡng mất đi là rất nhỏ và hầu như không đáng kể.
Nhiều người tập luyện thể thao muốn bổ sung protein bằng cách ăn lòng trắng trứng khi còn sống. Tuy nhiên, cách này có thể làm giảm hiệu quả hấp thụ protein.
Một nghiên cứu trên tạp chí The Journal of Nutrition tiết lộ cơ thể chỉ hấp thụ được khoảng 50% protein của một quả trứng khi bạn ăn sống. Trong khi nấu chín, cơ thể lại có thể hấp thụ đến 90% protein.
Thậm chí, một số dưỡng chất như vitamin B7, hay còn gọi là biotin, trong lòng đỏ trứng chỉ được cơ thể hấp thụ tốt sau khi đã nấu chín. Biotin là chất giúp tăng cường sức khỏe của da, tóc và móng tay cũng như hỗ trợ quá trình chuyển hóa chất béo, carbohydrate và protein, các chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh.
Do đó, đối với người tập gym muốn bổ sung protein để tăng cường cơ bắp, cần ăn trứng đã luộc chín thay vì uống lòng trắng trứng còn sống, theo Health24.
2. Rủi ro về sức khỏe
Trứng có khả năng bị nhiễm khuẩn sau khi vừa được gà mái đẻ ra trong trại chăn nuôi. Loại vi khuẩn phổ biến nhất là salmonella, có thể gây ra tiêu chảy, đau bụng, ói, nhức đầu và sốt. Khả năng nhiễm khuẩn phụ thuộc vào quy mô đàn gà, cách thức vệ sinh chuồng trại, thức ăn cho chúng…
Dù nguy cơ trứng bị nhiễm salmonella là thấp nhưng vẫn có thể xảy ra. Thông thường, các triệu chứng này sẽ xuất hiện trong vòng 6 đến 48 giờ sau khi ăn trứng và có thể kéo dài đến 7 ngày, theo Health24.
Do đó, khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) khuyên mọi người không nên ăn trứng sống. Nhiễm khuẩn salmonella có thể ảnh hưởng đến những người có sức khỏe yếu như trẻ con, người già, phụ nữ mang thai và những người bị ung thư.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai nhiễm salmonella có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, gây co thắt và nhiễm trùng tử cung, dẫn đến thai nhi bị sinh non hoặc tử vong, theo Health24.
Để loại bỏ nguy cơ nhiễm khuẩn, các chuyên gia khuyến cáo hãy luộc trứng trong vài phút ở nhiệt độ ít nhất là 70 độ C. Cách này có thể tiêu diệt được hầu hết các loại vi khuẩn gây bệnh có trong trứng.
Ngọc Quý
Theo thanhnien.vn