Xuất khẩu gạo đã sôi động trở lại

0
1389
image_printIn bài viết

(AGO) – Sau một thời gian trầm lắng, hiện tình hình xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã sôi động trở lại. Giá lúa tại các địa phương bắt đầu tăng lên từng ngày, nông dân (ND) rất phấn khởi.

Chưa bao giờ, thương mại gạo toàn cầu lại sôi động như lúc này, nhất là kể từ chiều 23-5-2017 vừa qua, khi Bộ trưởng Advocate Qamrul Islam (thay mặt Chính phủ Bangladesh) đã chính thức ký gia hạn Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (thay mặt Chính phủ Việt Nam). Động thái này đã làm cho giá gạo 5% tấm trong khu vực Châu Á nhanh chóng tăng từ 360 – 380 USD/tấn lên 390 USD/tấn (giá  FOB) và giá lúa trong tỉnh đã tăng lên từng ngày, ND hết sức phấn khởi. “Những năm gần đây thời tiết luôn bất lợi cho sản xuất, năng suất lúa không đạt như những năm trước nhưng bù lại, giá lúa trong thời gian gần đây tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, giá lúa IR 50404 được thương lái mua ở khu vực này là 5.300 đồng/kg, lúa OM 5451 là 5.700 đồng/kg, giá lúa này ND sản xuất đã có lời” – ông Bùi Phú Hữu, ND xã Tân Tuyến (Tri Tôn), phấn khởi.

Thương mại gạo ở cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Bangladesh được ký lần đầu vào ngày 18-4-2011 và có thời hạn đến ngày 31-12-2013. MOU được ký gia hạn lần này, có hiệu lực 5 năm (từ năm 2017-2022). Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn. 2 bên cũng chỉ định các đầu mối của mình để giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng. Ngay sau Bản ghi nhớ được ký kết, phía Bangladesh đã thông báo cho Việt Nam, Bangladesh muốn mua ngay 250.000 – 300.000 tấn gạo trắng (loại 5% tấm) và mua tổng số lượng mua từ nay đến hết năm 2017 khoảng 500.000 tấn.

Ngoài Bangladesh, các quốc gia còn lại như Philippines, Malaysia đã tiến hành nhập khẩu gạo Việt Nam. Cụ thể, Philippines đã quyết định nhập 250.000 tấn cuối tháng 6-2017 và dự kiến đến quý I-2018, lượng gạo mà quốc gia này cần nhập từ 1,5 – 1,6 triệu tấn. Riêng Malaysia, nước này vừa mua của Việt Nam 40.000 tấn gạo và hiện đang mua thêm 80.000 tấn. Indonesia dự tính có thể nhập khẩu gạo trở lại. Thị trường Trung Quốc và Châu Phi, xu hướng nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng đã có. Như vậy, về tổng thể, mặc dù FAO đã dự báo sản lượng lúa toàn cầu năm 2017 đạt 758,9 triệu tấn (tăng 7 triệu tấn so năm 2016) nhưng nhu cầu về lương thực ở các quốc gia bị thiên tai như Bangladesh là hết sức cấp thiết, vì vậy họ vẫn phải nhập khẩu gạo từ các quốc gia khác.

Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam từ đầu năm đến ngày 6-6-2017 đạt 2,8 triệu tấn, tăng 23,46% so cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là mức tăng trưởng khá mạnh kể từ đầu năm 2016. Xuất khẩu gạo đã sôi động trở lại nhưng nguồn hàng trong nước vẫn ổn định (chưa có biến động lớn như năm 2008), vì vậy triển vọng về tình hình xuất khẩu gạo năm 2017 là rất tốt. Hiện giá lúa được các thương lái thu mua trên địa bàn tỉnh đang tăng dần. Cụ thể, ngoài 2 giống lúa vừa nêu trên, các loại nếp như CK 92 có giá từ 5.200 – 5.300 đồng/kg, lúa Nhật được thương lái mua từ 6.000 – 6.500 đồng/kg. Tất cả đều tăng từ 200 – 300 đồng/kg so với 2 tháng trước. “Xuất khẩu gạo đang sôi động trở lại, nguồn hàng đầu vào rất ổn định nhờ trong thời gian qua, DN đã chủ động kết hợp với HTXNN tổ chức thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn”, vì vậy khi các nước đẩy mạnh nhập khẩu trở lại thì tình hình nguyên liệu phục vụ cho chế biến cũng biến động không lớn…” – ông Dương Thiện Toàn, kế toán chuỗi liên kết lúa gạo, Công ty Cổ phần (CP) XNK Thịnh Phú An Giang, chia sẻ.

Để chủ động được nguồn hàng xuất khẩu, trong 9 vụ qua, Công ty CP XNK Thịnh Phú An Giang đã liên kết với các HTXNN, trong đó có HTXNN Tân Phú A1 (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) để thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn”, bao tiêu sản phẩm cho ND. Chính việc làm này đã giúp đơn vị chủ động được nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu, đồng thời giúp ND an tâm sản xuất. Ông Châu Thanh Phong, Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu, Công ty CP XNK Thịnh Phú An Giang cho biết, trong thời gian tới, Thịnh Phú sẽ tiếp tục duy trì mô hình liên kết này để việc sản xuất lúa gạo từng bước đi ổn định.

MINH HIỂN

Nguồn http://www.baoangiang.com.vn/