An toàn thực phẩm: Dung sai chuẩn càng lớn người tiêu dùng càng thiệt

0
1620
image_printIn bài viết

(VietQ.vn) – Trong khi một số nước đề nghị khoảng dung sai chuẩn thực phẩm là 20% thì tại Việt Nam lại để doanh nghiệp sản xuất tự công bố, chưa bắt buộc.

Tại buổi Hội thảo chính sách quản lý an toàn thực phẩm, do Cục An toàn thực phẩm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Các doanh nghiệp ngành thực phẩm đều mong muốn xây dựng một khung dung sai chuẩn cho các sản phẩm thực phẩm. Cụ thể, dung sai đối với các vitamin và khoáng chất là 30%; các chất sinh năng lượng là 20%.

Sản phẩm thực phẩm đạt chuẩn bắt buộc phải ghi rõ dung sai.

Nguyên nhân phải để xuất dung sai chuẩn là do không thể có trị số tuyệt đối trên nhãn so với thực tế; trong suốt vòng đời chất lượng của sản phẩm có sự suy giảm dần. Tuy nhiên, mức độ suy giảm này thường không vượt quá 20% tổng lượng dưỡng chất vốn có.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), cho rằng về nguyên tắc, dung sai càng nhỏ thì chất lượng sản phẩm càng cao. Nếu các doanh nghiệp đề xuất khoảng dung sai trong công bố chất lượng và ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm lớn như vậy thì người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi.

“Một sản phẩm chỉ đạt mức 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký thì đã được coi là hàng giả. Vậy một sản phẩm có dung sai cao tới 20% thì có được coi là sản phẩm có chất lượng?”, ông Hùng lý giải.

Liên quan tới vấn đề này, TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, một số nước đề nghị khoảng dung sai là 20%, nhưng tại Việt Nam khoảng dung sai này vẫn đang để doanh nghiệp sản xuất tự công bố, chưa bắt buộc.

Trong khi chưa có quy định, các doanh nghiệp phải công bố công khai trên nhãn sản phẩm, phải đảm bảo ±20% hàm lượng đăng ký.

Theo ông Phong, việc xây dựng khung dung sai phải đảm bảo được điều kiện sản xuất chế biến thực phẩm của doanh nghiệp, quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng nhưng cũng không được trái với quy định của quốc tế.

Ngoài các quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa còn được quản lý dưới các Luật về thương mại, tiêu chuẩn, quy chuẩn… Do vậy, các chuyên gia mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ đúng pháp luật, tăng tính minh bạch để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, cũng như thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Minh Khuê (T/h)

Theo nguồn http://vietq.vn/