Bộ Y tế điều tra vụ 34 học sinh Nhật Bản nhập viện vì ăn Buffet ở TP. HCM

0
2368
image_printIn bài viết

(VietQ.vn) – Sở Y tế TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành điều tra bữa ăn tại nơi 34 học sinh Nhật Bản đã dùng bữa cuối cùng.

Vừa qua, đã có thông tin về đoàn khách 34 học sinh Nhật Bản gặp vấn đề sức khoẻ, có biểu hiện nôn ói và phải nhập viện điều trị sau khi trở về từ Việt Nam, vì có liên quan đến bữa ăn buffet tối ngày 27/10 tại một khách sạn ở TP HCM.

Để xác minh thông tin và chủ động có các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị chức năng nhanh chóng tổ chức xác minh thông tin liên quan đến đoàn khách du lịch Nhật Bản đã ăn uống.

Tiến hành điều tra bữa ăn, thực đơn, nguồn gốc thực phẩm, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm nơi chế biến, bảo quản, ăn uống, việc lưu mẫu thức ăn tại cơ sở và việc cung cấp thức ăn cho thực khách có liên quan… Lấy mẫu, kiểm nghiệm đối với thực phẩm nghi ngờ trong quá trình điều tra. Phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có).

Tăng cường thanh tra, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch ăn uống, nhà hàng, khách sạn, bữa ăn tập trung đông người, bếp ăn tập thể; chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

 Sở Y tế TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành điều tra bữa ăn tại nơi 34 học sinh Nhật Bản đã dùng bữa cuối cùng. Ảnh minh hoạ. 

Ngoài ra, Cục ATTP khuyến cáo người dân cần thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh trong chế biến, bảo quản thức ăn; bảo đảm nguồn nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chế biến ăn ngay và nguồn nước chế biến an toàn; không sử dụng thức ăn tái, sống, nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nghi ngờ ô nhiễm để chế biến thức ăn.

Theo các chuyên gia, ngay khi phát hiện các triệu chứng của ngộ độc thức ăn như buồn nôn, nôn, đau bụng, chóng mặt… người bệnh cần nôn ra ngoài càng sớm càng tốt. Việc nôn sẽ giúp người bệnh loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể nhanh chóng, tránh để chất độc ngấm vào cơ thể.

Tuy nhiên, sau khi bệnh nhân nôn khoảng 2-3 lần, độc tố giảm đi khá nhiều, cần ngăn không cho họ tiếp tục nôn. Thông thường, người bệnh sẽ được tiêm một mũi thuốc chống nôn, bởi dùng thuốc uống lúc này vô tác dụng. Sau khi bệnh nhân hết nôn, cần khẩn trương bù dung dịch muối và điện giải để duy trì hàm lượng chất lỏng trong cơ thể và giúp bài tiết các chất độc, vi khuẩn ra khỏi cơ thể.

Trong trường hợp bệnh nhân có nhịp tim chậm lại hoặc nhịp tim quá nhanh, quá yếu, tụt huyết áp, bù nước bằng đường uống sẽ trở nên vô nghĩa. Lúc này, cần nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế để truyền dịch.

Ngoài ra, người bệnh cần tăng cường các loại thức phẩm giải độc hiệu quả, đặc biệt là nhóm thực phẩm thuộc tính axit như nước chanh, nước cam, bưởi, giấm táo, táo…bởi tính axit có tác dụng chống lại những tác động xấy của vi khuẩn gây ngộ độc, đồng thời, làm dịu niêm mạc dạ dày, giảm nhẹ các cơn đau bụng và tiêu chảy.

Đức Thắng

Theo http://vietq.vn/