Bộ Y tế trả lời cử tri về quảng cáo thực phẩm chức năng

0
1639
image_printIn bài viết

Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, cử tri TPHCM đề nghị cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo hiệu quả của các loại thực phẩm chức năng để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời cử tri như sau:

Theo quy định việc quảng cáo thực phẩm phải được cơ quan chức năng thẩm định nội dung quảng cáo trước khi phát hành quảng cáo. Quản lý quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật sau: Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010; Luật Quảng cáo số 16/2012/QH 13 ngày 21/6/2012; Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo; Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/1/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; Thông tư số 09/2015/TT- BYT ngày 25/5/2015, hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Như vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, Bộ Y tế có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt các nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, lĩnh vực y tế. Việc thực thi các quy định pháp luật về quảng cáo được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong đó có Bộ Y tế triển khai rất nghiêm túc và được Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XIV ghi nhận trong Báo cáo kết quả giám sát an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Tuy nhiên, tình trạng quảng cáo quá mức, quảng cáo chưa được thẩm định nội dung, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm thực phẩm đến với người tiêu dùng vẫn xảy ra. Năm 2015, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã thanh, kiểm tra phát hiện 261 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm trong đó có 203 cơ sở (77,7%) vi phạm về quảng cáo với số tiền phạt vi phạm hành chính là 3.571.000.000 đồng; Năm 2016 (số liệu tính đến ngày 26/12/2016), Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện, xử lý 89 cơ sở vi phạm trong đó số cơ sở vi phạm về quảng cáo: 54 cơ sở (60,6%) với số tiền phạt là 1.063.500.000 đồng; Từ ngày 1/1/2017 đến ngày 7/12/2017, đã xử lý 22 cơ sở vi phạm về quảng cáo với số tiền phạt là 775.000.000 đồng.

Trường hợp phát hiện sai phạm quảng cáo trên internet, trên website, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) xử lý theo thẩm quyền đối với các Công ty có sản phẩm quảng cáo vi phạm; đối với trường hợp doanh nghiệp không thừa nhận các quảng cáo đó là do doanh nghiệp đăng thì Cục xử lý bằng cách đăng thông tin trên trang web của Cục thông báo đến người tiêu dùng biết tránh mua sản phẩm đó trên các trang web đã nêu. Các cơ sở vi phạm về quảng cáo được công khai thông tin kịp thời tại website Cục An toàn thực phẩm (www.vfa.gov.vn).

Từ ngày 1/8/2014 đến nay, Cục An toàn thực phẩm thực hiện cấp và trả Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm qua mạng internet cấp độ 4. Hướng dẫn nộp hồ sơ và trả kết quả được ghi rõ trên trang chủ của trang http://xacnhanquangcao.vfa.gov.vn. Việc công bố và tra cứu Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm đã được cấp cũng được thực hiện dễ dàng, minh bạch trên trang http://xacnhanquangcao.vfa.gov.vn/.

Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, Bộ Y tế đã thực hiện biện pháp quản lý: Dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo của đơn vị vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo cho đến khi có quyết định xử lý vi phạm của cơ quan, người có thẩm quyền và đơn vị chấp hành xong quyết định xử lý (Theo quy định tại Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế); Tăng cường kiểm tra sau cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo; Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm khi có vụ việc mất an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn; Nghị quyết số 43/2017/QH14 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020.

Để việc quản lý quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng được chặt chẽ, ngoài chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Y tế trân trọng đề nghị cử tri kiến nghị với các cơ quan chức năng thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình như: Đề nghị cử tri kiến nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan phát hành quảng cáo kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo trước khi phát sóng hoặc đăng tin bài; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên xuất bản phẩm, trên hệ thống mạng và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đăng công khai các đơn vị vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; bổ sung các biện pháp nhằm ngăn chặn việc quảng cáo vi phạm trên các trang mạng xã hội; Youtube; facebook; zalo, trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài.

Đề nghị cử tri kiến nghị với Bộ Công Thương quản lý chặt chẽ việc kinh doanh đa cấp, lợi dụng hình thức kinh doanh đa cấp để quảng cáo trực tiếp tới người tiêu dùng trong đó có những nội dung tiếp thị, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, có những nội dung thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh, vi phạm quy định của pháp luật.

Đề nghị cử tri kiến nghị với các cơ quan chủ quản các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo chỉ đạo các đơn vị phát hành quảng cáo thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về quảng cáo. Có trách nhiệm kiểm tra mẫu quảng cáo đã có sự thẩm định của cơ quan chức năng hay chưa? Kiên quyết không nhận những mẫu quảng cáo chưa có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước đã thẩm định nội dung.

Chinhphu.vn