Cá tra “kêu cứu”

0
1827
image_printIn bài viết

(AGO) – 8 năm qua, phần lớn những người tham gia vào ngành hàng sản xuất cá tra xuất khẩu đều thua lỗ. Nhiều người chìm ngập trong đống nợ nần và gần như đã “hết sức” chịu đựng. 

Nợ chồng nợ

“Có thể khẳng định, những ai đến nay vẫn còn đeo theo sản xuất cá tra đều mắc nợ. Nợ ở đây có 3 loại: Ngư dân nợ ngân hàng, nhà cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản; doanh nghiệp (DN) nợ tiền cá ngư dân và DN nợ ngân hàng. Thời gian qua, ngân hàng và ngư dân lãnh đủ. Còn DN, một số hoạt động cầm chừng, số còn lại “cao bay xa chạy”. Số này, chẳng thấy ai bị truy tố trách nhiệm hình sự” – ông Cao Lương Tri (TP. Long Xuyên) nói thẳng.

t7.jpg

Ông Cao Lương Tri bên trang trại nuôi cá hoang tàn

Ông Tri là một trong hàng ngàn ngư dân nuôi cá tra bị thua lỗ. Đương thời, ông là một ngư dân giỏi. Trang trại ông chuyên cung cấp nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến trong vùng. Cá tra do ông nuôi có thịt trắng, da mỏng, ít mỡ, không tồn dư các kháng sinh cấm nên được nhiều nhà máy chế biến tìm đến mua. Với chu kỳ 3 năm 8 vụ, mỗi vụ, trang trại của ông cung cấp hàng ngàn tấn cá tra nguyên liệu cho DN chế biến. Vậy mà bây giờ, trang trại ông đã bỏ trống, cỏ mọc lên đến đầu. Ông còn bị DN nợ tiền bán cá lên đến 37 tỷ đồng. “Dân bây giờ quá khổ, nhờ Nhà nước tìm cách tháo gỡ, giúp đỡ. Tôi bán cá cho một DN trong tỉnh. Quá trình giao dịch, tôi thấy yên tâm vì trong 6 năm liền, báo cáo tài chính của công ty này trên thị trường chứng khoán đều có lãi (chia cổ tức 15%/năm). Nào ngờ, tháng 4-2014, ông chủ DN này đã “cao bay xa chạy”, để lại một đống nợ nần. Ngư dân chúng tôi lãnh đủ. Sự việc đến nay đã hơn 2 năm mà Nhà nước vẫn chưa đi vào xử lý” – ông Tri bức xúc.

Thực trạng của ngành cá tra hiện nay, ngư dân ngập trong đống nợ, một số ngân hàng thì bị nợ xấu vây bủa. Trong khi đó, nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng và tiếp tục thua lỗ nên đã nợ lương, bảo hiểm xã hội, cắt giảm chế độ của người lao động đến mức tối đa. “Vấn đề nợ nần trong ngành cá tra đã gây bức xúc cho ngư dân và cộng đồng. Vậy mà các cơ quan pháp luật chậm vào cuộc để làm rõ. Nhiều người không còn sức chịu đựng nên đã sử dụng các đối tượng xã hội đen để đòi nợ, việc này thật nguy hiểm” – ông Trần Văn No, xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú), chia sẻ.

Gian lận

Nhiều năm nay, trên bình diện vĩ mô lẫn vi mô, vẫn chưa có một chủ trương, chính sách nào “đủ mạnh” nhằm xoay chuyển tình thế, giúp ngành sản xuất cá tra vượt qua sóng gió. Trước thực tế này, để tồn tại trên thương trường, DN chế biến đã nghĩ ra nhiều “chiêu trò” để gian lận. Họ đã đưa phụ gia, hóa chất vào miếng fillet để ăn gian trọng lượng tịnh. DN sản xuất thức ăn thì tìm cách ăn gian độ đạm. “Những DN sản xuất thức ăn chưa có thương hiệu, uy tín trên thương trường thì sẵn sàng “rút ruột” chất lượng. Bao bì thì ghi 26 độ đạm nhưng thực tế, lô hàng sản xuất ra thiếu ít nhất 1 – 2 độ đạm” – ông Nguyễn Minh Trường, xã Nhơn Mỹ (Chợ Mới), chia sẻ.

Ngoài thiếu vốn sản xuất, ngành sản xuất cá tra còn đối mặt với môi trường bị ô nhiễm. Cá tra nuôi hiện nay rất dễ bị bệnh và tỷ lệ chết rất cao. Đối phó với việc này, ngư dân đã dùng kháng sinh liều cao hoặc các loại kháng sinh cấm để trị bệnh. Những hầm cá như thế, ngư dân muốn bán được thì phải “lót tay” rất đậm cho cán bộ quản lý chất lượng của công ty. Như vậy, dù cá có bị nhiễm kháng sinh cấm cũng được mua và xuất khẩu. Hậu quả, những lô hàng trên bị nước ngoài phát hiện và trả về, DN phải tốn rất nhiều chi phí.

Năm 2007, ngư dân An Giang thả nuôi 1.394 héc-ta cá tra (cao nhất ĐBSCL thời đó). Nay, con số này chỉ còn 584 héc-ta, trong đó DN chiếm 78,9%. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu cá tra của tỉnh đạt 423,4 triệu USD nhưng 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch chỉ đạt 112,1 triệu USD. Những số liệu trên cho thấy, ngành sản xuất cá tra của tỉnh đã “tụt lùi”. “Tái cấu trúc ngành cá tra để hạn chế gian lận thương mại, giảm bớt nợ nần chính là mệnh lệnh của cuộc sống. Nhà nước cần sớm “ra tay” để cứu một ngành hàng quan trọng bằng hàng loạt giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ mà ở đó, tinh thần “thượng tôn pháp luật” phải được đặt lên hàng đầu. Cần khai tử những DN không còn năng lực sản xuất; xử lý các DN còn nợ tiền cá của ngư dân; sắp xếp lại trật tự ngành hàng theo hướng sản xuất cá tra là một ngành kinh doanh có điều kiện. Cần đặt ra giá sàn nuôi, chế biến lẫn xuất khẩu để hiệp hội ngành hàng cùng Nhà nước quản lý cho tốt” – một chuyên gia kinh tế nêu ý kiến.

“Sản xuất cá tra là thế mạnh của ĐBSCL, giúp giải quyết việc làm cho trên 40.000 lao động, mang về cho đất nước trên 1,7 tỷ USD mỗi năm. Vậy mà, đã 8 năm gặp khó khăn nhưng đến nay, Nhà nước vẫn chưa có giải pháp căn cơ để vực dậy” – ông Cao Lương Tri lo lắng.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Theo nguồn http://www.baoangiang.com.vn/