Cần xử “mạnh tay” với quảng cáo TPCN như thuốc

0
1037
image_printIn bài viết

“Hầu hết các loại sản phẩm quảng cáo chữa bệnh trên mạng và các phương tiện truyền thông hiện nay không phải là thuốc và không ai chứng minh được những sản phẩm đó là thuốc. Bộ Y tế sẽ sớm có biện pháp xử lý những vụ việc này, để người bệnh không bị mất cơ hội điều trị bệnh thực sự”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết.

Nhiều quảng cáo có dấu hiệu lừa người tiêu dùng

Gần đây nhất, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trên các website website:https://vienquany.com, http://duocphamhocvienquany.com, http://hvquany.com có quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Stronghair (tác dụng ngăn ngừa và trị tóc bạc) sai quy định của pháp luật, thậm chí có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Sản phẩm này được Công ty TNHH thương mại và sản xuất thiết bị y tế Nam Việt, có địa chỉ: Liền kề U05-49 khu D, khu đô thị mới Dương Nội, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội, công bố và chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Stronghair trên trang website/internet trên.

Đây chỉ là một trong rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo “thổi phồng” như thuốc, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, như công ty CP nghiên cứu và ứng dụng thuốc dân tộc, có địa chỉ số 145 Hoa Lan, phường 2, quận Phú Nhuận, TPHCM, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mãnh lực trường xuân trên website: thuocdantoc.org, gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Trí Tâm, số 300 Đê La Thành, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phục Thần Công trênwebsitehttp://phucthancong.com,http://phucthancong.vn, http://phucthancong.com.vn; công ty CP dược liệu Phương Đông, số 1, ngách 69B/33 Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên Gutmetaherb trên website: duoclieuphuongdong.com; công ty TNHH Dutuno &Hava, địa chỉ số 34 Lương Ngọc Quyến, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe giảm cân Bona trên website https://giamcanbona.com… Tất cả các sản phẩm này đều được quảng cáo “thổi phồng” gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh đối với người tiêu dùng.

Thậm chí, có công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế Medicom, địa chỉ tầng 4, tòa nhà Vimeco Lô E9 đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội còn có chiêu quảng cáo rất tinh vi, đó là quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kvoi men và Đào thi dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần sản phẩm và sử dụng hình ảnh của nhân viên y tế để quảng cáo, nhằm “chiếm” lòng tin của người tiêu dùng.

Tính từ đầu năm đến tháng 4/2019, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, với số tiền phạt gần 1 tỷ đồng.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Người bệnh mất cơ hội chữa bệnh

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường chia sẻ, ông rất quan ngại trước thực trạng quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe khiến đa số người tiêu dùng tưởng nhầm là thuốc, thậm chí có người còn nghĩ là thuốc đó chữa bách bệnh.

Thứ trưởng nhấn mạnh, “tôi chắc chắn 100% các sản phẩm được quảng cáo chữa bệnh như thuốc, trên một số trang báo, mạng xã hội, internet là hoàn toàn giả, không phải là thuốc và cũng không có ai chứng minh được đó là thuốc”.

Ở Mỹ hiện nay, các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ gói gọn trong các loại vitamin, khoáng chất, glucosamin (dành cho khớp), các loại khác như hỗ trợ bổ gan, bổ thận…thì trên sản phẩm ghi rất rõ, thuốc này chưa được FDA của Mỹ đánh giá và không chịu trách nhiệm về việc sử dụng sản phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, các sản phẩm tương tự khi quảng cáo chỉ nói một câu rất ngắn và nhanh “liến thoắng” rằng: “sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, có quảng cáo, dòng chữ khuyến cáo này rất bé, người xem không thể nhìn rõ, thậm chí có quảng cáo còn viết nội dung công dụng của sản phẩm như thuốc.

Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và “thổi phồng” như thuốc chữa bệnh hiện nay như, sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan…, thậm chí có thuốc quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế  bộ sẽ sớm đề xuất biện pháp xử lý tình trạng này, để người bệnh không bị mất cơ hội chữa bệnh. Trước mắt, Bộ sẽ tiếp tục chủ động thanh, kiểm tra, từ đó sẽ đưa khuyến cáo tới người dân không dùng hoặc mua, sử dụng những loại thực phẩm hoặc “thuốc” được quảng cáo trên mạng không đảm bảo chất lượng.

Nguồn: Hiền Minh-chinhphu.vn

Theo nguồn VFA