Cảnh giác ngộ độc rượu, bia

0
2191
image_printIn bài viết

(AGO) – Tết – nhiều người thường sử dụng rượu, bia. Dùng đúng thì có lợi cho sức khỏe, nhưng khi lạm dụng thì rất có hại. Xin hỏi làm thế nào để biết được một người bị say rượu và ngộ độc do rượu? Cách xử trí, chăm sóc người say rượu tại nhà? 

Đặng Nguyễn Hữu Lý (TP. Long Xuyên)

Đỗ Minh Thọ, cán bộ Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe An Giang:

Rượu, bia là một trong nhiều chất độc hại mà con người tự nguyện tiêu thụ. Bất chấp các cảnh báo của giới y học lẫn ngoài y học, sản lượng rượu, bia liên tục gia tăng. Những “đệ tử lưu linh” ngày càng có độ tuổi trẻ hơn. Viện Chiến lược & Chính sách y tế cho biết, mức độ sử dụng rượu, bia ở người Việt Nam cao gấp đôi tiêu chuẩn an toàn cho phép. Uống quá nhiều, quá nhanh có thể ảnh hưởng đến hô hấp, nhịp tim và có khả năng dẫn đến hôn mê và tử vong. Uống nhanh hoặc uống quá nhiều trong 1 ngày là nguyên nhân chính của ngộ độc rượu. Ngộ độc rượu cũng có thể xảy ra khi vô tình ăn sản phẩm có chứa rượu.

* Các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc rượu gồm:

– Lẩn lộn, trạng thái kinh ngạc.

– Ói mửa, động kinh.

– Thở chậm (ít hơn 8 hơi thở 1 phút).

– Không thường xuyên hít thở.

– Da xanh, thân nhiệt thấp, bất tỉnh.

Nếu nghi ngờ ai đó đã bị ngộ độc rượu, thậm chí nếu không thấy các dấu hiệu và triệu chứng cổ điển, cần đến ngay cơ sở y tế.

* Uống rượu, bia bao nhiêu là quá nhiều?

Không giống như thực phẩm, có thể mất thời gian để tiêu hóa, rượu được hấp thu nhanh chóng trước hầu hết các chất dinh dưỡng khác. Nếu uống khi đói, khoảng 20% rượu được hấp thụ trực tiếp từ dạ dày và có thể tới não trong ít hơn 1 phút. Hầu hết rượu, mặc dù được xử lý bởi gan, sẽ mất khoảng 1 giờ để chuyển hóa 355ml bia, 148ml rượu vang hoặc 44ml rượu mạnh. Đồ uống hỗn hợp đòi hỏi thời gian chuyển hóa lâu hơn.

* Điều gì xảy ra với cơ thể khi uống rượu?

Uống rượu quá nhiều có thể làm chậm và trong một số trường hợp có thể ngừng chức năng hô hấp và tuần hoàn. Nhiệt độ cơ thể cũng có thể hạ dẫn đến ngừng tim. Lượng đường trong máu có thể giảm thấp, đủ để gây ra cơn động kinh.

* Một số lời khuyên để tránh ngộ độc rượu, bia:

– Để ngăn ngừa ngộ độc rượu, tiêu thụ đồ uống có cồn vừa phải. Không nên nhiều hơn 1 lần uống trong 1 ngày cho phụ nữ và không quá 2 lần uống trong ngày cho nam giới. Khi uống, hãy uống chậm.

– Nói chuyện với trẻ em tuổi teen về sự nguy hiểm của rượu. Nếu có con nhỏ ở nhà, giữ đồ uống có cồn cẩn thận.

* Cách phân biệt say rượu và ngộ độc rượu

Độc tính của Methanol tác động chủ yếu lên thần kinh, đặc biệt là thần kinh điều khiển thị giác, vì vậy thường có biểu hiện loạng choạng, hoa mắt giống cảm giác say rượu khiến người uống rượu hay lầm tưởng là say, nhưng thực chất là bị ngộ độc. Nếu để lâu, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và có thể tử vong. Trường hợp được cứu sống, bệnh nhân cũng có nhiều di chứng về thần kinh.

– Say rượu: Chếnh choáng, nói líu lưỡi, phối hợp cơ thể kém, mất thăng bằng, buồn nôn, nôn.

– Ngộ độc rượu: Thời gian chậm nhất là 24 giờ sau khi uống rượu pha cồn Methanol, các triệu chứng của ngộ độc rượu sẽ xuất hiện.

– Xử trí sau khi uống rượu

* Cần làm: Khi uống rượu thấy chếnh choáng, nên tìm cách gây nôn hết, sau đó xát mạnh 2 bên má. Uống nhiều nước để không bị mất nước khi nôn liên tục. Uống nước ấm tốt hơn nước lạnh. Nên uống thêm các loại nước: Nước chanh, nước cam vắt, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ (đặc biệt là đậu xanh), uống nhiều lần sẽ giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ. Cởi nút áo cổ, tháo thắt lưng và nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa). Tư thế nằm úp xuống giường, 2 tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái.

Nếu người uống rượu say ngủ, người nhà hãy để yên cho họ ngủ. Tuy nhiên, cứ vài tiếng phải đánh thức dậy cho ăn cháo loãng. Tránh trường hợp đói sẽ bị hạ đường huyết, rất nguy hiểm.

*Không nên làm: Không nên cho nạn nhân uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không uống thêm Vitamin B1, B6, Acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Paracetamon, Aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa.

Tổ chức Y tế thế giới quy định 1 đơn vị uống chuẩn chứa 10 gram cồn và khuyến cáo không uống quá 3 đơn vị rượu/ngày đối với nam và không quá 2 đơn vị rượu/ngày đối với nữ. Dùng quá mức này được coi là lạm dụng.

ĐOÀN PHƯỚC (Tổng hợp)

Theo http://www.baoangiang.com.vn/