Cục Thú y nói gì về ‘thả nổi’ chất lượng trứng gia cầm?

0
1866
image_printIn bài viết

(VietQ.vn) – Theo Cục Thú y: Mặc dù trứng gia cầm được miễn kiểm dịch khi vận chuyển, lưu thông nhưng việc quản lý an toàn thực phẩm đã được quy định rất rõ.

Theo Thông tư 25 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, trứng gia cầm tươi và chế biến (trứng bắc thảo, trứng muối, trứng lộn, trứng ăn liền…), từ ngày 15/8 các sản phẩm này sẽ được miễn kiểm dịch. Khi cơ quan thú y không còn vai trò giám sát quả trứng, sự kiểm soát chỉ còn lực lượng quản lý thị trường và cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Việc kinh doanh trứng gia cầm xem như có thể sẽ trở về thời kỳ trước khi dịch cúm gia cầm bùng phát vào cuối năm 2003.

Thâm chí, có ý kiến cho rằng: Thông tư 25 là một bước thụt lùi trong vấn đề quản lý. Bởi kể từ khi Thông tư này được ban hành bỏ thủ tục kiểm dịch, giá trứng các loại trên thị trường vẫn không hề giảm, điều này khiến người tiêu dùng lo ngại về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ khi không biết dựa vào đâu để phân biệt trứng sạch, trứng bẩn tạo điều kiện cho trứng trôi nổi có cơ hội tràn lan trên thị trường.

PGS.TS Bùi Hữu Đoàn, Học viện Nông Nghiệp Việt Nam đã từng đánh giá: Một mặt Thông tư làm giảm chi phí gánh nặng cho các hộ sản xuất kinh doanh nhưng lại “làm khó” người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm. “Người dùng rất dễ xơi phải trứng bẩn” – PGS Đoàn nói.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, đại diện của Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định rằng: Bỏ kiểm dịch nhưng không thả nổi chất lượng trứng gia cầm.

Bỏ kiểm dịch nhưng vẫn kiểm soát được dịch bệnh

Cục Thú y cho biết: Các quy định mới về công tác kiểm dịch đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông sản phẩm động vật trên cơ sở vẫn bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh.

Cục Thú Y giải thích: Sở dĩ trứng gia cầm tươi là sản phẩm động vật thuộc diện được miễn kiểm dịch khi lưu thông trong nước, vì đây là một trong những sản phẩm có nguy cơ mang mầm bệnh thấp, đặc biệt là hiện nay tình hình dịch bệnh động vật đã được kiểm soát tương đối tốt, các bệnh truyền nhiễm trên gia cầm như bệnh Cúm cũng đã được kiểm soát và trong nhiều năm qua chỉ xảy ra ở quy mô nhỏ lẻ, rải rác tại các hộ chăn nuôi gia đình.

Bỏ kiểm dịch trứng gia cầm, nhiều người tiêu dùng vừa ăn vừa lo “xơi” phải trứng “bẩn”.

Thêm vào đó, Cục Thú y cũng nhấn mạnh: Mặc dù trứng gia cầm và sản phẩm từ trứng hiện nay không phải thực hiện thủ tục kiểm dịch khi vận chuyển lưu thông trong nước nhưng việc quản lý an toàn thực phẩm đối với trứng và sản phẩm trứng đã được quy định rất rõ tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 giữa Bộ Y tế – Nông nghiệp và PTNT – Công Thương.

Trong đó, trứng tại cơ sở chăn nuôi, sơ chế, bảo quản do Bộ Nông nghiệp và PTNT (cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y) chịu trách nhiệm quản lý.

Trứng lưu thông trên thị trường tại các cửa hàng chuyên kinh doanh 01 mặt hàng trứng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với cơ sở kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 Bộ trở lên (bao gồm cả chợ và siêu thị) thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý trừ chợ đầu mối, đấu giá nông sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý (khoản 5 Điều 3).

Bên cạnh đó, điều 74 Luật thú y có giao cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y: “Trứng tươi, trứng muối và các sản phẩm sơ chế, chế biến từ trứng ở các cơ sở chăn nuôi, sơ chế, bảo quản, kinh doanh” nằm trong Danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y quy định tại mục 2 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trứng thương phẩm được quản lý chặt ra sao?

Liên quan tới những lo lắng của người dân về việc trứng gà có thể nhiễm kháng sinh, Cục Thú y đưa ra quan điểm như sau: Gia cầm nói chung và gà nói riêng, khi đang đẻ mà bị bệnh phải điều trị bằng kháng sinh hoặc sử dụng thức ăn có chứa kháng sinh thì nguy cơ trứng có tồn dư kháng sinh là có thể.

Tuy vậy, Thông tư số 24/2013/TT-BYT ngày 14/8/2013 của Bộ Y tế ban hành “quy định mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm” đã quy định mức tồn dư tối đa thuốc thú y có trong trứng gia cầm.

Theo Điều 74 Luật thú y, “Trứng tươi, trứng muối và các sản phẩm sơ chế, chế biến từ trứng ở các cơ sở chăn nuôi, sơ chế, bảo quản, kinh doanh” nằm trong Danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có Thông tư ban hành danh mục, hàm lượng kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm với mục đích kích thích sinh trưởng tại Việt Nam.

 Các quy định của pháp luật về ATTP đối với trứng thương phẩm đều đã có đầy đủ.

Theo đó, gia cầm đẻ trứng để làm trứng thương phẩm không được dùng thức ăn có bổ sung kháng sinh và Thông tư số 10/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 trong đó quy định danh mục kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Nếu đơn vị nào vi phạm thì sẽ bị xử phạt theo quy định. Điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 119/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi nêu rõ: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với chủ vật nuôi có một trong các hành vi vi phạm; Cố ý sử dụng thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam để phòng, chữa bệnh cho động vật”.

Tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 178/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cũng quy định: “Phạt tiền bằng 120% đến 150% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi kinh doanh sản phẩm động vật tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc có chất tồn dư quá giới hạn cho phép nhưng số tiền phạt tối đa không vượt quá 100.000.000 đồng”. Đồng thời buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 và Khoản 3 Điều này”.

Như vậy, theo Cục Thú y: Các quy định của pháp luật về ATTP đối với trứng thương phẩm có đầy đủ. Khi cơ quan quản lý phát hiện trứng trên thị trường không bảo đảm ATTP đều có thể áp dụng các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính và văn bản quản lý nói chung như nêu ở trên làm căn cứ thực hiện nhiệm vụ, nhằm bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng.

Để bảo vệ người tiêu dùng, tránh mua phải trứng “dởm”, đảm bảo mua đúng trứng sạch, an toàn, Cục Thú y đưa ra lời khuyên: Người dùng có thể dựa vào Tem vệ sinh thú y để nhận dạng sản phẩm đã qua kiểm tra vệ sinh thú y.

Bởi trứng và sản phẩm trứng sau khi đã được kiểm tra vệ sinh thú y, nếu được bao gói thì có thể dùng Tem vệ sinh thú y (khoản 2 và 3 Điều 30 của Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT) hoặc sử dụng hình thức đánh dấu kiểm tra vệ sinh thú y

“Tại các chợ bán lẻ và siêu thị Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra xem trứng tại đó đã được kiểm tra vệ sinh thú y hay chưa? Mặt khác, để xã hội hóa, chủ hàng sẽ cam kết tự chịu trách nhiệm với các sản phẩm trứng công bố. Trường hợp cơ sở chăn nuôi, sản xuất trứng có yêu cầu kiểm dịch vận chuyển, có thể liên hệ với cơ quan thú y” – Cục Thú y nhấn mạnh.

Dương Phương Ngọc

Theo http://vietq.vn/