Vừa qua, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm 25 người phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang – thuộc TP. Châu Đốc do ăn bánh mì kẹp pate chả lụa. Vì tính tiện lợi nên việc sử dụng thức ăn ngay thường được lựa chọn, đặc biệt là các loại bánh mì kẹp thịt. Thường các sản phẩm này dễ bị hư hỏng trong quá trình kinh doanh, bảo quản do để ở nhiệt độ thường hoặc tồn trữ trong các thùng đá không đủ độ lạnh cộng với môi trường nắng nóng, nhiều gió, bụi, côn trùng, nên thực phẩm rất dễ bị ô nhiễm vi sinh vật nhanh chóng hư hỏng, biến chất là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Để phòng tránh nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm đối với các loại bánh mì kẹp thịt, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp sau:
Đối với người kinh doanh cần:
– Kinh doanh phải cách biệt nguồn ô nhiễm.
– Các nguyên liệu chế biến phải có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn dùng.
– Bao gói chứa đựng thức ăn phải đảm bảo an toàn và vệ sinh.
– Pate, chả lụa, xíu mại, bì, thịt, gan… và các loại dưa ăn kèm phải bảo quản đúng nhiệt độ; không để ở nhiệt độ thường quá 2h.
– Thức ăn phải để trong tủ kính chống được bụi bẩn, côn trùng gây hại và trưng bày cao (cách mặt đất ít nhất 60cm)
– Trang phục sạch sẽ và gọn gàng. Sử dụng găng tay 1 lần hoặc dùng kẹp gắp, không dùng tay bóc trực tiếp thức ăn.
Đối với người tiêu dùng thì khi mua bánh mì pate, chả lụa, … cần chú ý:
– Nơi bày bán cách xa nguồn ô nhiễm, tránh được mưa nắng, bụi, côn trùng, …. Nơi bán hàng sạch sẽ, và có các tủ, kệ, trang thiết bị để bảo quản và chứa đựng thức ăn. Người bán hàng phải mang bao tay hoặc sử dụng kẹp, gắp thức ăn.
– Trong quá trình tổ chức đi du lịch, vui chơi nếu mua bánh mì kẹp thịt để mang theo thì phải trữ lạnh ở đúng nhiệt độ hoặc không để ở nhiệt độ thường trong thời gian lâu quá 2 giờ để tránh làm thực phẩm mau hư hỏng….
PHÒNG THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG VÀ QUẢN LÝ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM
CHI CỤC AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM AN GIANG