Hướng tới sự hài lòng của người dân

0
1538
image_printIn bài viết

(AGO) – Qua quá trình triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” (gọi tắt là “một cửa”) đồng bộ tại An Giang cho thấy sự thay đổi căn bản từ nhận thức, phương pháp và lề lối làm việc của đội ngũ công chức. Đây là tiền đề vững chắc để An Giang hướng đến xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ Nhân dân.

100% cơ quan hành chính từ tỉnh đến xã đã thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả (TN&TKQ) để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế “một cửa” (19 sở, ban, ngành; 11 UBND cấp huyện; 156 UBND cấp xã). Bộ phận TN&TKQ UBND cấp xã, huyện được nâng cấp khang trang, trang bị đầy đủ các thiết bị máy móc cần thiết hiện đại, đảm bảo phục vụ yêu cầu của tổ chức, công dân ngày càng tốt hơn. Trung tâm Hành chính công của tỉnh được thành lập, chất lượng hoạt động của Bộ phận TN&TKQ các cấp không ngừng nâng lên; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan hành chính (CQHC) Nhà nước các cấp và đội ngũ công chức tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết TTHC; đẩy mạnh thực hiện nhiều dịch vụ công trực tuyến, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử tại An Giang.

36T9-HC.jpg

Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan hành chính. Ảnh: H.C

Cơ chế “một cửa” trong giải quyết TTHC cho tổ chức, người dân được lãnh đạo tỉnh quan tâm thường xuyên, chỉ đạo triển khai thực hiện chặt chẽ; hồ sơ, thủ tục giải quyết theo đúng quy trình, niêm yết công khai, không còn sự chồng chéo và phân công cụ thể giữa từng bộ phận, công chức trong từng cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp để giải quyết nhanh chóng, góp phần giảm bớt tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà, hạn chế sự tùy tiện, kéo dài thời gian trong giải quyết TTHC; khâu tiếp nhận hồ sơ và khâu thụ lý, giải quyết được tách ra, tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ với tổ chức, công dân; giúp lãnh đạo cơ quan, địa phương quản lý, giám sát được quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Việc thực hiện cơ chế “một cửa” còn là giải pháp hữu hiệu làm thay đổi phương thức làm việc của CQHC Nhà nước ở An Giang, góp phần đổi mới cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch với CQHC, giảm được tình trạng cá nhân, tổ chức phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều cơ quan, nhiều cấp hành chính để giải quyết công việc. Qua đó, tạo điều kiện để chính quyền gần dân hơn, chống tệ nạn quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong đội ngũ cán bộ, công chức; cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu giao dịch không còn cảm giác ngại ngần khi tiếp xúc với CQHC; từng bước tách dần công việc quản lý chuyên sâu với các công việc sự vụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giải quyết tốt nhất các công việc liên quan tới cá nhân, tổ chức của CQHC Nhà nước.

Trong điều kiện của tỉnh hiện nay, thực hiện cơ chế “một cửa” giúp sắp xếp, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất trong từng CQHC, góp phần phát huy quyền dân chủ của người dân, tăng cường sự giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của CQHC và đội ngũ cán bộ, công chức. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ trong giải quyết các công việc cho tổ chức và cá nhân. Sự hài lòng, tin tưởng của người dân, tổ chức trong và ngoài nước vào chính sách phát triển kinh tế – xã hội đã tăng lên rõ rệt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức thực hiện cơ chế “một cửa” vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Một số quy định của Chính phủ, các bộ, ngành thiếu đồng bộ, chưa thống nhất; tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, công chức ở Bộ phận TN&TKQ chưa thật sự tốt; công tác kiểm tra đôi lúc chưa toàn diện. Cơ chế chính sách bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ CCHC và tại Bộ phận TN&TKQ CQHC các cấp còn thấp, chưa tạo được động lực cho cán bộ, công chức…

Để thực hiện cơ chế “một cửa” phù hợp với tình hình thực tế, tỉnh kiến nghị cần có quy định của Chính phủ cụ thể về mô hình Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện thống nhất trên phạm vi toàn quốc; hỗ trợ kinh phí để địa phương mua sắm trang thiết bị hiện đại cho Bộ phận TN&TKQ ở các cấp. Cần có sự thống nhất việc đưa công chức của các cơ quan ngành dọc Trung ương làm việc tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, huyện để phối hợp giải quyết TTHC, tạo thuận tiện cho tổ chức, người dân. Bộ Tài chính điều chỉnh Thông tư số 172/2012/TT-BTC ngày 22-10-2012 theo hướng điều chỉnh, bổ sung đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ và nâng mức hỗ trợ, phụ cấp tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yên tâm công tác, cống hiến lâu dài.

NGÔ HỒNG YẾN

Theo http://www.baoangiang.com.vn/