Không phát hiện chất xyanua trong cá biển ở Hà Tĩnh

0
1652
image_printIn bài viết
Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia kết luận, không phát hiện thành phần hóa học xyanua và phenol trong 7 mẫu cá, mực ở Hà Tĩnh.
khong-phat-hien-chat-xyanua-trong-ca-bien-o-ha-tinh

Kết quả kiểm nghiệm thực phẩm biển ở Hà Tĩnh được công bố vào chiều nay.

Giám định 7 mẫu cá biển và mực tươi được nhà chức trách Hà Tĩnh lấy mẫu ngày 5-7/5 tại khu vực các gò cá ở xã Thạch Hải (Thạch Hà), Thạch Kim (Lộc Hà) và Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh), Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia kết không phát hiện hai thành phần chất hóa học là xyannua và phenol. Với các kim loại như sắt, đồng, kẽm… hàm lượng đều trong ngưỡng cho phép.

Trao đổi với VnExpress, ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Tĩnh) cho biết, Bộ Y tế chỉ đạo một tuần lấy mẫu các loại hải sản hai lần. “Khi nào các thông số từ môi trường đến y tế thực sự ổn định mới thôi, thời điểm này đang cần phải giám sát thêm”, ông Hùng nói.

khong-phat-hien-chat-xyanua-trong-ca-bien-o-ha-tinh-1

Cá biển, mực tươi được đánh bắt ở vùng biển Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ảnh: Đức Hùng

Đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè gần khu kinh tế Vũng Áng bị chết. Hiện tượng bất thường này lan dần theo hướng Bắc – Nam đến Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế). Khoảng 70 tấn cá biển tự nhiên, 30 tấn cá nuôi lồng bè đã chết. Theo kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên công bố tối 27/4, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa (còn gọi thủy triều đỏ) có thể là nguyên nhân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó đã chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương lập đoàn kiểm tra, xác định nguyên nhân chính xác gây ra thảm họa môi trường này. Formosa là đối tượng kiểm tra bởi có hệ thống xả ngầm xuống biển.

Ngày 7/5, đoàn liên ngành với sự tham gia của 7 bộ gồm Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công Thương, Công an, Quốc phòng cùng Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đã kết thúc đợt thanh tra, đưa các số liệu, tài liệu ghi nhận ở Khu Kinh tế Vũng Áng về Hà Nội phân tích, từ đó có kết luận cuối cùng về việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường của Formosa.

Trong cuộc họp cùng lãnh đạo 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế chiều 23/4, đại diện Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định không có mầm bệnh truyền nhiễm khiến cá chết, mà do một yếu tố độc tố rất mạnh từ môi trường. Độc tố đó có thể là yếu tố về sinh học, hóa học, kim loại từ bên trong một cơ sở nào đó xả ra.

Xyanua hay cyanide là tên gọi các hóa chất cực độ có ion, gồm một nguyên tử cacbon và một nguyên tử nitơ. Xyanua được tìm thấy trong những hợp chất (là những chất được hình thành từ hai hay nhiều hóa chất và có thể phản ứng với kim loại và những hợp chất hữu cơ khác).

Phần lớn lượng xyanua có trong nước và đều xuất phát từ quá trình công nghiệp. Nguồn thải chính của xyanua vào trong nước là nguồn thải từ quá trình khai thác mỏ, công nghiệp hóa chất hữu cơ, những công việc liên quan sắt và thép. Đặc biệt trong công nghiệp luyện thép, xyanua là độc chất chính gây ô nhiễm, và những phương pháp xử lý chống lãng phí nước của con người.

Phenol là chất rắn tinh thể, không màu, có mùi đặc trưng, nóng chảy ở 43 độ C, tan vô hạn ở 66 độ C. Phenol là những hợp chất hữu cơ trong phân tử có nhóm OH liên kết trực tiếp với nguyên tử C vòng benzen. Hợp chất này ít tan trong nước lạnh, phenol rất độc, gây bỏng nặng khi rơi vào da.

Đức Hùng

Theo nguồn http://vnexpress.net