Vào khoảng 09 giờ 40 phút ngày 06 tháng 02 năm 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm An Giang nhận được thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới nghi ngờ có 1 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn do một hộ dân tổ chức nấu và cung cấp miễn phí sản phẩm Chè đậu trắng cho những người sống lân cận và người đi đường. Qua điều tra ban đầu đã có 88 người mắc, trong đó có 53 người tự điều trị tại nhà, 35 người nhận viện (đã có 05 người chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh).
Nhằm phòng chống ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm An Giang khuyến cáo đến các tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm thực phẩm miễn phí và người dân như sau:
1. Đối với tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm thực phẩm miễn phí phải bảo đảm bảo đảm các yêu cầu sau:
– Sản phẩm thực phẩm được tặng miễn phí, hoặc trong chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán, … phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, bao bì nguyên vẹn, chấp hành đúng các quy định về đăng ký, tự công bố sản phẩm, phân phát sản phẩm, ….
– Trong quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm, các tổ chức, cá nhân tự tổ chức nấu ăn để cấp phát miễn phí cần bảo đảm:
+ Nguyên liệu dùng để chế biến phải còn hạn sử dụng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
+ Khu vực chế biến, nấu ăn phải sạch sẽ, cách biệt với các nguồn ô nhiễm.
+ Dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín riêng biệt, bảo đảm vệ sinh
+ Có đủ nước sạch để sử dụng.
+ Có nơi rửa tay; thực hiện rửa tay trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm.
+ Có thùng đựng rác, bảo đảm có nắp đậy.
+ Tuân thủ các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm trong bảo quản, vận chuyển thực phẩm. Lưu ý đảm bảo các điều kiện về nhiệt độ bảo quản; các biện pháp phòng chống bụi bẩn, côn trùng, …; phương tiện vận chuyển và dụng cụ bảo quản không làm ô nhiễm thực phẩm.
2. Đối với người tiêu dùng thực phẩm:
– Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm nghi ngờ không đảm bảo an toàn như: sản phẩm đã hết hạn sử dụng, bao bì bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
– Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; không được để các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật hoặc các chất gây độc khác ở trong khu vực chế biến thực phẩm.
– Khi chế biến thực phẩm cần bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện ăn chín, uống chín.
– Cần bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín: Thức ăn cần được che đậy để tránh bụi, ruồi hay sự xâm nhập của côn trùng và các động vật gây hại. Không để lẫn thực phẩm sống và thức ăn chín vì dễ nhiễm vi khuẩn. Lưu ý đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi ăn, khi thức ăn bị hỏng cần đổ bỏ.
– Người dân khi gặp phải các triệu chứng ngộ độc thực phẩm (đau bụng, tiêu chảy, nôn, …) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Phòng Nghiệp vụ – Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm An Giang