Liên kết đưa nông sản An Giang ra thế giới

0
1392
image_printIn bài viết

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi (thứ 2, bên trái) tham quan dây chuyền sản xuất sả ớt của Công ty Thuận Phong

(AGO) – Cùng với trái cây tươi, những sản phẩm từ rau, củ, quả, các món tưởng như “ăn chơi” ở miền quê như: Chuối chiên, chuối bọc nếp nướng, kem trái cây… được ứng dụng công nghệ tiên tiến để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu… Nếu đi theo hướng đi này, An Giang sẽ có những sản phẩm thế mạnh.

Nhà máy hiện đại, sản phẩm độc đáo

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi dẫn đầu đoàn công tác của An Giang đến tham quan và làm việc với Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong (Công ty Thuận Phong), trụ sở đặt tại ấp Long Hòa (xã Giao Long, huyện Châu Thành, Bến Tre). Đoàn An Giang ấn tượng với quy mô nhà máy chế biến nông sản rộng 10 héc-ta, được công ty dành hơn 500 tỷ đồng để đầu tư. Toàn bộ dây chuyền máy móc đều sử dụng công nghệ tiên tiến, được nhập khẩu và lắp ráp bởi các công ty chuyên nghiệp. Trong đó, nổi bật nhất là hệ thống kho lạnh với sức chứa 6.000 tấn, giữ tươi sản phẩm ở nhiệt độ -20oC. Ngoài ra, còn có hệ thống cấp đông nhanh ở nhiệt độ -40oC, đảm bảo chất lượng nông sản ngay sau khi chế biến.

Trong lúc làm việc, trao đổi với Công ty Thuận Phong, đoàn An Giang được mời dùng các món ăn dân dã, như: Chuối bọc nếp nướng ăn cùng nước cốt dừa, chuối tẩm bột chiên, trái cây tươi, kem xoài, mãng cầu, đu đủ, sầu riêng… Đây đều là những sản phẩm được cấp đông để xuất khẩu, kể cả chuối nướng, chuối chiên và nước cốt dừa. Trước khi đãi khách, nhân viên công ty mới mang sản phẩm ra khỏi tủ đông, đưa vào lò vi sóng (đối với chuối nướng), chiên lại với dầu (đối với chuối chiên), để rã đông tự nhiên (trái cây tươi, nước cốt dừa), ăn trực tiếp (kem trái cây). Điều đặc biệt là các sản phẩm đều có mùi vị thơm ngon tự nhiên, cứ như là sản phẩm chế biến trực tiếp, chưa qua cấp đông. “Đối với kem, nhà máy sử dụng 100% trái cây tươi tự nhiên, sản xuất trên dây chuyền tự động, chỉ cần đưa nguyên liệu trái cây vào là ra sản phẩm kem que. Vừa rồi, đoàn doanh nghiệp (DN) Nhật Bản sang tham quan nhà máy, thấy sản phẩm kem trái cây ngon đã đặt hàng ngay 1 triệu cây kem”-  Giám đốc Công ty Thuận Phong Nguyễn Văn Phòng, chia sẻ.

Là một DN có hơn 10 năm thành công trong lĩnh vực xuất khẩu phở, bánh hỏi, bún khô của Việt Nam ra thế giới, khi quyết định đầu tư vào nhà máy chế biến nông sản hiện đại, Công ty Thuận Phong chấp nhận thử thách mới. “Vốn liếng, nhà máy, công nghệ chúng tôi hoàn toàn chủ động được nhưng lo nhất là vùng nguyên liệu đạt chất lượng. Hơn 2 năm đi tìm vùng nguyên liệu ở ĐBSCL, chúng tôi thấy khó xây dựng vùng nguyên liệu đạt yêu cầu, ổn định lâu dài” – ông Phòng chia sẻ.

Đáp ứng nhu cầu

Cách tiếp cận của Công ty Thuận Phong như một hướng đi mới của nông nghiệp Việt Nam khi công ty không chọn cách xuất khẩu sản phẩm thô như nhiều DN khác mà chú trọng vào sản phẩm giá trị gia tăng. “Nhu cầu thế giới rất cần các sản phẩm chế biến từ trái cây, rau, củ, quả tươi của Việt Nam nhưng sản xuất hiện nay chưa đáp ứng được. Ví dụ như đối với nước cốt dừa, chúng tôi có thể chiết xuất dầu dừa nguyên thủy, là loại dầu trắng có giá trị cao trong ăn uống, mỹ phẩm. Những sản phẩm như: Gừng, sả, ớt… mình hoàn toàn có thể chế biến, phối trộn, cấp đông để xuất khẩu. Dự kiến quý I-2018, nhà máy sẽ triển khai giai đoạn II, đưa vào dây chuyền chế biến nước trái cây đóng hộp giấy, lon nhôm, chai pet. Đồng thời, tăng dây chuyền sản xuất kem que trái cây tự động. Muốn vậy, phải có vùng nguyên liệu ổn định lâu dài, đạt tiêu chuẩn chất lượng” – ông Phòng thông tin.

Sau khi tham quan nhà máy trị giá hơn 500 tỷ đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi đánh giá rất cao việc đầu tư công nghệ chế biến hiện đại cũng như khâu phân phối ra thị trường thế giới của Công ty Thuận Phong. “An Giang có thế mạnh trồng lúa nhưng cây lúa đã đạt đỉnh sau thời gian dài theo đuổi. Đa phần những sản phẩm Công ty Thuận Phong đang chế biến, An Giang đều có thể cung cấp nguyên liệu. Quan trọng nhất là khâu sản xuất đạt yêu cầu chất lượng. Điều này An Giang đã có kinh nghiệm khi liên kết với các DN khác” – ông Thi nhấn mạnh.

Nhân chuyến làm việc tại Bến Tre, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Anh Thư và Giám đốc Công ty Thuận Phong Nguyễn Văn Phòng đã ký hợp đồng nguyên tắc hợp tác xây dựng, phát triển mô hình trồng xoài cát chu và một số nông sản khác theo quy trình có kiểm soát chất lượng gắn tiêu thụ sản phẩm tại An Giang. “An Giang đã phát triển được vùng nguyên liệu xoài khá lớn nhưng lâu nay phụ thuộc xuất khẩu sản phẩm nguyên trái vào Trung Quốc. Việc hợp tác với Công ty Thuận Phong sẽ mở ra hướng đi mới, đầu tư vào các sản phẩm giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân”- ông Trần Anh Thư đánh giá.

Giai đoạn I của chương trình hợp tác, có 2 điểm tại TP. Long Xuyên và 2 điểm tại huyện Chợ Mới được chọn xây dựng vùng nguyên liệu tập trung với diện tích từ 20 – 50 héc-ta/điểm. “Đây là bước khởi đầu cho việc mở rộng hợp tác về sau. Lãnh đạo tỉnh mong muốn bà con nông dân khi tham gia vùng nguyên liệu, cần tuân thủ tốt quy trình canh tác, giữ chữ tín trong liên kết làm ăn. Tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ bà con về hạ tầng, thủy lợi, bơm điện… Ban đầu là xoài, sau đó sẽ liên kết xây dựng vùng nguyên liệu ớt, khoai cao, sả, bắp non… theo nhu cầu của Công ty Thuận Phong”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi đề nghị.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Theo http://baoangiang.com.vn/