Mất gần 20 năm sữa nước mới được gọi đúng tên ­­­­­­

0
1885
image_printIn bài viết

Kể từ tiêu chuẩn 7028 ban hành năm 2002, đến nay các sản phẩm sữa nước mới được quy định lại về tên gọi cho đúng.

Cuộc họp do Bộ Y tế chủ trì mới đây đã đi đến thống nhất sẽ bãi bỏ khái niệm “sữa tiệt trùng” và thay thế bằng khái niệm “sữa hoàn nguyên” và “sữa hỗn hợp” – thay đổi căn bản trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng năm 2010.

Sữa tươi và sữa tiệt trùng nhiều năm nay được không ít người tiêu dùng đồng nhất chúng là một. Sữa tươi (sữa tươi nguyên liệu vắt từ cơ thể bò, dê… được thanh trùng – loại bỏ vi khuẩn, vi trùng có hại bằng công nghệ nhiệt) đã bị đồng nhất với sữa hoàn nguyên (dùng sữa bột nhập khẩu hóa lỏng bằng nước, chế biến thêm các thành phần cho giống sữa tươi) dưới tên gọi sữa tươi tiệt trùng.

Mat gan 20 nam sua nuoc moi duoc goi dung ten ­­­­­­
Sữa tươi và sữa tiệt trùng nhiều năm nay được không ít người tiêu dùng đồng nhất chúng là một.

Những nhập nhèm đó khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi suốt gần 20 năm. Trong quy chuẩn cũ, sữa tươi tiệt trùng là sản phẩm phải được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu, qua xử lý ở nhiệt độ cao và nếu có bổ sung sữa bột hoặc các loại chất dinh dưỡng thì hàm lượng pha chế thêm này không quá 1%.

Quy định rõ ràng nhưng hầu hết các hãng sữa đều nhập nhèm; sữa nước hoàn nguyên được mang những nhãn hiệu “sữa tươi tiệt trùng…”, “sữa tiệt trùng…” dễ gây nhầm tưởng là sữa tươi.

Điều này dễ hiểu, vì với sữa tươi 100%, thời gian bảo quản ngắn (chỉ 2 – 10 ngày), chi phí sản xuất cao hơn. Trong khi với sữa hoàn nguyên sử dụng sữa bột nguyên liệu nhập khẩu, chi phí sản xuất thấp, dễ bảo quản hơn (hạn sử dụng sáu-tám tháng). Trên bao bì, nhiều doanh nghiệp chỉ ghi thành phần chung chung là sữa tươi, nước, sữa bột… mà không công bố rõ tỷ lệ từng thành phần, nên cũng khó loại trừ có những loại sữa được hoàn nguyên 100% từ sữa bột.

Những nhập nhèm trong nhãn mác đã khiến thị trường sữa méo mó suốt một thời gian dài. Doanh nghiệp ra đời sau, phát triển đàn bò lấy sữa tươi nguyên liệu làm sữa thanh trùng (sữa tươi) lại chẳng thể cạnh tranh với số lượng đông đảo các loại sữa hoàn nguyên từ sữa bột.

Bên cạnh đó, không ít người tiêu dùng vô tình được sử dụng sữa tươi thứ thiệt khi đi du lịch đến các vùng bò sữa hoặc mua trực tiếp từ những hộ nuôi bò thì mới biết mình xưa nay uống phải sữa hoàn nguyên. Lúc này, dù đây không phải là cách tiêu dùng phổ biến, nhưng nhiều người đã chọn đến các hộ bán sữa tươi thanh trùng nhỏ lẻ. Các hộ nhỏ này lại khó trang bị đủ dụng cụ thanh trùng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là chưa nói đến vấn đề an toàn của nguồn bò cho sữa, vì bò sữa cũng là một trong những vật nuôi sử dụng nhiều và dễ bị tồn dư kháng sinh trong sữa.

Nhiều nhà sản xuất sữa lấy lý do nguồn sữa nước nguyên liệu ở Việt Nam chưa đủ nên các doanh nghiệp phải nhập sữa bột về chế biến sữa hoàn nguyên. Cách biện hộ này chỉ là lấp liếm để hòng đạt lợi nhuận “khủng”. Nếu doanh nghiệp đặt quyền lợi người tiêu dùng cao hơn lợi nhuận thì không phải đợi đến hơn một thập niên, sản phẩm sữa nước mới được gọi đúng tên của nó.

Người tiêu dùng luôn muốn mua sữa tươi đúng với chất lượng mình mong muốn. Nên khi tên gọi các sản phẩm sữa được công bố rõ ràng; số đông sẽ chọn lựa sữa tươi đúng chuẩn mà họ muốn thay vì mua nhầm sữa hoàn nguyên bị “đánh lận” như trước đây. Hiện chưa có doanh nghiệp trong ngành sữa “chịu” lên tiếng về quy định mới.

Điều này cũng dễ hiểu, vì sau khi tên gọi của sản phẩm được minh bạch, chi phí mà họ phải gánh thêm như thay đổi cách nhận diện trên bao bì là đáng lo, nhưng đây chưa hẳn là chuyện lớn.

Vấn đề lớn hơn đó là doanh nghiệp phải đối diện với người tiêu dùng: “Làm sao để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm?”. Và “Có cách nào để doanh nghiệp giành lấy lại sự tín nhiệm, xóa bỏ nỗi nghi ngờ về việc “lỡ” thiếu trách nhiệm xã hội, “qua mặt” người mua đối với sản phẩm thuộc dòng có sức tiêu thụ lớn, là một trong những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong lĩnh vực thực phẩm ở Việt Nam trong thời gian qua?”. Người tiêu dùng vẫn trông chờ sự chân thành từ doanh nghiệp.

Thư Hùng

Theo nguồn http://phunuonline.com.vn