Nguy cơ ngộ độc khi sử dụng sữa chua bảo quản không đúng cách

0
2994
image_printIn bài viết

(VietQ.vn) – Sữa chua là mặt hàng có nguy cơ cao mất an toàn vệ sinh thực phẩm và gây ngộ độc nếu không biết bảo quản đúng cách.

 Sản phẩm sữa chua được bày bán tràn lan nhưng không được bảo quản theo nhiệt độ ghi trên bao bì. Ảnh H.Vi

Hiện nay, rất nhiều cửa hàng và nhiều người bảo quản sữa không đúng cách sẽ làm cho sữa chua không đảm bảo chất lượng gây mất an toàn và có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.

Qua khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, rất nhiều cửa hàng tạp hóa bán lẻ gần bến xe Mỹ Đình, đường Cầu Diễn, Phú Đô … sữa được bày bán tràn lan nhưng hề được bảo quản đúng quy định.

Một cửa hàng tạp hóa trong làng Phú Đô bày bán sữa chua kèm sữa đậu nành, sữa tươi hộp các loại … để trên sập kê bằng tấm ván cách mặt đất chừng 30 cm, để ngay phía ngoài cửa ra vào bày tràn ra cùng đồ uống và bimbim với nhiệt độ ngoài trời. Dù ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày hè thì sữa vẫn để ở ngay đường ra vào của cửa hàng để bán cho khách hàng.

Còn tại một cửa hàng khác tại Hồ Tùng Mậu, rất nhiều sữa chua được bày bán kèm lẫn với bánh kẹo, xà bông, mì tôm và một số mặt hàng đồ háo chất, đồ khô, nhưng không hề được bảo quản trong tủ lạnh hay nhiệt độ phù hợp ghi trên nhãn của sản phẩm. Liệu chất lượng sữa có bị thay đổi và có thể bị hỏng khi tới người sử dụng hay không?

Biện minh cho vấn đề này, chủ một cửa hàng tạp hóa cho biết, cửa hàng có bán nhiều loại sữa cả hộp, sữa bột và sữa tươi. Dù có đầu tư 2 tủ lạnh, nhưng không thể đủ diện tích cho toàn bộ sữa vào đó được, vì còn phải cho các thứ khác nên một phần sữa chua phải bỏ ra ngoài để bán. Khách có người thích dùng lạnh, có người không thích dùng lạnh nên để vậy cho tiện phục vụ.

” Hướng dẫn trên bao bì là nên để lạnh ở nhiệt độ  từ 2- 8 độ nhưng tôi để ở ngoài cả tuần cũng có thấy hỏng đâu”,  người chủ quán phân bua.

Chị Kim Xuyến (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, đã có lần chị mua ở ngoài cửa hàng tạp hóa 2 lốc sữa chua 8 hộp thì có tới 2 hộp bị vón cục và có hộp bị mốc. Mặc dù hạn sử dụng trên hộp vẫn còn tới 5 ngày.

Cũng cùng gặp tình trạng này, chị Hoàng Thị Giao Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, chị mua 1 lốc sữa chua ở quán tạp hóa gần nhà cho con chị, khi về nhà bóc ra thì thấy có mùi lạ và mốc bám ở trên mặt. “Quả thực là cũng bức xúc nhưng vì quá ít hơn nữa mua của người quen nên đành ngậm ngùi vứt bỏ”, chị Linh cho biết.

 Sữa chua được bày cùng một số sản phẩm khác và không được bảo quản ở nhiệt độ quy định. Ảnh H.Vi

Theo quan sát của PV, trên sản phẩm sữa chua hộp nhỏ có ghi nhiệt độ bảo quản từ 2 – 8 độ C mới đảm bảo an toàn. Nhưng hầu hết các cửa hàng đều không làm theo yêu cầu của nhà sản xuất về nhiệt độ bảo quản sữa.

Lý giải về việc bảo quản sữa của các cửa hàng nhỏ lẻ, dại diện một công ty cho biết quản lý chất lượng sữa ở Việt Nam rất khó khăn với doanh nghiệp và nhà phân phối. Bởi vì, các cửa hàng đại lý nhỏ nên việc cung cấp tủ lạnh, giám sát bảo quản tại điểm bán rất khó với doanh nghiệp.

TS-BS Trần Văn Ký – phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam, Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam – cho biết bảo quản sữa không đúng cách làm rút ngắn thời gian sử dụng của sản phẩm khiến hạn sử dụng, thông tin quan trọng để người tiêu dùng chọn mua sản phẩm, không còn giá trị.

Theo TS-BS Ký, các sản phẩm như sữa chua, nước uống lên men, váng sữa… khi gặp nhiệt độ cao sẽ mau bị ôxy hóa, có thể sinh ra các chất mới có hại cho con người khi sử dụng. Do đó, người tiêu dùng không nên mua và sử dụng các sản phẩm này vì xác suất mua phải sản phẩm hư hỏng rất cao và nên mua hàng ở những nơi sản phẩm được bảo quản theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất.

Về việc bảo quản, nhà sản xuất khuyến cáo sản phẩm sữa chua phải được bảo quản đảm bảo nhiệt độ tiêu chuẩn từ 2 – 8 độ C. Nhưng khi vận chuyển tới các cửa hàng nhỏ, tạp hóa việc bảo quản không được trú trọng tiêu chuẩn nhiệt độ sẽ làm cho sữa bị hỏng, nếu khách hàng không để ý sẽ sử dụng phải những sản phẩm này, nặng có thể bị ngộ độc, nhẹ thì ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.

Theo khuyến cáo của Cục an toàn thực phẩm – Bộ Y tế, khách hàng chỉ nên mua những sản phẩm sữa được bán tại nới đủ điều kiện bảo quản thực phẩm theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất, nơi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm sữa phải còn nguyên vẹn, có đầy đủ nhãn mác, hạn sử dụng. Đối với sản phẩm mua về sử dụng tại gia đình, cần bảo quản theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Sữa tươi chứa trong bịch giấy thì càng dễ hỏng hơn. Vì vậy nếu các đại lý bán bảo quản không tốt như đặt sữa bên ngoài hay trong nhà nhưng bị nắng trực tiếp chiếu vào; đặt quá nhiều thùng sữa chồng lên nhau hay nhiều thùng sản phẩm khác chồng lên thùng sữa; vỏ hộp, vỏ thùng sữa có dấu vết xây xát, móp méo… thì không nên mua.

Ngoài ra, cũng không nên mua sữa chua nếu nó không được bảo quản trong tủ lạnh. Bởi loại sữa này cần được bảo quản liên tục ở nhiệt độ 4 – 8 độ C mới đảm bảo giữ được chất lượng sản phẩm. Khi mua về mở hộp ra hoặc sau khi pha sữa, nếu thấy sữa bị đóng cục, có màu hay mùi khác lạ thì không nên dùng.

Trên thị trường sữa tươi hiện nay có 2 loại là sữa tươi thanh trùng và sữa tươi tiệt trùng. Sữa tươi thanh trùng thường được đóng trong chai nhựa hoặc túi nilông, thời gian sử dụng ngắn, thường 3 – 7 ngày với điều kiện luôn luôn được bảo quản lạnh thì sữa mới không bị hỏng.

Sữa tươi tiệt trùng theo phương pháp hiện đại chứa trong hộp giấy thì không cần giữ lạnh trước khi mở hộp, nhưng sau khi mở hộp thì phải bảo quản trong tủ lạnh và dùng hết trong vòng 48 giờ. Nếu sữa vắt ra chỉ được nấu sôi tiệt trùng theo phương pháp thủ công tại hộ gia đình và chứa trong chai với nút đậy sơ sài thì nên trữ lạnh và dùng hết trong vòng 24 giờ. Chú ý để đảm bảo an toàn vệ sinh, thời gian nấu sôi sữa tươi phải đủ 30 phút, chai đựng phải rửa sạch và luộc trước khi đựng sữa.

BS. Kim Anh (Viện Dinh dưỡng)

Mậu Đức
Theo nguồn http://vietq.vn/