(AGO) – Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, các loại dịch bệnh tiêu chảy cấp, dịch tả sinh sôi, phát triển. Trong khi hiện nay, người dân có thói quen mua bán, sử dụng thức ăn đường phố. Chính vì mua bán tràn lan trên đường phố nên hầu hết các loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và các loại dịch bệnh liên quan do thực phẩm gây ra.
Khoảng 4-5 giờ chiều, trên nhiều tuyến đường, như: Lê Minh Ngươn, Nguyễn Trãi, Hà Hoàng Hổ, trước cổng Trường phổ thông Thực hành Sư phạm… hàng chục xe đẩy, tủ kiếng, xe đạp, quán bán đồ ăn vặt, ăn đêm nhộn nhịp. Tại đây bày bán đủ các món: Bánh tráng trộn, xoài lắc, bánh tằm, bánh kẹp, xôi, cơm tấm, hủ tiếu… Hầu hết họ dùng tay bố thịt, pa-tê… xắt xong vừa bỏ dao xuống là cầm lấy tiền thối lại cho khách. Chính vì quán vỉa hè, mua bán tạm bợ nên nguồn nước rửa không có, chỉ với 2 thùng nước nho nhỏ, cứ trụng vào lấy ra nên có thể rửa cả trăm lượt tô, dĩa, muỗng, đũa. Nhiều quán ăn vỉa hè không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), thậm chí bày bán ngay trên miệng cống nhưng vẫn rất hút khách.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Chí Công, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Thức ăn đường phố tiện lợi nhưng nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Trong khi việc quản lý, xử phạt loại hình dịch vụ này vô cùng khó khăn. Nhất là bánh mì, các phụ gia, như: Dưa chua, pa-tê gan, pa-tê, chả lụa do không được bảo quản lạnh, để trong tủ kiếng, bày bán đầy bụi bặm, cộng thêm nắng nóng vi khuẩn dễ phát triển gây đau bụng, ngộ độc cho người dùng. Điển hình như vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra ngày 22-2-2017, tại bếp ăn Trường tiểu học “B” thị trấn Ba Chúc (Tri Tôn) 24 em phải nhập viện do bị đau bụng, nôn và buồn nôn, đau đầu. Do cơm trắng, thịt nướng, đậu đũa xào, trà đường, bánh bao chiên bị nhiễm E.coli, coliforms”.
Năm 2016, Chi cục ATVSTP đã kiểm tra 12.567 cơ sở sản xuất- kinh doanh thực phẩm dịch vụ ăn uống, tỷ lệ cơ sở đạt 78%, phạt tiền 383 cơ sở gần 600 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là: Chưa qua tập huấn kiến thức ATTP, điều kiện vệ sinh, trang thiết bị dụng cụ không bảo đảm. Tuy đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, tuyên truyền, nhưng tình hình ngộ độc thực phẩm không giảm, thậm chí tăng so cùng kỳ. Năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với 50 người mắc, trong đó 2 vụ tại huyện Châu Phú với 42 người mắc, do thức ăn bị nhiễm vi sinh. Đầu năm đến nay xảy ra 1 vụ ở huyện Tri Tôn.
Nắng nóng nên thực phẩm dễ lên men, ôi thiu, người dân phải chú ý trong ăn uống, không nên ăn nhiều tại những hàng quán ở chợ, vỉa hè, vừa không đảm bảo vệ sinh, vừa có nguy cơ ăn phải đồ ôi thiu, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bác sĩ Công khuyến cáo: Thời gian sau khi chế biến đến ăn an toàn trong 2 giờ, để càng lâu nguy cơ ngộ độc càng cao. Để hạn chế nguy cơ ngộ độc người bán phải ý thức trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến. Người tiêu dùng cần chọn mua, sử dụng các sản phẩm an toàn, hợp vệ sinh. Đặc biệt, trong giai đoạn nắng nóng như hiện nay, để bảo đảm sức khỏe, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng thức ăn đường phố.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Sử, Trưởng Phòng Y tế TP. Long Xuyên cho biết: “Toàn thành phố có 2.230 cơ sở thức ăn đường phố không giấy phép kinh doanh, thực hiện dịch vụ ăn uống ngày và đêm. Năm 2016, phòng đã tổ chức tập huấn kiến thức ATVSTP cho 1.414 cơ sở. Nhờ tăng cường thanh, kiểm tra, nhắc nhở, tập huấn, nhận thức của người bán về ATVSTP có nâng lên, cải thiện điều kiện vệ sinh, một số sử dụng bao tay, tạp dề trong chế biến thức ăn. Một số quán ăn tổ chức người thu tiền riêng”.
Để quản lý tốt ATTP thức ăn đường phố, cần thiết UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; tăng cường nhân lực làm công tác quản lý ATTP, bổ sung trang thiết bị phục vụ kiểm nghiệm nhằm phát hiện sản phẩm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, tăng mức phạt vi phạm ATVSTP đủ sức răn đe.
Nguồn: Báo An Giang